Công nhân bị nợ lương, bảo hiểm xã hội... kéo dài

Đối mặt với lệnh 'niêm phong' toàn bộ cơ sở sản xuất sau nhiều lần buộc phải tạm ngưng hoạt động do chậm trễ, né tránh khắc phục sai phạm về môi trường, nợ bảo hiểm xã hội (BHXH), nợ lương công nhân... Cty CP Đường Bình Định (BISUCO) đang đặt mình vào tình trạng bất ổn nghiêm trọng hơn bao giờ hết.

Công ty CP Đường Bình Định (BISUCO). Ảnh: Dân Trí.

Chờ bán mật rỉ trả nợ

Từ 9.4 - ngày nhà máy sản xuất của BISUCO bị đóng cửa tạm thời lần thứ 3 - anh Trương Đình Thân (thôn Tả Giang, xã Tây Giang, huyện Tây Sơn) lại trở về với thân phận dân chài, lần hồi kiếm sống qua ngày dọc bờ bãi sông Kôn.

“Tay lưới này chẳng đỡ đần được bao nhiêu, thu nhập bữa có bữa không. Nhà máy xả thẳng nước thải ra ngoài, đến cái giếng ăn nhà bà Nguyễn Thị Nhàn cuối xóm còn nhiễm bẩn, phải bỏ đi, thì cá tôm nào chịu nổi!” - anh Thân than thở.

Thân là một trong 301 CNLĐ của BISUCO chịu ảnh hưởng trực tiếp của lệnh ngừng sản xuất. Đã giữa tháng 4, anh cho biết mới chỉ nhận được lương tháng 2, “còn BHXH, kỳ nào cũng phải trích nộp, nhưng Cty có đóng không thì không ai biết, chỉ nghe đang nợ đầm đìa”.

Theo một số liệu mới đây do chính BISUCO tổng hợp: Hàng tồn kho 4.000 tấn; nợ nông dân 46,6 tỉ đồng; nợ thuế 8,2 tỉ đồng; nợ lương người lao động 4 tỉ đồng; nợ BHXH 3,5 tỉ đồng; nợ thủy lợi phí 4,1 tỉ đồng; nợ vật tư và các khoản khác 5,2 tỉ đồng - tổng nợ 70 tỉ đồng.

Trong tình trạng doanh nghiệp bị xâu xé, thúc ép bởi áp lực thu hồi nợ, người lao động, thông qua công đoàn cơ sở (CĐCS), đã kịp đấu tranh bảo vệ quyền lợi của mình. Ngày 14.4, một tập hợp kiến nghị của công nhân được gửi lên lãnh đạo nhà máy.

Ngày 16.4, sau buổi đối thoại với giám đốc người Ấn Độ Bhogavilli Anantha Sreenivasa Rao, Ban Chấp hành CĐCS BISUCO phát thông báo gồm các nội dung sau: Trong thời gian nghỉ việc để Cty xử lý môi trường (từ 9.4), người lao động được hưởng chế độ tiền lương ngừng sản xuất (55% lương theo hợp đồng); lương tháng 3.2018 sẽ chi trả ngày 25.4; tiền bảo hiểm các loại, Cty đã nộp 781,5 triệu đồng 2 tháng 3, 4 và sẽ “bố trí bán mật rỉ” (khoảng 2,6 tỉ đồng) để trả nợ đến hết tháng 3.2018 cho BHXH huyện Tây Sơn. Phần bảo hiểm còn nợ, sẽ trông chờ vào việc bán đường, bã mía.

Ông Rao hứa “cố gắng đưa nhà máy hoạt động trở lại, trả hết nợ cho nông dân, cho người lao động trong thời gian sớm nhất”, đồng thời kêu gọi công nhân “bình tĩnh, chia sẻ khó khăn”.

Trả lời PV Lao Động, Chủ tịch CĐCS BISUCO Trần Văn Đồng cho biết, hiện vẫn chưa ghi nhận phản ứng gì từ phía người lao động, rằng họ đồng tình hay phản đối nội dung thông báo trên.

Thu nợ bằng.... đường

Một “mặt trận” khác khiến BISUCO phải gồng mình đối phó là quan hệ nợ nần với đại lý, nông dân. Mỗi ngày, hàng chục xe tải hạng nặng chầu chực trước cổng nhà máy, không phải để cung ứng nguyên liệu hay vận chuyển sản phẩm ra thị trường mà là nhằm tranh thủ tận thu đường, trừ nợ.

Anh Đỗ Đình Cư ở Tây Giang cung ứng cho BISUCO 3.000 tấn mía với giá 900.000 đồng/tấn kể cả tiền vận chuyển, cay đắng nói giữa dòng người chờ chực: “Phải... xiết nợ kiểu này là do đã hết cách. Lấy tấn đường ra, bán lại lòng vòng qua đại lý, lời lãi rơi rụng hết trơn. Còn hơn 1 tỉ đồng chôn trong đó, không biết bao giờ tôi mới “cấn” xong đây”.

Ông Trần Vân, xuống từ thị xã An Khê (Gia Lai) cũng dở khóc dở cười: “Có nợ phải đòi nhưng thủ tục ngóc ngách ra sao mình không rành rẽ. Đành khoán hết cho đại lý và chấp nhận bán đường qua họ với giá thấp hơn. Tính ra, cứ 100 triệu, mình phải chịu mất 5 triệu đồng”.

Ông Vân có 10ha mía, từ trước Tết Mậu Tuất đến nay bán cho nhà máy hơn 400 tấn để bây giờ phải chen chúc gỡ gạt bằng cách “ủy quyền” thu nợ và cắn răng cam chịu thiệt hại. Tuy nhiên, không phải ai cũng sớm có cơ hội cấn trừ.

Nhiều người quẩn quanh khu vực nhà máy hết ngày này sang ngày khác vẫn chưa có cách nào đưa được hồ sơ thanh toán vào tới bàn của BISUCO. Có người không rành đường đi nước bước, cũng có người không nỡ nhìn thành quả mồ hôi nước mắt suốt một năm thêm lần nữa bốc hơi qua tầng nấc trung gian.

XUÂN NHÀN

Nguồn Lao Động: https://laodong.vn/cong-doan/cong-nhan-bi-no-luong-bao-hiem-xa-hoi-keo-dai-602975.ldo