Công nghệ truyền thông chính sách trong kỷ nguyên 4.0

Hội thảo cũng làm rõ tầm quan trọng của việc đào tạo, bồi dưỡng nhân lực cho truyền thông chính sách trong kỷ nguyên 4.0. Sự phát triển của dữ liệu lớn, trí tuệ nhân tạo, internet vạn vật… đòi hỏi đội ngũ cán bộ truyền thông chính sách không chỉ cần nắm vững chủ trương, đường lối, chính sách, pháp luật của Đảng, Nhà nước mà còn phải tinh thông công nghệ.

Ngày 1/11, tại Hà Nội diễn ra Hội thảo khoa học quốc tế “Công nghệ truyền thông chính sách trong kỷ nguyên 4.0" do Học viện Báo chí và Tuyên truyền, Đài Tiếng nói Việt Nam và các Cơ quan quốc tế Hàn Quốc (KOICA) tổ chức.

Hội thảo có sự tham gia của các chuyên gia Việt Nam và Hàn Quốc trong các lĩnh vực hoạch định, truyền thông và giảng dạy chính sách. Với cách tiếp cận lấy công nghệ làm trung tâm, hội thảo tìm kiếm những sáng kiến, giải pháp để tăng cường ứng dụng công nghệ trong truyền thông chính sách.

Hội thảo gồm 2 phiên với 8 tham luận do các chuyên gia Việt Nam và Hàn Quốc trình bày. Phiên 1 tập trung vào vai trò công nghệ với truyền thông chính sách trong kỷ nguyên của truyền thông số, truyền thông xã hội và chính phủ điện tử. Phiên 2 tập trung vào các kinh nghiệm, sáng kiến và giải pháp ứng dụng công nghệ trong truyền thông chính sách.

PGS. TS Lưu Văn An, Phó Giám đốc phụ trách Học viện Báo chí và Tuyên truyền cho biết, trong bối cảnh truyền thông số và cách mạng công nghiệp 4.0 hiện nay, công nghệ có vai trò đặc biệt quan trọng đối với truyền thông chính sách. Với nội hàm là công cụ và phương pháp truyền thông, công nghệ truyền thông là nền tảng của chính phủ điện tử, thúc đẩy truyền thông đại chúng và tăng cường kết nối giữa cơ quan hoạch định chính sách, thực thi chính sách với người dân.

Ban chủ tọa Hội thảo phiên 1, giới thiệu nội dung về công nghệ chính sách

Tại Hội thảo, các chuyên gia quốc tế đến từ Đại học Korea, Viện Báo chí Hàn Quốc và Viện các nguồn lực văn hóa Hàn Quốc trao đổi các kinh nghiệm của Hàn Quốc về ứng dụng công nghệ nhằm tăng cường kết nối giữa chính phủ và người dân. Giáo sư Lee Hunyul, Đại học Korea có bài trình bày về sự lan tỏa của làn sóng Hàn Quốc và vai trò của các công nghệ truyền thông mới. TS. Sonho Kim, Viện Báo chí Hàn Quốc đề cao vai trò của công nghệ như giải pháp thúc đẩy truyền thông chính phủ tại Hàn Quốc.

Hội thảo cũng làm rõ tầm quan trọng của việc đào tạo, bồi dưỡng nhân lực cho truyền thông chính sách trong kỷ nguyên 4.0. Sự phát triển của dữ liệu lớn, trí tuệ nhân tạo, internet vạn vật… đòi hỏi đội ngũ cán bộ truyền thông chính sách không chỉ cần nắm vững chủ trương, đường lối, chính sách, pháp luật của Đảng, Nhà nước mà còn phải tinh thông công nghệ.

Hội thảo khoa học quốc tế “Công nghệ truyền thông chính sách trong kỷ nguyên 4.0” nằm trong chuỗi các hội thảo khoa học quốc tế về truyền thông chính sách được tổ chức từ năm 2016 trở lại đây. Các hội thảo này có vi trò quan trọng trong việc hoàn thiện lý luận về truyền thông chính sách đồng thời trao đổi các kinh nghiệm thực tiễn của Việt Nam và Hàn Quốc trong truyền thông chính sách./.

Tin, ảnh: N Phương

Nguồn Đảng Cộng Sản VN: http://cpv.org.vn/khoa-giao/cong-nghe-truyen-thong-chinh-sach-trong-ky-nguyen-4-0-541345.html