Công nghiệp ô tô Việt Nam: Xu hướng nào trong CMCN 4.0?

Tại Triển lãm ô tô Việt Nam 2018 (VMS 2018), Hiệp hội Các nhà sản xuất ô tô Việt Nam (VAMA), các chuyên gia trong lĩnh vực công nghệ, các nhà quản lý… đã cùng ngồi lại trong một hội thảo chuyên đề để xác định rõ ngành công nghiệp ô tô Việt Nam sẽ như thế nào trong cuộc Cách mạng công nghệ 4.0 (CMCN 4.0).

Thực trạng ngành công nghiệp ô tô Việt Nam trong thời đại 4.0

Ông Nguyễn Ngọc Thành, Cục phó Cục Công nghiệp - Bộ Công Thương - đã đưa ra bức tranh toàn cảnh về ngành công nghiệp ô tô Việt Nam hiện nay với những kết quả và công nghệ đang ứng dụng. Hiện thị trường đã có sự tham gia tích cực và rộng rãi của các doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế: doanh nghiệp nội địa như Công ty CP Ô tô Trường Hải (Thaco), Công ty CP Huyndai Thành Công, Tập đoàn Vingroup; các tập đoàn ô tô lớn trên thế giới (Toyota, Ford, Honda, Mitsubishi...). Tổng năng lực sản xuất - lắp ráp ô tô khoảng 600 ngàn xe/năm, gồm hầu hết các chủng loại xe con, xe tải và xe khách; một số chủng loại xe đã đạt được tỷ lệ nội địa hóa tương đối cao như xe tải đến 7 tấn tỷ lệ nội địa hóa đạt 55%; xe khách từ 24 chỗ ngồi trở lên, tỷ lệ nội địa hóa đạt từ 45-55%, cơ bản đáp ứng mục tiêu đề ra vào năm 2020 của ngành. Một số sản phẩm đã xuất khẩu sang thị trường Lào, Campuchia, Myanmar, Trung Mỹ,…

 Ông Henry Nguyễn Hữu Thái Hòa, HĐTV cố vấn cho Tập đoàn Bưu chính viễn thông Việt Nam, kiêm GĐĐH Trung tâm khoa học sáng tạo Việt Nam trình bày về xu hướng của công nghiệp ô tô Việt Nam trong 10 năm tới

Ông Henry Nguyễn Hữu Thái Hòa, HĐTV cố vấn cho Tập đoàn Bưu chính viễn thông Việt Nam, kiêm GĐĐH Trung tâm khoa học sáng tạo Việt Nam trình bày về xu hướng của công nghiệp ô tô Việt Nam trong 10 năm tới

Cuộc CMCN 4.0 dựa trên nền tảng công nghệ số và tích hợp các công nghệ thông minh để tối ưu hóa quy trình, phương thức sản xuất; đặc biệt là những công nghệ đang và sẽ có tác động lớn như công nghệ in 3D trong chế tạo sản phẩm, công nghệ sinh học, công nghệ vật liệu mới, công nghệ tự động hóa, robot,… Điều này tác động đến ngành công nghiệp ôtô sẽ phát triển theo 4 xu hướng chính bao gồm: tự động hóa, kết nối, xe điện và chia sẻ xe như một dịch vụ.

Tuy nhiên, trên thực tế xe ô tô tích hợp các công nghệ 4.0 vẫn là điều mới mẻ tại Việt Nam và chưa có nhiều công ty tham gia, kể cả trong lĩnh vực sản xuất xe hơi lẫn phát triển phần mềm.

Hiện mới chỉ có một số doanh nghiệp đầu tư nghiên cứu và bước đầu đã có những kết quả nhất định như FPT từ năm 2016 đã thành lập một công ty chuyên hoạt động trong lĩnh vực này với quy mô 700 người. Giữa năm 2017, những ứng dụng công nghệ mới nhất về xử lý hình ảnh, trí tuệ nhân tạo, học sâu (deep learning) đã được FPT đưa vào thử nghiệm trên xe ôtô mô hình. Tháng 10/2017, xe ô tô thương mại đầu tiên tích hợp công nghệ xe tự hành do FPT nghiên cứu và phát triển đã được đưa vào chạy thử nghiệm trong khuôn viên của công ty.

Công ty TNHH Sản xuất và kinh doanh Vinfast hiện đang đầu tư/ trang bị hàng nghìn robot tự động cho nhà máy sản xuất, lắp ráp ô tô tại Hải Phòng dự kiến sẽ đi vào sản xuất thương mại 2019.

Theo ông Thành: Việt Nam hiện có trên 50 triệu người dùng Internet, chiếm 54% dân số, vượt mức trung bình của thế giới là 46,64%. Với cơ sở hạ tầng về công nghệ thông tin tương đối phát triển đã tạo điều kiện cho các doanh nghiệp sản xuất, lắp ráp ô tô có khả năng tiếp cận nhanh chóng với các thành quả của kỷ nguyên công nghiệp 4.0. Việc nắm bắt kịp thời các thành quả của cuộc cách mạng công nghệ 4.0 có thể coi là chìa khóa, cơ hội để tạo bước phát triển mang tính đột phá cho ngành công nghiệp sản xuất, lắp ráp ô tô của Việt Nam trong thời gian tới nhằm thực hiện thành công quá trình công nghệ hóa.

Cần có tư duy 4.0 để xác định xu hướng cho ngành ô tô Việt Nam

Nhiều chuyên gia trong lĩnh vực công nghệ và ô tô cho rằng: Nếu trước đây, các yếu tố quyết định sự khác biệt của những chiếc xe là động cơ, hộp số, bộ dẫn động, vô lăng điều khiển và xăng dầu… thì ngày nay, ô tô giống như một chiếc máy tính. Phần mềm và điện đã thay thế chức năng của các yếu tố cơ học, con người và nhiên liệu. Điều đó khiến cho ô tô không còn là cỗ máy bốn bánh thuần cơ khí mà được trang bị hàng loạt các ứng dụng công nghệ giúp lái xe an toàn hơn, đem lại trải nghiệm mới cho người dùng.

Những dòng xe sang được ứng dụng 4.0 nhanh hơn

Có thể nói rằng đại đa số sáng tạo của xe hơi hiện nằm ở phần mềm. Các nhà sản xuất ôtô hiểu rằng xe hơi không còn là "lãnh địa bất khả xâm phạm" của họ nữa mà là lãnh địa của các công ty công nghệ. Rất nhiều công ty chưa từng tham gia sản xuất xe như Google, Tesla, Uber, Apple... đều đã lên kế hoạch phát triển xe tự hành. Cụ thể, ở nhà máy Bosch (Stuttgart-Feuerbach, Đức), sản lượng hệ thống phanh tự động (ABS) và hệ thống cân bằng điện tử (EPS) đã tăng 25%, đơn giản chỉ bằng cách áp dụng những dây chuyền thông minh và được kết nối. Các xu hướng này sẽ mang đến sự thay đổi lớn chưa từng có.

Đồng quan điểm trên, ông Henry Nguyễn Hữu Thái Hòa, Hội đồng thành viên cố vấn cho Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam, kiêm Giám đốc điều hành Trung tâm Khoa học sáng tạo Việt Nam nhấn mạnh thêm: Quan trọng hơn cả là cần có tư duy 4.0 để xác định ngành công nghiệp ô tô Việt Nam sẽ phát triển như thế nào trong vòng 10 năm tới. Bởi hiện cuộc CMCN 4.0 đã đi vào các nhà máy sản xuất ô tô 4.0 trên thế giới hoàn toàn tự động. Từ năm 2015 Google đã nghiên cứu xe không người lái, và hiện Uber ATG Car - xe không người lái đang được thử nghiệm tại 4 thành phố lớn trên thế giới như: San Francisco, Phoenix, Pittsburgh…

Tương lai 10 năm tới là xe ô tô điện không người lái trên không – flying car

Do đó ông Hòa cho rằng, cách mạng công nghiệp ô tô còn 10 năm nữa để đổi mới vì tương lai 10 năm tới công nghiệp ô tô trên toàn cầu là flying car (tạm dịch là xe điện trên không) sẽ điều hành bằng phần mềm chọn điểm đến như gửi email. Giải pháp Xe thông minh PRT như dạng flying Car sẽ được Ấn Độ đưa vào hệ thống giao thông công cộng ở một số thành phố đông dân nhất vào năm 2020 bởi đây là đất nước ứng dụng công nghệ 4.0 nhanh nhất. Như vậy, tương lai công nghiệp ô tô Việt Nam phụ thuộc vào tư duy công nghệ 4.0.

Minh Long - Mai Ca

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/cong-nghiep-o-to-viet-nam-xu-huong-nao-trong-cmcn-40-110807.html