Công nghiệp ô tô: Cần tiếp sức tránh hụt hơi

2 năm qua các doanh nghiệp sản xuất ô tô đã có sự nỗ lực vượt bậc, đạt được những 'kỳ tích', kết quả lớn. Song rõ ràng sự cạnh tranh gay gắt từ ô tô nhập khẩu đang ngày càng gia tăng và ảnh hưởng tới ngành sản xuất ô tô nội địa. Đã đến lúc cần có sự tiếp sức kẻo sản xuất trong nước sẽ hụt hơi.

Tại Việt Nam, xu thế ô tô hóa (motorization) dự báo sẽ diễn ra trong thời gian tới, khi GDP bình quân đầu người vượt 3.000 USD và số xe trung bình trên 1.000 dân đạt 50 xe.

Tại Việt Nam, xu thế ô tô hóa (motorization) dự báo sẽ diễn ra trong thời gian tới, khi GDP bình quân đầu người vượt 3.000 USD và số xe trung bình trên 1.000 dân đạt 50 xe.

Xe nhập khẩu tăng mạnh

Theo thống kê mới nhất của Tổng cục Hải quan, tháng 9, cả nước nhập khẩu 11.109 ô tô nguyên chiếc các loại, với tổng trị giá hơn 250 triệu USD. Lũy kế 9 tháng đầu năm 2019, cả nước nhập 107.034 ô tô nguyên chiếc các loại (tăng 163% so với cùng kỳ năm trước), với tổng kim ngạch gần 2,4 tỷ USD (tăng 156%).

Phân tích kỹ hơn sẽ thấy chiếm phần lớn lượng ô tô nhập khẩu là xe du lịch dưới 9 chỗ ngồi (chiếm 72,8%, tăng 652% so với cùng kỳ) và chủ yếu là xe đến từ các nước trong khu vực ASEAN (do được hưởng thuế nhập khẩu 0%), trong đó có đặc biệt là Thái Lan và Indonesia.

Cụ thể, lượng xe nhập khẩu từ Thái Lan là 62.356 chiếc (kim ngạch gần 1,3 tỷ USD), chiếm hơn 58,2% sản lượng nhập khẩu cả nước (tăng rất nhiều so với 39,4% của năm 2017); lượng xe nhập từ Indonesia 31.892 ô tô nguyên chiếc (kim ngạch 445 triệu USD), chiếm gần 30% về sản lượng nhập khẩu cả nước.

Như vậy sau khi thuế nhập khẩu từ ASEAN về 0%, ô tô nhập khẩu từ khu vực thị trường này tăng mạnh, hiện chiếm đến 88,8% tổng lượng ô tô nhập khẩu trong cả nước.

Trong báo cáo gửi Quốc hội mới đây, Bộ Công Thương dự kiến nhập siêu ngành ô tô năm nay sẽ đạt mức kỷ lục hơn 3,4 tỷ USD. Trong những năm tiếp theo, kim ngạch nhập khẩu ô tô sẽ tiếp tục tăng theo nhu cầu sử dụng ngày càng cao trong nước, ảnh hưởng nghiêm trọng đến ngành sản xuất ô tô nội địa và cán cân thương mại.

Nỗ lực của sản xuất ô tô trong nước

Với sự chuẩn bị kỹ càng và nỗ lực quyết tâm lớn, 2 năm qua sản xuất ô tô trong nước cũng đạt được những kết quả rất đáng ghi nhận

Báo cáo số liệu mới nhất từ Bộ Công Thương cho thấy, năm 2018, chỉ riêng hai doanh nghiệp trong nước là Hyundai Thành Công (TC Motor) và Trường Hải (Thaco) sản xuất đạt 144.960 xe (chiếm tới 45,7% tổng lượng xe, 58% lượng xe sản xuất trong nước). Tính riêng Hyundai Thành Công, năm 2018 đã sản xuất 61.460 chiếc (tăng mạnh so với năm 2017 là 28.383 chiếc).

9 tháng năm 2019, sản lượng sản xuất ô tô trong nước ước đạt hơn 240.000 chiếc, tăng 8,3% so với cùng kỳ.

Tương quan về sản lượng giữa xe sản xuất trong nước và xe nhập khẩu đã có sự thay đổi đáng kể, từ 2,5 lần (258.733/ 103.338) trong năm 2017 thành 3,72 lần (250.081/67.148) năm 2018 vì trong 6 tháng đầu năm 2019 chỉ còn cao gấp 1,74 lần so với cùng kỳ.

Ngoài 2 doanh nghiệp TC Motor và Thaco, các doanh nghiệp khác như Mercedes, Toyota, Ford, Honda, Mitsubishi… cũng đã đầu tư, tăng lượng xe sản xuất trong nước. Hiện một số chủng loại xe đã đạt được tỷ lệ NĐH tương đối cao như xe tải đến 7 tấn đạt 55%, xe khách từ 24 chỗ trở lên đạt từ 45 – 55%, đưa đến cơ hội Việt Nam đã có thể xuất khẩu sản phẩm ô tô sang các thị trường như Lào, Campuchia, Myanmar, Trung Mỹ…

Đặc biệt, 6/2019, nhà máy sản xuất ôtô VinFast (Tập đoàn Vingroup) đã chính thức khánh thành giai đoạn 1 với công suất khoảng 250.000 xe/năm. Với 2 sản phẩm vừa ra mắt, lần đầu tiên, VinFast- thương hiệu ô tô Việt Nam chính thức xuất hiện trên thị trường gây chấn động không chỉ trong nước mà còn trên thế giới. Bên cạnh đó, Vinfast cũng xây dựng các nhà máy sản xuất linh kiện phụ trợ cho ngành công nghiệp ô tô trong tổ hợp nhà máy.

Áp lực cạnh tranh gay gắt

Sản xuất trong nước đang phải chịu áp lực cạnh tranh rất lớn với xe nhập khẩu bởi những khó khăn, tồn tại hiện hữu.

Đó là hiện qui mô thị trường Việt Nam quá nhỏ, khoảng 250.000- 300.000 xe/năm (thấp nhất trong 5 nước có ngành công nghiệp ô tô trong ASEAN), bằng 1/7 so với Thái Lan (khoảng 2 triệu xe/năm) và 1/5 so với Indonesia (khoảng 1,3 triệu xe/năm). Với khoảng hơn 40 doanh nghiệp sản xuất, lắp ráp ô tô có tổng công suất lắp ráp thiết kế khoảng 680.000 xe/năm, các doanh nghiệp đang sản xuất thấp rất xa so với công suất thiết kế.

Trong khi tỷ lệ NĐH ô tô của Thái Lan từ 9 chỗ ngồi trở xuống từ 60-80%, còn Indonesia từ 45-70% thì của Việt Nam chủ yếu mới đạt dưới 20%, có một số ít mẫu đạt từ 37-40%.

Điều này dẫn tới chi phí sản xuất lắp ráp ô tô tại Việt Nam vẫn đang khá cao. Hiện giá bán xe của Việt Nam vẫn ở mức cao so với các nước trong khu vực (gấp 2 lần so với Thái Lan và Indonesia), con số này còn lớn hơn so với các nước có ngành công nghiệp ô tô đã phát triển ổn định như Hoa Kỳ, Nhật Bản….

Chưa kể chất lượng xe lắp ráp trong nước dù đã được cải thiện nhưng chưa bằng xe nhập khẩu. Vì vậy dù có nỗ lực, các DN cũng khó cạnh tranh ngang ngửa với xe nhập khẩu trong giai đoạn hiện nay.

Hỗ trợ- Cần nhanh!

Tìm các giải pháp hỗ trợ thúc đẩy công nghiệp ô tô phát triển là quyết sách được Chính phủ thống nhất, yêu cầu các bộ ngành chức năng liên quan nghiên cứu đề xuất, triển khai. Tuy nhiên trên thực tế, việc thực hiện đang được đánh giá là chậm.

Trong một báo cáo gửi Quốc hội mới đây, liên quan đến vần đề này, Bộ Công Thương cho rằng: Các loại thuế, phí đối với sản phẩm ô tô chưa thực sự hợp lý, chưa tạo thuận lợi cho đa số người dân sở hữu ô tô. Trong khi, các chính sách liên quan đến ngành chậm ban hành so với các nước trong khu vực làm mất cơ hội thu hút đầu tư. Bên cạnh đó, chính sách trong nước chưa ổn định và đồng bộ, do đó chưa tạo được bước đột phá cho việc phát triển ngành...

Trao đổi với phóng viên Báo Hải quan, ông Nguyễn Đức Kiên-Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội cho rằng: Ô tô là ngành công nghiệp quan trọng, là ngành tạo động lực quan trọng thúc đẩy sự nghiệp công nghiệp hóa- hiện đại hóa, cần được khuyến khích, hỗ trợ. Tuy nhiên, theo ông Kiên “chúng ta phải thay đổi tư duy hỗ trợ, khuyến khích”. Đó là Nhà nước cần đưa ra những chính sách phát triển phù hợp, đáp ứng đúng mong muốn của doanh nghiệp. Điểm Nhà nước cần làm là có chiến lược tạo ra một môi trường kinh doanh thuận lợi, ổn định cho các doanh nghiệp sản xuất ô tô trong nước; Chiến lược nâng cao sức cạnh tranh của các ngành linh phụ kiện ô tô.

Chỉ ra nguyên nhân khiến ngành công nghiệp ô tô trì trệ, Bộ Công Thương cho rằng, do quy mô thị trường ô tô Việt Nam còn quá nhỏ, trong khi ngành công nghiệp ô tô phát triển dựa vào lợi thế quy mô; số lượng doanh nghiệp sản xuất lắp ráp ô tô quá nhiều so với quy mô thị trường.

Và 3 nhóm giải pháp hỗ trợ đã được cơ quan này đưa ra. Đó là, hoàn thiện và đơn giản hóa các chính sách, thủ tục về thuế tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp công nghiệp ô tô và công nghiệp hỗ trợ; Điều chỉnh các quy định về thuế và ngân sách; Ưu đãi đặc biệt các dự án sản xuất ô tô dưới 9 chỗ ngồi có quy mô từ 50.000 xe/năm trở lên, có sản phẩm xuất khẩu.

Các giải pháp cụ thể là sớm ban hành các chính sách mới tập trung hỗ trợ để thúc đẩy nhanh các dự án lớn về sản xuất, lắp ráp ô tô của các doanh nghiệp lớn, thu hút đầu tư từ các tập đoàn đa quốc gia đầu tư các dự án có qui mô lớn có kèm theo chuyển giao và làm chủ công nghệ tại Việt Nam.

Đặc biệt là nghiên cứu sửa đổi không đánh thuế Tiêu thụ đặc biệt đối với phần giá trị tạo ra trong nước, với thời hạn là từ 5-10 năm. Cũng như sửa đổi các chính sách về thuế, chú trọng thuế Tiêu thụ đặc biệt, thuế Thu nhập doanh nghiệp và các ưu đãi, hỗ trợ khác của Chính phủ để thu hút các dự án đầu tư sản xuất ô tô điện.

Ông Lê Ngọc Đức – Tổng giám đốc TC Motor cho rằng: Một trong những nguyên nhân chính khiến ngành công nghiệp ô tô Việt Nam chưa phát triển được là do thiếu sự hỗ trợ từ các chính sách đối với ngành công nghiệp ô tô. Mặc dù từ cuối năm 2017, Chính phủ đã ban hành 2 Nghị định quan trọng (116/2-17/NĐ-CP và 125/2017/NĐ-CP) đã tác động lớn đến cục diện thị trường ô tô năm 2018, nhưng chưa đủ để tạo ra lợi thế lớn cũng khuyến khích các nhà sản xuất lắp ráp trong nước đầu tư, NĐH sản phẩm.

Thời gian qua, doanh nghiệp nỗ lực duy trì đều sản lượng cho các dòng xe, nhưng nếu kéo dài thì sức khỏe của doanh nghiệp sẽ yếu, nên cần Chính phủ, các bộ ngành sớm có biện pháp đồng bộ hơn nữa thì mới tồn tại được" - ông Đức nói và bày tỏ sự sốt ruột khi nhiều lần kiến nghị về chính sách thuế "sống còn" cho ngành ô tô song đến nay vẫn chưa thấy.

Trong xu thế hội nhập nhanh, sâu rộng như hiện nay, thuế ô tô nhập khẩu xuống 0% không chỉ đến từ các nước ASEAN như Thái Lan, Indonesia mà còn từ các quốc gia thành viên của Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) và Thương mại Tự do Việt Nam – EU (EVFTA) như Nhật Bản, Canada, hay Đức, Anh, Pháp trong 7-10 năm tới. Không chỉ vậy ngành công nghiệp ô tô Việt Nam còn phải chịu sự cạnh tranh từ sự phát triển nhanh của các nước đi sau trong khu vực (như Myanma, Lào, Campuchia).

Nếu không hỗ trợ nhanh, không có giải pháp quyết liệt, sản xuất trong nước khó có thể tiếp tục phát triển, đủ sức cạnh tranh với làn sóng xe nhập khẩu ồ ạt hiện nay.

Nguyễn Hà

Nguồn Hải Quan: https://haiquanonline.com.vn/cong-nghiep-o-to-can-tiep-suc-tranh-hut-hoi-113554.html