Công nghệ... 'tối mật' in báo Lao Động tại Đà Nẵng

Ngoại trừ vài báo điện tử, suốt mấy mươi năm qua, đến thời điểm này, Lao Động vẫn là cơ quan báo chí mạnh về công nghệ. Từ đầu những năm 90, Lao Động là tờ báo đầu tiên xuất bản Lao Động Chủ nhật 16 trang 4 màu; sau đó là Lao Động điện tử và cuối cùng là nhật báo bốn màu khổ A0.

Bản in Lao Động màu đầu tiên ở Nhà in báo Nhân Dân tại Đà Nẵng - Trong ảnh thứ hai bên phải là nguyên Tổng Biên tập Phạm Huy Hoàn và Tổng Biên tập Nguyễn Ngọc Hiển hiện nay. Ảnh: TL

Từ đột phá thời của Tổng Biên tập Tống Văn Công, rực rỡ giai đoạn Phạm Huy Hoàn, cho đến hiện nay là Nguyễn Ngọc Hiển, với khả năng tự chủ hoàn toàn về công nghệ, như một truyền thống, các Tổng Biên tập Báo Lao Động đều mê và giỏi công nghệ thông tin. Đặc biệt, giai đoạn Lao Động lên nhật báo 7 kỳ/tuần, báo đã “phát minh” ra công nghệ chế bản ảnh màu trên phim slide, góp phần in thành công báo Lao Động màu tại Đà Nẵng cùng lúc với hai đầu Hà Nội, Sài Gòn, đồng thời làm lợi hàng tỉ đồng.

Giấc mơ nhật báo

Trước năm 1998, Báo Lao Động chỉ có hai điểm in đặt tại Hà Nội và TP.Hồ Chí Minh. Từ đây, 5 giờ sáng, báo được đưa lên máy bay chuyển vào khu vực Miền Trung gồm, 15 tỉnh từ Quảng Bình đến Ninh Thuận và 5 tỉnh Tây Nguyên. Xa hàng nghìn cây số như vậy, nên bạn đọc khu vực này đều phải đọc báo nguội ít nhất sau một ngày; vùng sâu vùng xa có lúc lên 3, 4 ngày là thường… Số lượng phát hành tại khu vực Miền Trung- Tây Nguyên (MT-TN) lúc này chiếm khoảng 1/3 toàn quốc với 17.000-20.000 tờ/kỳ.

Dù muộn, nhưng bạn đọc vẫn háo hức đón chờ cầm tờ Lao Động bốn màu trong tay, dù là tin tức đã nguội ngắt. Thịnh tình của độc giả là vậy, nhưng với Ban Biên tập báo, đây vẫn là mối day dứt lớn… Hơn hết định hướng tiến đến nhật báo từ 3 kỳ/tuần đòi hỏi, ít nhất 2/3 số độc giả phải được đọc ngay báo Lao Động trong ngày; các thành phố lớn phải đọc báo cùng lần với Hà Nội, Sài Gòn, Tổng Biên tập Phạm Huy Hoàn (lúc này) vẫn hạ quyết tâm, bằng mọi giá in được báo Lao Động tại Đà Nẵng và Trưởng phòng kỹ thuật Nguyễn Ngọc Hiển, là người chịu trách nhiệm chính, cùng Văn phòng MT-TN tổ chức thực hiện.

Lúc này chỉ có Nhà in báo Nhân Dân tại Đà Nẵng đủ khả năng đáp ứng, nhưng Ban giám đốc đặt vấn đề, nếu Lao Động hợp đồng in tại đây, thì mới sắm máy in cuộn 4 màu, vì bản thân báo Nhân Dân lúc đó chỉ in 2 màu đen trắng, nên không có nhu cầu. Nhưng đó chưa là vấn đề nan giải khi kỹ thuật chế bản phim in 4 màu lúc này cả nước chỉ có Trung tâm Dịch vụ giá trị gia tăng (VDC) làm được. Nếu in tại Đà Nẵng, riêng chi phí phim đã gần 1/3 giá báo. Không giải quyết được vấn đề chủ động kỹ thuật chế bản màu, “giấc mơ” in ấn nhật báo Lao Động tại Đà Nẵng sẽ tan như bong bóng.

Công nghệ tối mật

Lúc này Tổng Biên tập Phạm Huy Hoàn, cùng Trưởng phòng Nguyễn Ngọc Hiển ra, vào Đà Nẵng như con thoi, tìm phương thức ráp các đầu mối, giải pháp kỹ thuật… Lưu ý thời điểm này, mạng Internet chỉ truyền được ở tốc độ cao nhất đến 56.6Kb/s trên modem, nên khi dữ liệu của tờ báo truyền tải từ nơi này đến nơi khác có dung lượng lớn có lúc mất đến hàng giờ.

Và cuối cùng sau nhiều tháng mày mò, thử nghiệm, một công nghệ đã được Trưởng phòng kỹ thuật Nguyễn Ngọc Hiển, ứng dụng thành công. Toàn bộ ảnh màu in trên báo Lao Động được chế bản thủ công bằng phần mềm Photostyler, in trên tấm phim slide khổ A3 được bán rất sẵn trên các quầy văn phòng phẩm. Giá thành in phim bằng công nghệ này chưa đến 1/10 của VDC, nên thậm chí công in, giá giấy in báo tại Đà Nẵng còn rẻ hơn cả hai đầu. Đây là một công nghệ mà toàn bộ nhân viên kỹ thuật có liên quan, lúc này buộc phải “thề” giữ bí mật vì tất cả các báo đều quan tâm. Kể cả Cty VDC cũng tìm mọi cách tìm hiểu, nhưng đành lắc đầu… chào thua.

Và rạng sáng 6.6.1998, cùng giờ với hai đầu Hà Nội, Sài Gòn, quả bóng khai mạc World Cup lăn trên sân cỏ nước Pháp, Tin nhanh World Cup Lao Động France ‘88 - 8 trang khổ A4 - đồng thời cũng có mặt trên các sạp báo ở Đà Nẵng cùng với hai đầu Hà Nội, TP.Hồ Chí Minh, làm tiền đề Lao Động in nhật báo tại Đà Nẵng, đánh dấu mốc phát triển vượt bậc của báo Lao Động, đưa tờ báo vào danh sách 200 tờ báo nổi tiếng nhất trên thế giới thời bấy giờ.

NGUYỄN TRUNG HIẾU

Nguồn Lao Động: https://laodong.vn/xa-hoi/cong-nghe-toi-mat-in-bao-lao-dong-tai-da-nang-624519.ldo