Công nghiệp Hóa dược góp phần nâng cao chuỗi giá trị kinh tế

Sáng ngày 9/11/2018, Cục Hóa chất (Bộ Công Thương) phối hợp với Hội Hóa dược Việt Nam tổ chức Hội thảo khoa học 'Phát triển Công nghiệp hóa dược'.

Kết quả ấn tượng

Theo báo cáo của Cục Hóa chất (Bộ Công Thương), chương trình hóa dược triển khai hoạt động từ năm 2008. Đến năm 2017, chương trình đã triển khai tổng số 107 nhiệm vụ khoa học công nghệ; trong đó có 80 đề tài và 27 dự án.

Từ những kết quả nghiên cứu của đề tài, dự án đã được nhiều Công ty ứng dụng triển khải sản xuất và thương mại đem lại hiệu quả to lớn; Góp phần tư vấn, chuyển giao công nghệ và đào tạo nhân lực cho nhà máy hóa dược.

Đơn cử, Viện Hóa học Công nghiệp Việt Nam góp phần đào tạo nhân lực và tư vấn lựa chọn công nghệ cho dự án ”Đầu tư xây dựng nhà máy sản xuất Sorbitol công suất 30.000 tấn/năm” tại Tây Ninh. Giai đoạn 2 của dự án là sản xuất vitamin C; Đào tạo nguồn nhân lực cho lĩnh vực hóa dược, phục vụ có hiệu quả cho việc nghiên cứu khoa học, giảng dạy, hợp tác quốc tế, chuyển giao và ứng dụng công nghệ vào sản xuất trong lĩnh vực này.

Công ty cổ phần Traphaco có doanh số từ sản phẩm là kết quả nghiên cứu của dự án sản xuất thử nghiệm đạt 300 tỷ đồng. Ngoài ra, công ty còn phối hợp với nông dân phát triển vùng trồng dược liệu.

Bên cạnh đó, dự án của Chương trình Hóa dược cũng đã góp phần nâng cao chuỗi giá trị kinh tế của các sản phẩm trong nước sản xuất được, tăng cường tính cạnh tranh cho các sản phẩm với sản phẩm nhập ngoại.

Nhiều sản phẩm của chương trình Hóa dược được trưng bày tại hội thảo

Có thể kể đến dự án chiết xuất rutin từ hoa hòe của Công ty cổ phần dược vật tư y tế Khải Hà, đã chiết xuất được Rutin đạt hàm lượng >=98% đạt tiêu chuẩn dược điển Đức, sản phẩm đã bán ra thị trường trong nước và xuất khẩu sang thị trường Nhật. Công ty sử dụng nguyên liệu hoa hòe thu mua trực tiếp từ nông dân tỉnh Thái Bình, giúp người dân giảm sự phụ thuộc vào thương lái Trung Quốc và nâng cao giá trị nguồn dược liệu.

Ngoài ra, việc ứng dụng các sản phẩm của đề tài, dự án vào thực tiễn đã góp phần nâng cao sức khỏe của cộng đồng, giảm chi phí, phụ thuộc vào các thuốc nhập ngoại.

Khắc phục hạn chế để hóa dược phát triển

Mặc dù đã có nhiều cải thiện về cơ chế, nguồn lực đầu tư, khắc phục những vướng mắc phát sinh trong quá trình thực hiện, chương trình hóa dược hiện nay vẫn còn gặp nhiều khó khăn.

Theo ông Nguyễn Văn Thanh- Cục trưởng Cục Hóa chất, từ năm 2008 đến năm 2016, mặc dù đã có nhiều cải thiện về cơ chế, nguồn lực đầu tư, khắc phục những vướng mắc phát sinh trong quá trình thực hiện, chương trình hóa dược hiện nay vẫn còn gặp nhiều khó khăn.

Cụ thể, quy định về GMP và các quy định khác đối với đơn vị sản xuất nguyên liệu hóa dược. Theo quy định của Luật Dược số 105/2016/AH13 ngày 6/4/2016, việc đăng ký thuốc, sản xuất nguyên liệu thuốc phải đạt tiêu chuẩn GMP. Như vậy, các đơn vị đăng ký thực hiện dự án sản xuất thử nghiệm muốn bán sản phẩm ra thị trường phải đạt GMP và việc này đòi hỏi chi phí đầu tư cho nhà xưởng khá lớn. Đây là một khó khăn để các sản phẩm thuộc chương trình hóa dược đưa ra thị trường. Ngoài ra, còn quy định về số đăng ký nguyên liệu, các điều kiện để được cấp số đăng ký cũng khá nghiêm ngặt vì vậy càng khó khăn hơn cho việc phát triển các sản phẩm hóa dược.

Ông Nguyễn Văn Thanh- Cục trưởng Cục Hóa chất chia sẻ bên lề hội thảo

Các sản phẩm của chương trình hóa dược để được đưa vào bào chế thành thuốc cần phải thông qua hội đồng y đức và thử nghiệm lâm sàng. Tuy nhiên, nội dung thử nghiệm lâm sàng không có trong nội dung hỗ trợ của chương trình hóa dược. Chi phí cho thử nghiệm lâm sàng lớn, các Viện nghiên cứu, các trường đại học và doanh nghiệp sản xuất nhỏ không thể đầu tư thử nghiệm lâm sàng.

Ông Nguyễn Văn Thanh kiến nghị, trong thời gian tới, Chính phủ sẽ có chính sách riêng, ưu đãi đối với nguyên liệu hóa dược là kết quả nghiên cứu của đề tài dự án thuộc Chương trình Hóa dược, và các chính sách hỗ trợ triển khai kết quả nghiên cứu của đề tài, dự án thử nghiệm vào sản xuất. Bổ sung nội dung hỗ trợ kinh phí thử nghiệm lâm sàng vào các nội dung hỗ trợ của Chương trình Hóa dược. Tăng cường hỗ trợ kinh phí cho công tác hợp tác quốc tế của Chương trình Hóa dược (có kinh phí mời các chuyên gia nước ngoài sang trao đổi, giảng bài,…). Đẩy nhanh đầu tư phòng thí nghiệm chuyên ngành hóa dược. Tăng cường công tác đào tạo: Bổ sung kinh phí đào tạo ngoại ngữ; Mở rộng đối tượng đào tạo do số lượng ứng viên đáp ứng được tiêu chí hưởng lương từ ngân sách Nhà nước không nhiều, mặt khác phần lớn các công ty dược/hóa dược đã tiến hành cổ phần hóa, các công ty có vốn Nhà nước trên 50% là không nhiều.

Đề nghị tiếp tục cho phép Chương trình Hóa dược tiếp tục triển khai thực hiện cho giai đoạn sau năm 2020. Có cơ chế hỗ trợ đối với tài sản của dự án thử nghiệm do các công ty không có vốn Nhà nước thực hiện”, ông Nguyễn Văn Thanh đề xuất.

Lan Anh- Nhật Quang

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/cong-nghiep-hoa-duoc-gop-phan-nang-cao-chuoi-gia-tri-kinh-te-111513.html