Công nghiệp ethanol đang “phất” ở Brazil

Chính sách phát triển nhiên liệu tái tạo của Brazil, được thực hiện từ những năm 1970, đã có những nỗ lực đáng kể để trở thành một quốc gia tự chủ về mặt năng lượng mà nhiều nước trên thế giới hiện đang chập chững đi theo.

Năm 1975, để đối phó với cuộc khủng hoảng dầu lửa thế giới, chính phủ Brazil đã bắt đầu thực hiện một chương trình mang tên Pró-Álcool (Programa Nacional do Álcool) nhằm chuyển việc sử dụng năng lượng hóa thạch sang sử dụng năng lượng ethanol sản xuất từ mía đường. Chương trình này đã cho thấy hiệu quả khá rõ rệt: hiện Brazil là nhà sản xuất nhiên liệu tái tạo hàng đầu thế giới, ngành công nghiệp này của Brazil dựa chủ yếu vào nguồn ethanol sinh học. Nhiên liệu ethanol chiếm đến hơn 50% nhu cầu nhiên liệu của các phương tiện giao thông hạng nhẹ của quốc gia này, và Petrobas - công ty dầu khí hàng đầu Brazil và khu vực Nam Mỹ ước tính tỷ lệ trên sẽ tăng lên đến 80% vào năm 2020. Trong chương trình Pro-álcool, Nhà nước hỗ trợ các khoản vay lãi suất thấp và bảo lãnh tín dụng cho các dự án xây dựng nhà máy chế biến ethanol cũng như hỗ trợ thuế cho người dân khi mua các loại phương tiện sử dụng năng lượng ethanol. Giá ethanol cũng được điều chỉnh ở mức hấp dẫn để nó đủ sức trở thành mặt hàng thay thế cho xăng dầu. Chính phủ cũng chỉ đạo công ty Petrobas phân phối loại nhiên liệu tái chế này đến đông đảo dân chúng. Các trạm xăng đều được lắp đặt các ống bơm nhiên liệu ethanol. Ngoài ra, chính phủ Brazil cũng ký kết nhiều thỏa thuận với các công ty chế tạo ô tô chủ chốt nhằm khuyến khích những đơn vị này chế tạo các loại xe chạy bằng 100% năng lượng ethanol. Ngày nay, người nước ngoài khi đến Brazil sẽ dễ dàng nhìn thấy các loại ô tô có thể chạy bằng cả hai loại nhiên liệu ở khắp mọi nơi. Trước khi đến trạm xăng, các lái xe sẽ tính toán xem với chặng đường tiếp theo thì sử dụng loại nhiên liệu nào sẽ tiết kiệm hơn (năng lượng do ethanol sinh học tạo ra chỉ bằng 70% năng lượng do xăng tạo ra) để có quyết định phù hợp. Nhờ chính sách rộng mở của chính quyền, các nhà đầu tư dù đủ hay kém năng lực đều được tham gia vào ngành công nghiệp mới mẻ này. Đến những năm 1990, các chính sách hỗ trợ của Nhà nước bị bãi bỏ. Ngành công nghiệp này dần phát triển theo khuynh hướng thị trường. Các công ty làm ăn không có lãi dần bị phá sản hoặc bị các công ty khác mua lại. Chính quyền không ra tay cứu giúp những công ty làm ăn thua lỗ mà để cho thị trường tự tái cơ cấu ngành công nghiệp này. Bài học rút ra từ chính sách ethanol của Brazil cho thấy, các chính sách của chính phủ cần phải nhất quán, đơn giản và lâu bền, đủ sức thuyết phục các nhà thầu đầu tư lâu dài và nên dỡ bỏ các chính sách bảo hộ, đỡ đầu khi chúng không còn phát huy tác dụng. Nếu thực thi được, bàn tay thị trường sẽ nối tiếp các chính sách của Nhà nước trong việc điều khiển nền kinh tế. Trung Nguyên

Nguồn TG&VN: http://www.tgvn.com.vn/Item/VN/ThoiSu/2010/5/8B5F3D51E590DC25/