Công nghệ thay thế đối với tấm lợp fibro ximăng liệu có khả thi?

Từ lâu nay, việc cấm hay không cấm sử dụng amiăng trắng do lo ngại đến sức khỏe đã mở ra một cuộc tranh cãi chưa có hồi kết, đặc biệt là khi vẫn chưa có vật liệu thay thế nào có tính năng vượt trội.

Bao Amiăng trắng được đưa vào máy xe bao tự động.

Bao Amiăng trắng được đưa vào máy xe bao tự động.

Từ lâu việc cấm hay không cấm sử dụng amiăng trắng do lo ngại đến sức khỏe con người đã mở ra một cuộc tranh cãi chưa có hồi kết, đặc biệt là khi vẫn chưa có vật liệu thay thế nào có tính năng vượt trội với giá thành hợp lý như loại sợi này.

Từ câu chuyện amiăng trắng ở Thái Lan

Tại Thái Lan, một nước ASEAN có nhiều điều kiện tương đồng với nước ta về nhiều mặt, sợi amiăng trắng được sử dụng để sản xuất tấm lợp fibro xi măng, ống nước và má phanh từ năm 1938.

Hiện nay toàn Thái Lan có 4 cơ sở sản xuất sản phẩm chứa amiăng trắng là các công ty Diamond, Olam, Thaipipe và Thairoof. Trong đó, Diamond và Olam có sản lượng tương đương nhau khoảng 350 nghìn tấn/năm, Thairoof chủ yếu sản xuất sản phẩm miếng lợp của phần sống mái nhà với sản lượng chỉ khoảng 3000 tấn/năm, Thaipipe sản xuất sản phẩm ống nước với công xuất 3000 tấn/năm.

Đứng trước sức ép cạnh tranh từ thị trường, các nhà máy sản xuất amiăng trắng ở Thái Lan bắt buộc phải đa dạng hóa sản phẩm của mình để đáp ứng thị hiếu của người tiêu dùng bằng cách đưa ra thị trường loại tấm với nhiều màu sắc đa dạng, kích thước và kiểu dáng khác nhau.

Tuy tồn tại nhiều luồng ý kiến trái chiều xoay quanh việc sử dụng loại sợi này tại Thái Lan, Chính phủ Thái Lan vẫn có quan điểm cho phép sử dụng amiăng trắng có kiểm soát sau khi cẩn trọng cân nhắc những hệ lụy của lệnh cấm về mặt kinh tế và xã hội.

Theo bà Srichant Uthayopasm Nguyên Vụ trưởng Vụ kiểm soát các hóa chất nguy hại (Bộ Công nghiệp Thái Lan), thiệt hại kinh tế của việc cấm amiăng trắng tại nước này là rất lớn.

Do luật pháp Thái Lan quy định việc cấm một chất đồng nghĩa với việc cấm hoàn toàn việc nhập khẩu, sản xuất, sử dụng và sở hữu. Vì vậy, nếu lệnh cấm được đưa ra thì bắt buộc phải dỡ bỏ toàn bộ các công trình chứa amiăng trắng, kể cả trong các công trình của quân đội. Điều này là chưa khả thi trong bối cảnh kinh tế xã hội hiện nay của nước này do amiăng trắng được ứng dụng trong nhiều sản phẩm thuộc nhiều lĩnh vực khác nhau.

Bên cạnh đó, các vật liệu thay thế amiăng trắng còn bộc lộ nhiều hạn chế cả về chất lượng và giá thành. Về chất lượng, tấm lợp sử dụng sợi thay thế thường gặp phải các vấn đề như độ bền kém, dễ nứt vỡ, dễ biến dạng và thấm nước. Độ bền của tấm fibro ximăng là 4250 N/m2, trong khi đó, nhiều loại tấm sợi thay thế trên thị trường nước này chỉ đạt độ bền 1500 N/m2.

Đối với tấm sử dụng sợi PVA, giá nhập khẩu sợi này vào Thái Lan lên đến 100.000 baht/tấn (khoảng 68 triệu đồng), điều này khiến nhiều doanh nghiệp gặp khó khăn về vốn sản xuất và đẩy giá thành sản phẩm cao hơn 40% so với tấm sử dụng amiăng trắng, nằm ngoài trả năng chi trả của nhiều người tiêu dùng.

Các doanh nghiệp sản xuất tấm không amiăng trắng còn gặp khó khăn trong việc cho ra đời sản phẩm ngói bò (tấm úp nóc), do đó, kể cả trong các công trình sử dụng tấm không amiăng trắng vẫn tồn tại loại sợi này trong sản phẩm ngói úp nóc.

Do lo ngại hệ lụy về kinh tế cũng như vấn đề vật liệu thay thế, và đặc biệt là chưa có bằng chứng cụ thể về việc amiăng trắng gây ảnh hưởng đến sức khỏe người dân nước này trong suốt gần 80 năm sử dụng, Chính phủ Thái Lan đã để cho thị trường tự quyết định về việc sử dụng các sản phẩm có amiăng trắng đồng thời đưa ra các quy định về sử dụng amiăng trắng có kiểm soát.

Mặt nạ chuyên dụng dành cho công nhân vận hành máy xé bao tại Thái Lan.

Khó khăn tìm kiếm vật liệu thay thế

Ở nước ta, amiăng trắng được sử dụng từ năm 1963 tại hai nhà máy sản xuất tấm lợp fibro ximăng thuộc sở hữu của công ty Enernit đặt tại Biên Hòa (Đồng Nai) và Thủ Đức (thành phố Hồ Chí Minh).

Hiện nay, tấm lợp fibro ximăng đang đáp ứng 40-42% nhu cầu sử dụng tấm lợp tại thị trường nội địa, do đó, vấn đề vật liệu thay thế có thể so sánh với amiăng trắng về tính năng và giá thành là một bài toán lớn đối với nhà quản lý và doanh nghiệp.

Thực tế, đã có nhiều phương án sợi thay thế cho amiăng trắng được thực hiện nhưng vẫn chưa có một giải pháp nào có độ bền và giá thành tương tự loại sợi này. Bộ Khoa học và Công nghệ cùng Viện Vật liệu Xây dựng (Bộ Xây dựng) đã triển khai các đề tài nghiên cứu về sợi thay thế. Kết quả cho thấy tấm lợp thay thế có độ cứng kém hơn 2 lần so với tấm lợp fibro ximăng.

Công ty Cổ Phần Xây lắp và Vật liệu xây dựng Đông Anh từng hai lần thử nghiệp công nghệ sản xuất tấm lợp không amiăng trắng vào năm 2001 và 2014 nhưng đều thất bại do sản phẩm làm ra có chất lượng kém và giá thành cao.

Ông Lê Văn Nghĩa, Tổng Giám đốc công ty cho biết, với công nghệ hiện tại, lượng amiăng trắng trong tấm lợp chỉ khoảng 10%, nhưng với tấm sợi PVA thì chỉ có 1% là sợi PVA và 8-9% là bột giấy, vật liệu này cần được nghiền trong thời gian dài và tiêu tốn nhiều điện năng trong quá trình sản xuất.

Hơn nữa, bột giấy và PVA khó bám dính vào ximăng khiến lượng xi măng thải ra rất nhiều, cường độ sản phẩm chỉ bằng 50% tấm lợp chứa amiăng và tỷ trọng giảm 20%. Loại tấm lợp thay thế cũng không phù hợp với khí hậu Việt Nam do tấm lợp sẽ bị thấm nước sau khi bột giấy phân hủy trong 6 tháng khi trời mưa và tấm sẽ bị cong vênh trong thời tiết nắng nóng. Bản thân nhà máy cũng muốn chuyển đổi công nghệ nhưng công nghệ sản xuất sử dụng sợi thay thế hiện nay chưa đáp ứng được yêu cầu sản xuất.

Nhà máy cũng từng nhập khẩu tấm lợp không amiăng của Thái Lan về bán thử nghiệm nhưng kết quả kiểm tra bởi Viện Vật liệu xây dựng cho thấy tấm thay thế vẫn chứa 4% amiăng trắng. Hơn nữa, sản phẩm này cũng không được thị trường trong nước đón nhận do có giá thành cao, điều đó cho thấy giá thành của sản phẩm này vượt quá khả năng chi trả của người tiêu dùng mà chủ yếu là người có thu nhập thấp, vùng sâu, vùng xa.

Ngoài ra còn có 2 nhà máy đã thử nghiệm dây chuyền công nghệ không amiăng trắng là Navifico và Tân Thuận Cường. Dù được đầu tư hàng tỷ đồng cùng những hỗ trợ chuyển giao công nghệ từ các nước sản xuất sợi PVA, nhưng hiện nay Navifico đã tạm dừng hoạt động trong khi công ty Tân Thuận Cường phải sản xuất tấm fibro ximăng để đảm bảo sản xuất và công việc cho người lao động.

Ông Ngô Thanh Dương, Phó Giám đốc sản xuất nhà máy Tân Thuận Cường cho biết đây là đơn vị đầu tiên sản xuất tấm lợp không amiăng tại Việt Nam. Đơn vị thành lập 2007 với mục tiêu là đơn vị tiên phong sản xuất tấm không amiăng. Tuy nhiên, quá trình sản xuất loại tấm này gặp rất nhiều khó khăn. Tới giờ phút này, dù có sản xuất tấm không amiăng và cả tấm fibro ximăng nhưng thực tế tấm không amiăng sản lượng chỉ chiếm 2 - 3% của công ty còn lại là toàn bộ tấm AC do giá thành tấm không chứa amiăng cao cấp 2 lần tấm amiăng ximăng nên không tìm được chỗ đứng trên thị trường.

Phát biểu trong hội nghị về sử dụng amiăng trắng tại Việt Nam và trên thế giới do Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường phối hợp với Ủy ban Về các vấn đề xã hội đồng tổ chức ngày 28/07/2017, Phó Giáo sư Lương Đức Long, Viện trưởng Viện Vật liệu xây dựng cho biết trong suốt 20 năm nghiên cứu về các loại sợi thay thế amiăng trắng, ông nhận thấy sợi PVA có 3 điểm kém xa so với sợi amiăng trắng, đó là tải trọng uốn gãy (cường độ) của tấm PVA chỉ bằng 50-60% tấm fibro ximăng, độ co giãn do ẩm của tấm PVA lớn cùng khả năng chống thấm kém.

Năm 2014, Viện Vật liệu Xây dựng triển khai đề tài “Nghiên cứu kiểm tra, đánh giá chất lượng của tấm amiăng xi măng và tấm amiăng sợi PVA”. Kết quả cho thấy các thông số về tải trọng uốn gãy, cường độ uốn và lực phá hủy của tấm sợi amiăng trắng đều cao hơn so với tấm sợi PVA.

Cụ thể là tấm sử dụng amiăng trắng có cường độ uốn trung bình là 17,6-22,7 MPa và lực phá hủy là P=453,2N. Các chỉ số này ở tấm PVA lần lượt là 11,5 MPa và P=230,5N.

Các chính sách liên quan đến amiăng trắng cần được cân nhắc kỹ lưỡng trên cơ sở các nghiên cứu khoa học đồng thời cân bằng lợi ích của Nhà nước, doanh nghiệp, công nhân và người tiêu dùng đặc biệt là khi chưa có vật liệu thay thế với tính năng và giá thành tương đương./.

PV (Vietnam+)

Nguồn VietnamPlus: http://www.vietnamplus.vn/cong-nghe-thay-the-doi-voi-tam-lop-fibro-ximang-lieu-co-kha-thi/465459.vnp