Công nghệ khoan kích ngầm xử lý ô nhiễm sông Tô Lịch

Lần đầu tiên, công nghệ khoan kích ngầm (Pipe jacking- kích đẩy một chuỗi ống đúc sẵn vào sâu lòng đất) được áp dụng tại gói thầu xây dựng hệ thống cống ngầm thu gom nước thải từ sông Tô Lịch.

Đây là gói thầu thu gom lớn nhất trong 3 gói thầu thu gom nước thải của dự án hệ thống xử lý nước thải Yên Xá - dự án trọng điểm của thành phố Hà Nội, có ý nghĩa quan trọng giúp giải quyết triệt để ô nhiễm sông Tô Lịch, sông Lừ.

Thông tin về dự án hệ thống xử lý nước thải Yên Xá, ông Nguyễn Văn Hùng, Giám đốc Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình cấp nước, thoát nước và môi trường thành phố Hà Nội (Ban Quản lý dự án) - chủ đầu tư dự án cho biết: Dự án được xây dựng trên phạm vi lưu vực khoảng 4.874ha, tổng chiều dài khoảng 52,621km, trải rộng trên địa bàn nhiều quận, huyện.

Dự án gồm 4 gói thầu chính; trong đó gói thầu số 1 (xây dựng nhà máy xử lý nước thải công suất 270.000 m3/ngày đêm tại xã Thanh Liệt, huyện Thanh Trì) và số 4 (xây dựng hệ thống cống cho một phần khu vực Hà Đông và khu đô thị mới) đã khởi công trong năm 2019. Ngày 18-5-2020, gói thầu số 2 (xây dựng hệ thống cống bao quanh sông Tô Lịch và cống chính) và số 3 (xây dựng hệ thống thu gom nước thải tại sông Lừ) cũng vừa động thổ.

Động thổ gói thầu số 2.

Đáng chú ý là, với gói thầu số 2 có chiều dài 21,66km, trong đó có gần 13km đi ngầm, hơn 8km đào mở, lần đầu tiên tại Hà Nội, công nghệ khoan kích ngầm (Pipe jacking) được triển khai.

"Công nghệ này giúp việc thi công không làm ảnh hưởng đến bề mặt của hạ tầng kỹ thuật đô thị phía trên như: Giao thông, đường sá, cầu cống..., nên không làm ùn tắc giao thông, không làm ảnh hưởng đến đời sống dân cư trong khu vực thi công do không cần giải phóng mặt bằng. Việc đào ngầm các hạng mục cống thoát nước ở độ sâu từ 6-19m cũng giúp giảm thiểu rủi ro, mất an toàn trong thi công so với đào mở"- ông Nguyễn Văn Hùng cho hay.

Chia sẻ về việc lựa chọn công nghệ khoan kích ngầm, ông Kazutoshi Akasaka, Trưởng đoàn liên danh tư vấn thiết kế kỹ thuật NSC-NJS-OCG-ICC-CEEN dự án cho biết: Theo yêu cầu của thành phố Hà Nội đối với dự án (bảo đảm khắc phục khó khăn bởi các công trình hạ tầng dọc sông Tô Lịch dày đặc; giảm thiểu ảnh hưởng đến giao thông và các công trình hạ tầng sẵn có; tránh xung đột với móng, mố trụ của tuyến đường sắt đô thị), thì công nghệ khoan kích ngầm là giải pháp tối ưu, phù hợp với điều kiện địa chất (đất yếu) và hạ tầng Hà Nội. Không chỉ đáp ứng các điều kiện Hà Nội đặt ra, công nghệ này chỉ chiếm dụng khu vực công tác với diện tích rất nhỏ (10m2) để đặt các giếng kích.

Giới thiệu cụ thể về công nghệ khoan kích ngầm, ông Kazutoshi Akasaka giải thích: Công nghệ khoan kích ngầm được thực hiện bằng cách thi công các đoạn cống tuyến, gồm thi công giếng xuất phát và giếng nhận tại hai đầu (điểm đầu và cuối) tuyến ống. Trước tiên, máy khoan sẽ được kích đẩy vào trong lòng đất bằng hệ thống kích thủy lực từ giếng xuất phát. Sau đó, một chuỗi ống đúc sẵn được đặt nối tiếp theo máy khoan và được kích cùng máy khoan vào lòng đất. Máy khoan sẽ cán đích tại giếng nhận, tạo nên một tuyến ống dài xuyên suốt nối giữa giếng xuất phát và giếng nhận. Mỗi ngày, máy có thể khoan kích đoạn cống dài khoảng 12m.

Một số hình ảnh về công nghệ khoan kích ngầm:

Ưu điểm nổi bật của công nghệ khoan kích ngầm là chiếm dụng mặt đường với diện tích rất nhỏ, hạn chế cản trở giao thông. Ngoài ra, còn giúp làm giảm tiếng ồn, chấn động và bụi bẩn..., ít gây ảnh hưởng đến môi trường và đời sống người dân trong quá trình thi công.

Theo Ban Quản lý dự án, gói thầu số 2 hiện cũng đã lựa chọn được đơn vị thi công là Công ty Tekken (Nhật Bản). Trong đó, công nghệ khoan kích ngầm sẽ do trực tiếp các kỹ sư Nhật Bản triển khai với tổng tiến độ thi công dự kiến trong 48 tháng.

Đánh giá về tầm quan trọng của dự án hệ thống xử lý nước thải Yên Xá, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Đức Chung cho biết, đây là công trình vô cùng quan trọng của thành phố nhằm thu gom xử lý nước thải sinh hoạt của người dân các quận: Tây Hồ, Ba Đình, Đống Đa, Cầu Giấy, Hai Bà Trưng và một phần huyện Thanh Trì, quận Hà Đông, góp phần làm sạch môi trường, sạch sông Tô Lịch. Đây là điều người dân chờ đợi, mong mỏi.

Dạ Khánh

Nguồn Hà Nội Mới: http://hanoimoi.com.vn/tin-tuc/khoa-hoc/968033/cong-nghe-khoan-kich-ngam-xu-ly-o-nhiem-song-to-lich