Công nghệ tên lửa Nga và nỗi lo xa của Mỹ

Nga đang đi những bước tiến dài trong hành trình hoàn thiện những tổ hợp tên lửa ưu việt. Để đánh chặn các tên lửa ưu việt của Nga, Mỹ sẽ cần tới các hệ thống phòng thủ tên lửa hoàn toàn mới, mà việc phát triển phải mất rất nhiều thời gian.

"Tài sản quý" của Moscow

Nói đến Tập đoàn sản xuất vũ khí Almaz-Antey của Nga thì không chỉ nói đến các hệ thống phòng không nổi tiếng thế giới S-300 và S-400 mà còn cần nhắc đến hệ thống tên lửa phòng không (SAM) Tor đang thực hiện thành công các nhiệm vụ chiến đấu trong quân đội Nga và ở nước ngoài. Hệ thống Tor có phiên bản trên bộ, phiên bản Bắc cực, và phiên bản hàng hải đang được thử nghiệm.

Trả lời phỏng vấn Sputnik, ông Fanil Ziyatdinov, Tổng giám đốc Nhà máy cơ điện Kupol (trực thuộc tập đoàn Almaz-Antey), ở thành phố Izhevsk, cơ sở phát triển hệ thống Tor, đã bật mí về quá trình nâng cấp tổ hợp tên lửa đặc biệt có một không hai của Moscow.

Những hình ảnh đầu tiên của tổ hợp tên lửa phòng không Tor-M2 được Nga triển khai tại căn cứ Hmeimim trên đất Syria.

Những hình ảnh đầu tiên của tổ hợp tên lửa phòng không Tor-M2 được Nga triển khai tại căn cứ Hmeimim trên đất Syria.

Theo ông Fanil, tính đến thời điểm hiện tại hệ thống phòng không gia đình Tor là sản phẩm độc đáo bậc nhất trên thế giới về các đặc điểm chiến đấu. Các chuyên gia Nga và quốc tế đều biết về điều đó. Tor-M2 có thể cạnh tranh thành công với bất kỳ hệ thống tên lửa phòng không hiện đại nào, do vậy, chúng rất dễ lọt vào "mắt xanh" của quân đội nước ngoài. Cuối năm 2018, Tập đoàn Almaz-Antey đã bán một lô lớn các sản phẩm cho quân đội nước ngoài.

Tor-M2 có đủ khả năng thực hiện các nhiệm vụ của hệ thống trinh sát- hỏa lực, và phiên bản Tor-M2DT Bắc cực còn có thể thích nghi với các hoạt động chiến đấu trong điều kiện khí hậu khắc nghiệt, không chỉ ở vùng cực, mà còn ở vùng nhiệt đới và sa mạc.

Thiết bị chiến đấu của tổ hợp được đặt trên khung gầm xe bọc thép bánh xích DT-30PM Vityaz có khả năng cơ động trên địa hình phức tạp, khung gầm do nhà máy chế tạo xe vận tải Ishimbay sản xuất.

Hệ thống tên lửa phòng không này có thể vượt mọi loại địa hình, có thể cơ động trên địa hình mấp mô, địa hình băng tuyết, trên cát, đầm lầy, có thể vượt qua các chướng ngại vật dưới nước. Kíp lái có đủ điều kiện cần thiết để vận hành tổ hợp một cách hiệu quả, cả ở nhiệt độ cực thấp và cực cao.

Số lượng lớn các bộ phận của tổ hợp tên lửa Tor-M2 đã trải qua quá trình hiện đại hóa. Tuy vậy, dù có các đặc điểm ưu việt nhưng tổ hợp tên lửa này khó có thể phát huy được tác dụng nếu không có trạm hướng dẫn chiến đấu.

Để tăng độ chính xác của tên lửa trong việc bắn trúng mục tiêu, hệ thống dẫn đường đã được nâng cấp đáng kể, từ việc nhận thông tin từ trạm phát hiện mục tiêu. Thiết bị phóng tên lửa và ăng-ten cũng đã được nâng cấp. Tổ hợp phải mang 16 tên lửa chứ không phải 8 tên lửa như trước đây. Hệ thống Tor là vượt trội nhờ tổng hợp các đặc điểm kỹ thuật và chiến thuật.

Chạy đua với thời gian

Bộ Tư lệnh Hải quân Mỹ đang phải chuẩn bị "sức đề kháng" trước các loại vũ khí tên lửa đầy hứa hẹn của Nga. Trong ngân sách quốc phòng của Mỹ cho đến năm 2020, hàng chục triệu USD đã được đầu tư cho mục đích này.

Hiện nay, Kalibr và tổ hợp tên lửa siêu âm Zirkon của Nga đang là nỗi lo lớn đối với Hải quân Mỹ. Kalibr đã phát huy tác dụng trong Hạm đội Nga. Tên lửa hiện được lắp trên hầu như tất cả các tàu chiến và tàu ngầm mới. Hiệu quả sử dụng đã được chứng minh trên thực tế, khi các tàu chiến Nga nhiều lần tiến hành các cuộc tấn công lớn nhằm vào các vị trí phiến quân ở Syria.

Tên lửa hành trình siêu thanh trên biển Zirkon được thử nghiệm từ năm 2016. Tất cả các công việc được thực hiện tối mật, vì vậy, thông tin từ các nguồn công khai rất khan hiếm. Tên lửa có thể đạt được tốc độ tuyệt vời, gần 3,5 km mỗi giây. Phạm vi tác chiến hơn 1.000 km. Tốc độ khủng khiếp làm Zirkon trở nên bất khả xâm phạm trước bất kỳ phương tiện đánh chặn nào.

Theo các chuyên gia quân sự, tên lửa Zirkon sở hữu những "phẩm chất" độc đáo mà đến nay các tổ hợp phòng không chưa thể chống lại, kể cả Aegis của Mỹ. Không thể ngồi yên trước những bước tiến lớn của Moscow, trong những năm tới, Washington đã lên kế hoạch trang bị các thiết bị radar mới nhất cho khoảng 20 tàu khu trục thuộc lớp Arleigh Burke.

Tàu khu trục thuộc lớp Arleigh Burke, với tên lửa dẫn đường, là đội tàu chiến có số lượng nhiều nhất trong Hải quân Mỹ, khoảng 70 chiếc, với lượng giãn nước hơn 5.000 tấn. Vũ khí chính trên tàu là tên lửa hành trình Tomahawk có tầm bắn tới 2.600 km và khả năng mang đầu đạn hạt nhân.

Trên tàu còn được trang bị tên lửa phòng không RIM-66 SM-2, pháo 127mm Mark 45 và một số súng máy cỡ nòng lớn. Mục đích chính của tàu Arleigh Burke là bảo vệ tàu sân bay và nhóm tàu chiến trước các cuộc tấn công ồ ạt bằng tên lửa và tàu ngầm kẻ địch, đẩy lùi các cuộc tấn công từ trên không,...

Hệ thống hoàn toàn tự động là yếu tố quan trọng trong hệ thống phòng thủ tên lửa toàn cầu của Mỹ, vì một tàu chiến có thể được gửi đi làm nhiệm vụ tới bất cứ nơi nào trên đại dương thế giới. Các tàu khu trục đầu tiên thuộc loại này bắt đầu phục vụ trong Hải quân Mỹ từ đầu những năm 1990. Qua nhiều năm hoạt động, các con tàu đã được hiện đại hóa nhiều lần. Hiện nay, phiên bản thứ ba Flight IIA đã được đưa vào sử dụng. Năm ngoái, tại Mỹ, phiên bản tàu khu trục thế hệ thứ tư Jack Lucas cũng đã khởi động và sẽ hoàn thành vào năm 2024.

Một cải tiến quan trọng trong những phiên bản mới nằm ở hệ thống radar. Radar ở các tàu khu trục thế hệ trước là AN/SPY-1, được phân loại là trạm ba tọa độ đa chức năng với ăng ten mảng pha, có thể đồng thời theo dõi 250 mục tiêu và điều khiển trực tiếp 20 tên lửa.

Tuy nhiên, SPY-1 nhìn rõ ở khoảng cách rất xa, nhưng gần như bị mù trước mục tiêu bay thấp. Các nhà sản xuất hứa hẹn sẽ thay thế bằng AN/SPY-6, trạm mới sẽ mạnh hơn 30 lần so với phiên bản trước, cung cấp phạm vi phát hiện mục tiêu và độ chính xác cao hơn nhiều, khả năng chống nhiễu ở mọi dải tần, độ tin cậy cao và tầm quan sát rộng hơn.

Liệu radar mới có thể thay đổi tình hình hiện nay hay không vẫn là một câu hỏi để ngỏ. Công việc phát triển một tổ hợp radar phức tạp không phải là một sớm một chiều mà phải "ngốn" của các nhà nghiên cứu Mỹ một vài năm mới có thể cho ra đời một phiên bản SPY-6 hoàn hảo.

Do đó, ngay cả khi hệ thống có thể phát hiện và đánh chặn Kalibr cận âm, thì Zirkon siêu âm vẫn là mục tiêu quá khó. Để đánh chặn các tên lửa như vậy, người Mỹ sẽ cần tới các hệ thống phòng thủ tên lửa hoàn toàn mới, mà việc phát triển phải mất hàng thập kỷ.

Hà Phương (tổng hợp)

Nguồn ANTG: http://antg.cand.com.vn/khoa-hoc-ky-thuat-hinh-su/cong-nghe-ten-lua-nga-va-noi-lo-xa-cua-my-540574/