Công nghiệp văn hóa Việt Nam: Thiếu & Đủ!

Công nghiệp văn hóa là một khái niệm đang ngày càng được thừa nhận rộng rãi trong chính sách của nhiều quốc gia trên thế giới.

Nhiều định nghĩa, khái niệm được nêu ra nhằm giải thích về “công nghiệp văn hóa” nhưng nhận thức chung của chính phủ các nước là văn hóa đang dần trở thành một ngành công nghiệp thì cơ bản không có khác biệt.

Năm 2007, UNESCO đã đưa ra khái niệm: “Công nghiệp văn hóa là các ngành sản xuất ra những sản phẩm vật thể và phi vật thể về nghệ thuật và sáng tạo, có tiềm năng thúc đẩy việc tạo ra của cải và thu nhập thông qua việc khai thác những giá trị văn hóa và sản xuất những sản phẩm và dịch vụ dựa vào tri thức”. Tùy từng quốc gia, vùng lãnh thổ mà có các khái niệm, định nghĩa khác nhau nhưng tất cả đều thống nhất khi nhận diện một sản phẩm Công nghiệp văn hóa thì phải hội tụ bốn yếu tố: Tính sáng tạo; Vốn văn hóa; Công nghệ và Kỹ năng kinh doanh. Trong số này, tính sáng tạo được đề cao nhất, cho nên ở một số quốc gia không gọi là “Công nghiệp văn hóa” mà gọi là “Công nghiệp sáng tạo”.

Chính phủ có nhiều chính sách hỗ trợ văn hóa truyền thống trở thành một sản phẩm văn hóa. Ảnh: Khiếu Minh.

Trước đây, nhiều người coi văn hóa là lĩnh vực không tạo ra của cải vật chất, là lĩnh vực không sinh lời. Có một giai thoại về nhà thơ Bút Tre, sinh thời là Trưởng ty Văn hóa tỉnh Phú Thọ đã nói thẳng: “Văn hóa chỉ có khoai sắn thôi” cũng là dễ hiểu. Một đất nước thuần nông thâm căn cố đế, các sản phẩm văn hóa truyền thống thì ở dạng thủ công không tinh xảo hoặc có tính chất thời vụ (ví dụ tranh Đông Hồ hay nhưng cũng chỉ để chơi Tết, các mùa khác trong năm thì vô giá trị). Trong xu thế hội nhập, quan điểm này đã có sự thay đổi.

Đi sau về xây dựng, phát triển Công nghiệp văn hóa nhưng Việt Nam vẫn có thể trở thành một trung tâm công nghiệp sáng tạo văn hóa tầm cỡ trong khu vực. Nhiều chuyên gia cho rằng, tiềm năng và cơ hội phát triển Công nghiệp văn hóa ở Việt Nam được ví như “mỏ vàng” cần sớm được khai thác.

Từ khi Đổi mới, Đảng và Nhà nước ngày càng quan tâm, chú ý nghiên cứu vấn đề kinh tế trong văn hóa. Nghị quyết Hội nghị Trung ương 5, khóa VIII (1998) đã nhấn mạnh tiềm năng kinh tế trong phát triển văn hóa, nhấn mạnh việc đẩy mạnh sáng tạo, tăng cơ hội tiếp cận của người dân với các sản phẩm văn hóa. Nhiều bộ luật liên quan đến các ngành Công nghiệp văn hóa, như: Luật Xuất bản (2004), Luật Điện ảnh (2006), Luật Quảng cáo (2012)… được Quốc hội thông qua tạo điều kiện để các ngành có sự thay đổi căn bản.

Nhận thức được tầm quan trọng của phát triển Công nghiệp văn hóa sẽ mang lại lợi ích nhiều mặt, dài lâu cho đất nước, Nghị quyết số 33-NQ/TW của Đảng khóa XI “Về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước” đã xác định phát triển Công nghiệp văn hóa là một trong những mục tiêu trong giai đoạn mới nhằm “khai thác và phát huy những tiềm năng và giá trị đặc sắc của văn hóa Việt Nam; khuyến khích xuất khẩu sản phẩm văn hóa, góp phần quảng bá văn hóa Việt Nam ra thế giới”.

Ngay sau đó, Chính phủ đã ban hành Quyết định số 1755/QĐ-TTg ngày 8/9/2016 phê duyệt Chiến lược phát triển các ngành Công nghiệp văn hóa Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030.

Bà Hoàng Thị Hoa - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội, cho rằng: “Chủ trương xây dựng và phát triển Công nghiệp văn hóa là bước tiến quan trọng trong nhận thức và hành động của Đảng, Nhà nước cùng các cơ quan quản lý; là kết quả của quá trình đổi mới tư duy về văn hóa gắn với đổi mới tư duy kinh tế và xây dựng nền kinh tế thị trường. Lĩnh vực văn hóa không còn đứng đầu trong danh sách cần cắt giảm chi tiêu và đứng cuối trong thứ tự ưu tiên đầu tư như trước đây”.

Không gian phố đi bộ Hồ Gươm – Một không gian sáng tạo của giới trẻ Hà Nội. Ảnh: Khiếu Minh.

Nhận thức và hành lang pháp lý khá đầy đủ nhưng không phải cứ nói xuất khẩu là có thể làm ngay được. Ông Bùi Hoài Sơn - Viện trưởng Viện Văn hóa nghệ thuật Việt Nam nhận định: “Muốn phát triển Công nghiệp văn hóa phải xem sản phẩm văn hóa như bao hàng hóa khác. Tức là phải đáp ứng nhu cầu thị trường, phải có kỹ năng kinh doanh, phải xây dựng thương hiệu... Trong quá trình đầu tư, Nhà nước cần phân định rõ đâu là sản phẩm văn hóa phi lợi nhuận phục vụ các nhiệm vụ chính trị, đâu là sản phẩm văn hóa để kinh doanh. Một điều quan trọng khác là việc quản lý văn hóa phải rõ ràng, nhất quán, tránh gây khó cho những người sáng tạo. Nhà nước cần phải đưa ra một số quy tắc rõ ràng về biểu đạt liên quan đến “vùng cấm” như: Xuyên tạc lịch sử, đả phá chế độ, bôi xấu người khác, thuần phong mỹ tục… để người sáng tạo biết để không làm ảnh hưởng quyền lợi cộng đồng, không xâm phạm lợi ích của người khác. Ngoài một số quy tắc đó, giới sáng tạo được tự do sáng tác bởi muốn phát triển văn hóa phải tạo điều kiện tối đa cho mọi sáng tạo của người dân được thể hiện, mọi tiềm năng tài năng của con người được thể hiện”.

Mục tiêu của Chiến lược phát triển các ngành Công nghiệp văn hóa của Việt Nam là đóng góp doanh thu tương đương 7% GDP và tạo ra nhiều việc làm, tuy vậy, hiện tại mức chi cho hoạt động văn hóa chỉ chiếm 1,8% tổng chi ngân sách Nhà nước. Đây được xem là mức thấp vì Nhà nước còn đang ưu tiên đầu tư phát triển nhiều lĩnh vực khác.

Dân số trẻ là một trong nhiều lợi thế của Việt Nam để phát triển Công nghiệp văn hóa. Ảnh: Khiếu Minh

Chuyên gia nghiên cứu Công nghiệp văn hóa Trương Uyên Ly cho rằng, đầu tư cho văn hóa không nhất thiết phải “đổ tiền” vào mà phải chuyển sang các hình thức hỗ trợ khác, ví như: “Những chính sách kiến tạo là miễn giảm thuế, cho thuê ưu đãi dài hạn các không gian, bảo lãnh cho vay lãi suất thấp, riết róng bảo hộ bản quyền… đã được các nước thực thi hiệu quả, rất đáng để Chính phủ nghiên cứu áp dụng. Tất cả các nước đã xây dựng và phát triển Công nghiệp văn hóa thành công đều cần sự hỗ trợ, đầu tư ban đầu của Nhà nước. Tuy nhiên, cách thức hỗ trợ cần tập trung, lựa chọn những dự án tiềm năng, không phân biệt đơn vị công hay tư, miễn có khả năng mang lại hiệu quả cao, để hoàn thành mục tiêu chung là phát triển Công nghiệp văn hóa”.

Một ví dụ khá tiêu biểu cho hoạt động đầu tư hiệu quả vào sản phẩm văn hóa, dựa trên việc khai thác các nền tảng văn hóa của Việt Nam đó là Vịnh Hạ Long. Năm 2017, chỉ tính tiền bán vé tham quan Vịnh Hạ Long thu 1.100 tỷ đồng trong khi ngân sách chỉ đầu tư hơn 50 tỷ đồng.

Chính phủ xác định nền Công nghiệp văn hóa Việt Nam có 12 ngành chủ chốt: Quảng cáo; Kiến trúc; Phần mềm và các trò chơi giải trí; Thủ công, mỹ nghệ; Thiết kế; Điện ảnh; Xuất bản; Thời trang; Nghệ thuật biểu diễn; Mỹ thuật, nhiếp ảnh và triển lãm; Truyền hình và phát thanh; Du lịch văn hóa. Mỗi một ngành đều có một thế mạnh riêng để có thể chung tay đưa ngành công nghiệp này đạt mục tiêu đóng góp 7% GDP và tạo thêm nhiều việc làm vào năm 2030.

Đến năm 2030, Công nghiệp văn hóa sẽ đóng góp 7% GDP toàn Việt Nam và tạo ra nhiều việc làm. Ảnh: Khiếu Minh.

Muốn tạo ra một sản phẩm Công nghiệp văn hóa trước tiên phải sử dụng vốn văn hóa để làm chất liệu, đó là lịch sử dân tộc, là tri thức và truyền thống văn hóa. Với bề dày lịch sử, văn hóa nghìn năm dựng nước và giữ nước, đây lại là một thế mạnh của Việt Nam so với nhiều quốc gia trên thế giới.

Việt Nam còn có một thế mạnh mà nhiều quốc gia phải mơ ước, đó chính là con người. Trong số hơn 90 triệu dân thì có tới 60% số người có độ tuổi dưới 40 và được sinh ở thời hậu chiến. Một trong những đặc điểm của năng lực sáng tạo là phụ thuộc vào tài năng, cá tính của cá nhân là chính. Hiện nay đã xuất hiện những cá nhân tài năng trong các lĩnh vực văn hóa nghệ thuật, các nhà sản xuất và kinh doanh văn hóa. Đó là những người trải qua đào tạo chuyên môn, đam mê với nghề, nhanh nhạy với xu thế thị trường, có khả năng thích ứng, giao lưu, tiếp biến văn hóa cao… Nếu được tiếp tục tạo điều kiện, được thử sức, những cá nhân trẻ này sẽ còn đem lại sức bật cho nền Công nghiệp văn hóa.

Tử Hưng

Nguồn Công Luận: https://congluan.vn/cong-nghiep-van-hoa-viet-nam-thieu-du-post67543.html