Công nhân căng mình gia cố hầm Bãi Gió sau sự cố

Bất chấp không gian chật chội, không khí ngột ngạt, ánh sáng nhợt nhạt những công nhân thi công trong hầm đường sắt Bãi Gió vẫn khéo léo xoay xở trong ca làm việc của mình để đạt năng suất cao nhất.

Ngột ngạt không gian thi công

Cẩn thận soát lại từng vật tư đã được chuyển lên toa xe thi công đang dừng trước hầm Bãi Gió (hầm đường sắt qua đèo Cả), anh Trần Văn Minh, công nhân Công ty CP Đầu tư và xây dựng công trình 3 nói, do hầm hẹp, vào rồi không quay ra lấy đồ được nên khâu chuẩn bị phải thật kỹ.

Quệt mồ hôi lấm tấm trên khuôn mặt, anh Minh cười tươi hướng dẫn PV từng thao tác để chuẩn bị vào hầm Bãi Gió mà anh gọi vui là "địa đạo". Theo anh Minh, ít ai biết hầm đường sắt có quy mô nhỏ hơn đường bộ, điều kiện điện, ánh sáng, không khí cũng rất hạn chế.

Anh Trần Văn Minh đã có 25 năm làm công nhân đường sắt, Công ty CP Đầu tư và Xây dựng công trình 3.

45 tuổi nhưng anh Minh có 25 năm bén duyên cùng đường sắt. Sau khi học xong cấp ba ở quê nhà TX Kỳ Anh (Hà Tĩnh), anh Minh đã làm công nhân đường sắt. Vừa làm vừa học, hiện nay, anh đã trở thành một trong những công nhân bậc cao của công ty.

Anh không thể nhớ hết những công trình hầm đường sắt mà mình đã thi công. Dọc tuyến đường sắt Bắc – Nam, nhiều tuyến hầm, cầu sắt, từ Đồng Đăng (Lạng Sơn), dọc miền Trung vào đến TP.HCM đều đã từng in dấu vân tay anh.

Mọi thiết bị, vật tư được công nhân bốc xếp lên toa xe trước khi vào hầm.

"Tôi cũng như nhiều công nhân khác, quanh năm suốt tháng bám tuyến thi công hầm, cầu đường sắt, biền biệt xa gia đình, ăn ngủ lán giữa rừng.

Ngán nhất là thi công cầu, hầm nằm ở những nơi núi rừng heo hút, không có điện, xa dân cư, không có đường bộ tiếp cận thi công... anh em chủ yếu ăn mì tôm thay cơm, cho tiện đỡ phải rau cá", giọng anh Minh trầm xuống.

Thi công trong hầm, an toàn lao động phải đặt lên hàng đầu. Vì mọi việc phát sinh ở trong hầm đều rất khó xử lý.

"Hàng chục năm chinh chiến trên đường sắt, hầm Bãi Gió thi công vất vả nhất vì nền địa tầng không đồng nhất, nước trong hầm nhiều. Những ngày trời mưa lớn, nước trong hầm từ các lỗ thoát phun thành dòng, gây khó cho thi công" anh Minh nói.

Đoàn tàu công trình có hai đầu máy, đầu máy sau đang đẩy vật tư vào hầm Bãi Gió.

Tiếng còi tàu kéo một hồi, tất cả công nhân răm rắp lên tàu theo các vị trí được phân công. Đoàn tàu công trình chuyển bánh, khuất dần trong hầm tối.

Đường hầm rộng chừng hơn 4m, hắt hiu chút ánh sáng, hai đầu máy hai đầu tàu bịt kín lối đi.

30 phút sau, anh Minh dẫn PV đi vào hầm, do đoàn tàu chắn lối nên mỗi người phải đi nghiêng mình lần bước trong khoảng cách nửa mét giữa vỏ hầm và toa tàu. Trong đường hầm, đoàn tàu chia làm 2 (tương đương với 2 mũi thi công), mỗi đoạn một toa gắn với mỗi đầu máy.

Công nhận phải trộn bê tông thủ công.

Tại mũi thi công phía bắc hầm, tinh thần làm việc tranh thủ từng phút. Mũi được chia làm 3 tổ, trải dài theo trên 3 toa xe.

Tổ ngoài chuẩn bị vật liệu, chuyển đến tổ trộn ở giữa. Từ đó, bê tông được chuyển về tổ phun ở trong cùng.

Tại đây, dưới áp lực mạnh của vòi phun, bê tông được bắn găm vào vỏ hầm. Một không gian nhỏ hẹp, nóng nực, mỗi công nhân ai nấy đều đầm đìa mồ hôi.

Vừa dang ngang sải tay, anh Minh vừa nói, đường hầm hẹp, mọi vật liệu, thiết bị, máy bơm, máy xúc nhỏ đều được bố trí tất cả ở trên toa xe. Công nhân chỉ việc thao tác ngay trên thùng xe, rồi phun hay lắp đặt vào vỏ hầm.

Neo lưới thép để phun bê tông gia cố mái hầm.

Không gian chật hẹp, nên phải bố trí hợp lý để tránh va vào nhau. Mọi công đoạn lao động thủ công là phần nhiều. Máy móc hoạt động để trên toa cũng phối hợp nhịp nhàng đảm bảo an toàn.

Trong đường hầm, hai mũi thi công trên hai đoạn toa, mỗi đoạn gắn với mỗi đầu máy. Khi thi công xong vị trí này, lái tàu lại nổ máy kép cả mũi di chuyển đi vị trí khác.

Rời toa xe, xuống lội bộ mấy chục mét đường hầm bùn nhão, PV đến mũi phía nam hầm. Trên các toa, mũi này đang thi công lắp đặt khung trợ lực và lưới thép để phun bê tông mái hầm.

Tại đây, một máy xúc nhỏ được đặt trên toa xe đang thò gàu nâng những khung sắt, khói máy quẩn trong hầm mù mịt. Khung thép dựng lên, nhóm công nhân xoay chân đặt vào đúng vị trí đã định.

Công nhân hàn định vị lưới thép vào đỉnh hầm.

Cách đó một toa xe, tổ công nhân đang cắt, hàn, lắp ráp lưới thép vào mái hầm để phun bê tông gia cố. Ánh lửa hàn lóe sáng, công nhân cười, nói trao đổi xen lẫn tiếng máy xúc tạo nên không khí sôi nổi.

Chỉ thi công trong hầm 30 phút, chiếc khẩu trang trên mặt của anh Minh đã ngả màu vì khói bụi.

"Bình thường thi công trong này, gió sẽ đẩy vào dọc đường hầm, khói bụi sẽ đi về một hướng. Nhưng do đoàn tàu đang nằm trong nên mọi thứ đều "bám riết" lấy anh em công nhân, khi ra khỏi hầm, mọi người đều lấm lem vì bụi", anh Minh phân trần.

Bó hẹp và bị động thời gian thi công

Đưa PV lên vị trí cao nhất trên đoàn tàu, kỹ sư Đinh Bá Long (30 tuổi, quê Quảng Bình), chỉ huy trưởng thi công của Công ty CP Đầu tư và xây dựng công trình 3 cho biết, hiện nay, các công trình trên tuyến đường sắt Bắc – Nam đều phải vừa thi công, vừa khai thác (tàu khách và tàu hàng vẫn chạy bình thường).

Vì vậy, việc thi công chỉ được bố trí vào thời gian phong tỏa của bên vận tải đường sắt với các chuyến tàu.

Không khí trong hầm rất nóng nực khiến việc thi công càng khó khăn.

"Sau 7h sáng mỗi ngày, phía vận tải đường sắt mới thông báo khung giờ chính thức để thi công hầm Bãi Gió với 4 tiếng đồng hồ. Theo đó, mọi công việc từ vận chuyển, thi công, thu dọn, rút khỏi hầm đều diễn ra trong một khoảng thời gian như vậy", anh Long nói.

Thời gian hạn hẹp nên mọi công tác, khâu đoạn phải tính kỹ lưỡng. Chỉ riêng việc đưa đoàn tàu, bố trí các mũi, sắp xếp thiết bị thi công trong hầm đã mất chừng 30 phút.

30 phút còn lại dành cho thời gian thu xếp thiết bị, vật tư, thời gian tàu di chuyển ra ngoài. Như vậy, thời gian thi công thực tế chỉ chừng 3 tiếng.

"Thi công trong hầm, một bữa cơm trọn vẹn cũng trở thành thứ xa xỉ. Bởi phụ thuộc vào giờ phong tỏa tàu hỏa.

Phần lớn nhằm vào bữa trưa, thường từ 10h - 14h, buổi sáng thường từ 9h - 13h. Thậm chí nhiều hôm, ăn dở bữa cũng bỏ bát mà đi cho kịp giờ", anh Long chia sẻ.

Công nhân phải làm việc trong điều kiện thiếu không khí trong lành.

Phun bê tông gia cố hầm, một trong những công đoạn phát tán bụi nhiều nhất.

Tuy vất vả trong thi công, áp lực về thời gian, nhưng mỗi công nhân thi công hầm Bãi Gió đều ý thức được việc đảm bảo lưu thông tàu khách và tàu hàng vẫn là ưu tiên số 1.

Trực tiếp vào hiện trường, ông Trần Việt Dũng, Tổng giám đốc Công ty CP Đầu tư và xây dựng công trình 3 cho PV biết, do đặc thù công việc nên doanh nghiệp luôn quan tâm động viên người lao động. Mọi chế độ cho công nhân được đảm bảo.

Tiếng hiệu lệnh của nhân viên đường sắt vang lên, mọi người nhanh chóng thu xếp trang thiết bị, vật tư...

Đoàn tàu nhập lại thành một, những toa xe chuyển động dần dần về phía nam hầm Bãi Gió, một khoảng sáng cửa hầm lộ dần, làn gió mát rượi thổi vào đẩy lui những đám khói bụi còn quanh quẩn trong bóng tối.

Clip công nhân vượt khó thi công hầm Bãi Gió:

Tưởng Cao Sơn

Nguồn Giao Thông: https://www.baogiaothong.vn/cong-nhan-cang-minh-gia-co-ham-bai-gio-sau-su-co-192240426170128801.htm