Công nghệ kiến tạo hạnh phúc

BPO - Mùa xuân là khởi đầu mới, là dấu mốc mới trên hành trình chinh phục những mục tiêu xa hơn trong chuyển đổi số (CĐS) ở Bình Phước. Qua 3 năm quyết tâm CĐS toàn diện với nhiều mô hình tiên phong, đột phá, lấy sự hài lòng của người dân, doanh nghiệp làm mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội bền vững đã đem đến cho Bình Phước nhiều “trái ngọt”. CĐS không phải là điều gì cao siêu, cũng không còn là giải pháp mà trở thành lựa chọn khi nhiều giá trị hạnh phúc được gieo mầm từ số hóa…

Trùng phùng sau nửa thế kỷ thất lạc

Đó là câu chuyện của chị em bà Phạm Thị Minh (công dân Mỹ gốc Việt) và ông Phạm Văn Dung, ấp 6A, xã Lộc Tấn, huyện Lộc Ninh, tỉnh Bình Phước thất lạc nhau gần 50 năm đã được đoàn tụ nhờ cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư.

Ngồi xem những bức ảnh chị em lưu lại cùng nhau, ông Dung vẫn chưa hết xúc động vì cuộc hội ngộ bất ngờ. Ông Dung kể: “Năm 1972, do chiến tranh, chị em tôi thất lạc nhau. Chị gái khi đó 19 tuổi xuất cảnh sang Mỹ. Khi rời Việt Nam, giấy tờ quý giá nhất mà chị mang theo là chứng minh nhân dân và tấm ảnh chụp với mẹ khi còn nhỏ. Còn tôi khi đó chỉ mới 13 tuổi, sống cùng người quen ở TP. Hồ Chí Minh. Sau năm 1972, huyện Lộc Ninh giải phóng, tôi về đây sinh sống cùng với bố. Sau này cuộc sống ổn định, tôi đã nhiều lần tìm chị gái qua mạng xã hội, qua chương trình “Như chưa hề có cuộc chia ly” và cũng nhờ người quen ở bên Mỹ đăng tin tìm kiếm nhưng không có kết quả”.

Bà Phạm Thị Minh (thứ 5 từ trái qua) cùng em trai ông Phạm Văn Dung (thứ 4 từ trái qua) có niềm hạnh phúc vỡ òa khi gặp lại nhau sau gần nửa thập kỷ thất lạc

Ở nước Mỹ xa xôi, bà Minh cũng cố gắng tìm em trai ở Việt Nam nhưng hoàn toàn bất lực vì có nguồn tin em trai đã chết. Năm 2022, bà Minh quyết định cùng chồng và con cháu về Việt Nam với hy vọng mong manh tìm lại em trai mình. Lần theo thông tin ít ỏi về tên tuổi, địa chỉ thu thập được về người em trai đang sinh sống tại huyện Lộc Ninh, gia đình bà Minh đã đến Công an huyện nhờ giúp đỡ. Sau khi đối chiếu thông tin từ hệ thống cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư và thông tin bà Minh cung cấp, Công an huyện Lộc Ninh đã tìm được thông tin ông Phạm Văn Dung trùng khớp trong sự bất ngờ của cả gia đình.

Bà Phạm Thị Minh (đứng đầu bên phải) cùng em trai ông Phạm Văn Dung (thứ 2 từ phải qua) đã thực hiện được ước nguyện lớn nhất cuộc đời mình nhờ hệ thống cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư

“Niềm hạnh phúc vỡ òa khi chị em gặp lại nhau sau gần nửa thế kỷ xa cách. Chị gái nay đã hơn 70 tuổi, tôi cũng đã ngoài 63, tuổi “xế chiều” tìm lại được tình thân thật không có hạnh phúc nào bằng. Chị em chúng tôi chỉ biết gửi những lời cảm ơn sâu sắc đến Công an huyện Lộc Ninh đã giúp gia đình tôi thực hiện được ước nguyện lớn nhất cuộc đời mình” - ông Dung xúc động.

Ông Phạm Văn Dung và bà Phạm Thị Minh có cuộc trùng phùng xúc động nhờ những giá trị to lớn mà chuyển đổi số mang lại

Giấc mơ của hai chị em đã trở thành hiện thực nhờ hệ thống thông tin cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư của Bộ Công an. Đây là hệ thống đang quản lý tập trung, thống nhất thông tin của gần 100 triệu công dân Việt Nam được đưa vào vận hành từ ngày 1-7-2021. Hệ thống đã thu thập, bổ sung thông tin dân cư trên cả nước, đồng bộ và cấp mã số định danh cá nhân. Đây được xem là “chìa khóa vạn năng” mở ra cho người dân nhiều tiện ích.

Cuộc trùng phùng xúc động này đã cho thấy giá trị to lớn của việc xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, đẩy mạnh công cuộc CĐS của ngành công an hướng tới những lợi ích thiết thực cho người dân.

Mang nền tảng số đến hộ gia đình

Ngày nay, với chiếc điện thoại, mỗi người dân dù là ai, ở bất cứ đâu, thành thị hay nông thôn đều đã, đang tham gia CĐS theo cách của riêng mình. Đi chợ, mua sắm, thanh toán tiền điện, nước, đóng học phí, viện phí nay cũng không cần dùng tiền mặt vì 100% các siêu thị, trung tâm thương mại, cửa hàng tiện lợi, cơ sở giáo dục, y tế… trên địa bàn tỉnh Bình Phước có thiết bị thanh toán trực tuyến. Hạ tầng công nghệ số phủ rộng đã giúp người dân khai thác dữ liệu nhanh, tiện lợi hơn. Người dân ngồi ở nhà hay bất cứ đâu đều có thể thực hiện được thủ tục hành chính, theo dõi tiến độ hồ sơ vừa nhanh và giảm chi phí. CĐS không chỉ mang lại sự tiện lợi, hiện đại trong giao tiếp, mua sắm, làm việc mà còn hướng tới cảm nhận vui vẻ, hạnh phúc thông qua những cú “chạm”.

Bà Nông Thị Thuận (thứ hai từ phải sang) ở xã Đồng Tiến, huyện Đồng Phú, tỉnh Bình Phước đã vượt qua rào cản về tuổi tác để tiếp cận công nghệ, hướng dẫn người dân địa phương biết và sử dụng các tiện ích của công nghệ

Anh Lê Thanh Trà ở thôn Phú Thịnh, xã Phú Riềng, huyện Phú Riềng, tỉnh Bình Phước chia sẻ: “Tôi chỉ mất 10 phút để nộp thủ tục hành chính đăng ký kinh doanh. Mỗi gia đình, người dân nơi tôi sinh sống đều đang được tiếp cận với công nghệ số và tham gia, thụ hưởng lợi ích từ CĐS mang lại”.

Cải cách hành chính được tỉnh xác định là một trong 3 khâu đột phá quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội địa phương. Thực hiện khâu đột phá này, những năm qua, tỉnh Bình Phước đã không ngừng đổi mới, sáng tạo, nỗ lực vượt bậc với quyết tâm đưa bộ máy hành chính của tỉnh ngày càng gọn nhẹ, chuyên nghiệp, hướng tới mục tiêu phục vụ người dân, doanh nghiệp nhanh nhất, tốt nhất.

Bà Huỳnh Thị Bé Năm, Phó Giám đốc Sở Nội vụ tỉnh Bình Phước cho rằng: Ở đâu người đứng đầu quyết tâm, quyết liệt trong thực hiện cải cách hành chính thì ở đó chuyển biến tích cực, tạo sự hài lòng cho người dân, doanh nghiệp. Khi người dân, tổ chức, doanh nghiệp hiểu được những nỗ lực của cơ quan công quyền thì sẽ có sự chia sẻ, đồng lòng, từ đó nâng cao các chỉ số SIPAS, PAR INDEX, PAPI của tỉnh.

“Trái ngọt” cho những nỗ lực vượt bậc

CĐS ở tỉnh Bình Phước đã có bước nhảy vọt qua từng năm, đóng góp nhiều kinh nghiệm quý báu cho xây dựng chính phủ điện tử. Đặc biệt, với giải pháp công nghệ số “Hệ thống thông tin nguồn tỉnh Bình Phước” đạt giải thưởng CĐS Việt Nam (Vietnam Digital Awards) năm 2023 ở hạng mục “Cơ quan nhà nước CĐS xuất sắc” có ý nghĩa hết sức quan trọng, tiếp tục khẳng định niềm tin, sự đánh giá hài lòng ngày càng cao của nhân dân, cộng đồng doanh nghiệp, nhà đầu tư về sự phục vụ của các cơ quan hành chính tỉnh; phản ánh hiệu quả trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền từ tỉnh đến cơ sở.

100% các siêu thị, trung tâm thương mại, cửa hàng tiện lợi…trên địa bàn tỉnh có thiết bị thanh toán trực tuyến -Ảnh: Hội Liên hiệp phụ nữ thị xã Chơn Thành hướng dẫn hội viên sử dụng phương thức thanh toán trực tuyến khi mua sắm

Điều đáng nói, triển khai CĐS, Bình Phước xác định lấy người dân, doanh nghiệp là trung tâm phục vụ. Công tác tuyên truyền là trọng tâm, xuyên suốt bởi để CĐS thành công điều tiên quyết là thay đổi tư duy, nhận thức không chỉ cán bộ, công chức thực thi nhiệm vụ mà cả người dân để có sự vào cuộc đồng bộ. “Từ sau khi Nghị quyết số 04-NQ/TU của Tỉnh ủy được ban hành (năm 2021), Bình Phước đã bắt tay ngay vào khai thác hiệu quả các nội lực sẵn có, kết hợp với ngoại lực một cách tối đa, hiệu quả nhằm đi tắt đón đầu, huy động tổng lực, tránh lãng phí, rút ngắn quá trình CĐS. Tỉnh cũng mong muốn không một ai, người dân nào bị bỏ lại phía sau trong công cuộc CĐS” - ông Nguyễn Minh Quang, Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Bình Phước khẳng định.

Lĩnh vực văn hóa đang tích cực triển khai nhiều nội dung CĐS, xây dựng phần mềm lưu trữ và số hóa tài liệu cho Bảo tàng tỉnh; xây dựng cổng thông tin du lịch tỉnh, trang thông tin điện tử Thư viện và Bảo tàng tỉnh - Ảnh: Người dân tìm hiểu tư liệu, hiện vật tại cây thư mục, Bảo tàng tỉnh

Sau thời gian đẩy mạnh triển khai đồng bộ ở tất cả ngành, lĩnh vực, công tác CĐS toàn diện của tỉnh Bình Phước đã từng bước xác định được hướng đi và mục tiêu đúng đắn, đó là lấy người dân làm trung tâm, chủ thể, đối tượng thụ hưởng các thành quả. CĐS đã và đang cung cấp dịch vụ tốt hơn cho người dân, giúp người dân nâng cao chất lượng cuộc sống, làm cho cuộc sống ngày càng ấm no, hạnh phúc.

Ngân Hà

Nguồn Bình Phước: https://baobinhphuoc.com.vn/news/502/153694/cong-nghe-kien-tao-hanh-phuc