Công nhân, công đoàn Hà Nội: Góp phần cho việc tiếp quản Thủ đô thắng lợi

Sau hơn hai tháng liên tiếp bền bỉ đấu tranh, công nhân lao động và tổ chức công đoàn Hà Nội đã góp phần quyết định vào việc giữ lại được toàn bộ hệ thống nhà cửa, máy móc, nguyên vật liệu, hồ sơ, tài liệu quan trọng của Thủ đô. Hàng trăm hòm tài sản quý mà địch đã chuyển xuống tới cảng Hải Phòng, cuối cùng trước sự đấu tranh kiên quyết của công nhân lao động, địch buộc phải trả lại. Những thành tích đó đã góp phần quan trọng giúp cho việc tiếp quản Thủ đô thắng lợi.

Cuốn Lịch sử phong trào công nhân viên chức, lao động và tổ chức Công đoàn Hà Nội ghi: Ngày 20/7/1954, Hội nghị Giơ- ne- vơ về Đông Dương kết thúc thắng lợi, hòa bình được lập lại ở Việt Nam, song trước khi phải rút quân khỏi miền Bắc nước ta, thực dân Pháp, đế quốc Mỹ đã ráo riết tiến hành âm mưu di chuyển và phá hoại máy móc, tài sản công cộng ở các nhà máy, xí nghiệp và công sở, cưỡng ép công nhân lao động và đồng bào di cư vào Nam nhằm gây khó khăn, thiệt hại cho ta.

Công nhân viên chức lao động cùng các tầng lớp nhân dân nô nức đón chào đoàn quân giải phóng tiếp quản Thủ đô.

Chúng đã vạch ra kế hoạch cho thuốc vào hủy hoại hệ thống dầu để dần dần phá hỏng các động cơ của xe hơi; tích cực phá hoại các nhà máy điện, nước, cảng, cầu… và làm hỏng hệ thống đường sắt.

Trước âm mưu thâm độc của địch, căn cứ vào phương châm chính sách tiếp quản của Đảng và Chính phủ, Thành ủy Hà Nội đã kịp thời đề ra chủ trương: Đẩy mạnh cuộc đấu tranh phối hợp với toàn quốc chống đối phương vi phạm Hiệp định, chống âm mưu phá hoại, dịch chuyển, vơ vét tài nguyên, máy móc, nguyên vật liệu, hồ sơ, chống đuổi thợ, quỵt lương đồng thời kiên quyết vạch trần âm mưu tuyên truyền, xuyên tạc và dụ dỗ cưỡng ép đồng bào miền Bắc di cư vào Nam, âm mưu cướp bóc gây rối loạn Thành phố.

Để thực hiện nhiệm vụ trên, công tác công vận trong thời gian tiếp quản tập trung vào những xí nghiệp lớn và những xí nghiệp quan trọng quan hệ mật thiết đến đời sống của nhân dân và cho việc thiết lập trật tự thành phố như điện, nước, bưu điện, vệ sinh…

Với chức năng nhiệm vụ của mình, Liên hiệp Công đoàn Hà Nội đã vạch ra kế hoạch 5 điểm nhằm chỉ đạo mọi hoạt động của tổ chức Công đoàn trong thời gian này gồm: Vận động công nhân, lao động tham gia tiếp quản các xí nghiệp, công sở của địch ở thành phố; động viên công nhân, lao động ra sức phục hồi sản xuất, để sinh hoạt của thành phố được mau chóng bình thường trở lại; ổn định trật tự thành phố; ổn định tư tưởng và tạo tinh thần phấn khởi trong công nhân lao động; giải quyết dần dần yêu cầu cấp bách về đời sống của công nhân lao động.

Thực hiện chủ trương trên, khắp các xí nghiệp, công sở, Công đoàn đã tổ chức sâu rộng nhiều cuộc đấu tranh chống sa thải công nhân viên chức; chống di chuyển máy móc, nguyên vật liệu, hồ sơ tài liệu; chống cưỡng ép di cư, đồng thời còn huy động các đơn vị tự vệ xí nghiệp và động viên công nhân canh gác nhà máy, luân phiên nhau túc trực ngày đêm, không để một phút sơ hở cho địch có thể vơ vét, di chuyển nguyên vật liệu, máy móc.

Đông đảo công nhân, viên chức còn chủ động giải thích các chính sách nhân đạo của Đảng và Nhà nước, thuyết phục binh lính địch bỏ hàng ngũ đối phương về với cách mạng hoặc đồng tình với những cuộc đấu tranh của ta.

Từ cuối tháng 9, phong trào đấu tranh chống địch di chuyển máy móc, hồ sơ tài liệu đã diễn ra quyết liệt. Tại Hỏa xa Hà Nội, công nhân tổ chức chiến dịch đấu tranh bảo vệ máy móc, nguyên vật liệu. Từ 17 đến 21/9/1954, hơn 2.000 công nhân, lao động đã kéo đến vây quanh trước Ga Hàng Cỏ, hỗ trợ cho cuộc đấu tranh của bộ phận công nhân trong ga, ngăn cản không cho địch di chuyển các đầu tàu hỏa và nguyên vật liệu.

Ở Nhà máy Điện Yên Phụ ngày 1/10/1954, công nhân đã vây kín nhà máy, bất chấp lưỡi lê và họng súng của lính Pháp, ngăn cản không cho địch di chuyển máy móc và tài liệu đồng thời kiên quyết đòi bọn chủ phải chở than ở Hải Phòng lên không được sử dụng số than dự trữ. Tại Nhà máy Đèn Bờ Hồ, hơn 400 công nhân đã anh dũng đấu tranh không cho địch mang 1 máy phát điện, 1 máy đo điện, 3 hòm tài liệu xuống Hải Phòng, khiến địch buộc phải để lại.

Công đoàn cơ sở ngành in đã vận động công nhân nâng cao cảnh giác, phá tan âm ưu phá hoại của địch. Tại Sở Bưu điện Bờ Hồ, địch không cho công nhân vào làm việc, Công đoàn đã vận động công nhân và nhân viên kiên quyết, bền bỉ đấu tranh, cuối cùng, địch phải nhượng bộ. Ngày 2/10, địch đã phải cho tất cả công nhân ở Bưu điện vào làm. Công nhân đã tổ chức ngay việc canh gác để bảo vệ công sở và cất giấu những thứ cần thiết.

Từ ngày 5/10 trở đi là những ngày địch sắp rút khỏi Hà Nội và quân ta vào tiếp quản ở hầu hết các xí nghiệp quan trọng như: Điện, Nước, Hỏa xa, Bưu điện, Công chính…tổ chức Công đoàn đã chỉ đạo công nhân thành lập các đội tự vệ ăn ngủ trong nhà máy, đề phòng địch di chuyển, phá hoại máy móc, tài sản.

Sau hơn hai tháng liên tiếp bền bỉ đấu tranh, công nhân lao động và tổ chức Công đoàn Hà Nội đã góp phần quyết định vào việc giữ lại được toàn bộ hệ thống nhà cửa, máy móc, nguyên vật liệu, hồ sơ, tài liệu quan trọng của Thủ đô.

Hàng trăm hòm tài sản quý mà địch đã chuyển xuống cảng Hải Phòng, cuối cùng trước sự đấu tranh kiên quyết của công nhân lao động, địch buộc phải trả lại. Những thành tích đó đã góp phần quan trọng giúp cho việc tiếp quản Thủ đô thắng lợi. Cũng do bảo vệ được nguyên vẹn các cơ sở sản xuất, nên ngay trong ngày 10/10 khi bộ đội ta vào tiếp quản, mọi sinh hoạt trong thành phố vẫn giữ vững nhịp điệu bình thường.

Điện, nước vẫn được đảm bảo đầy đủ, anh em công nhân Hỏa xa Hà Nội đã lắp và sửa chữa ngay đầu máy để ngày 11/10 cho tầu chạy xuống Văn Điển. Tại Sở công chính, tất cả những xe chở rác, xe hỏa vẫn được giữ nguyên vẹn.

Cũng theo cuốn Lịch sử phong trào công nhân, viên chức, lao động và tổ chức Công đoàn Hà Nội, sau 9 năm gian khổ anh dũng đấu tranh (1946-1954), đội ngũ công nhân Hà Nội đã giành lại từ tay thực dân Pháp Thủ đô yêu dấu của mình, từ đó bắt đầu một thời kỳ xây dựng, sáng tạo mới. Từ ngày 19/12 năm 1946 đến ngày 10/10 năm 1954 công nhân, viên chức, lao động và tổ chức Công đoàn Hà Nội đã trải qua 9 năm gian nan thử thách.

Là lực lượng trung tâm trong cuộc đụng độ giữa lực lượng cách mạng và thế lực xâm lược trên mảnh đất “đầu sóng ngọn gió” của Cách mạng cả nước, công nhân và công đoàn Thủ đô đã phải chống trả những trận đòn phản công ác liệt của kẻ thù và cũng chính từ đó bộc lộ trọn vẹn phẩm chất cao đẹp, sức mạnh to lớn của mình.

Điển hình nổi bật của thời kỳ này là cùng một lúc, công nhân lao động Hà Nội đã triển khai cuộc đấu tranh cách mạng trên tất cả các mặt trận: Chính trị quân sự, kinh tế vừa để đánh bại các âm mưu thủ đoạn tàn bạo, thâm độc của kẻ thù, vừa góp phần quan trọng trong xây dựng, bảo vệ chế độ mới.

Suốt 9 năm, lúc thuận lợi, khi khó khăn, lúc tập trung khi phân tán, ở mọi thời điểm hoàn cảnh, với các mức độ khác nhau, công nhân Hà Nội đã thể hiện đậm nét tinh thần Cách mạng của những người lao động được giải phóng làm chủ một địa bàn chiến lược quan trọng nhất - Thủ đô, trái tim của cả nước. Đó là tinh thần “Cảm tử cho Tổ quốc quyết sinh”.

Gắn liền với cuộc đấu tranh của công nhân lao động, tổ chức Công đoàn Hà Nội đã trưởng thành nhanh chóng. Suốt 9 năm Công đoàn Hà Nội tồn tại và trưởng thành trong một điều kiện khắc nghiệt, trước những đòn tiến công ác hiểm của kẻ thù.

Trong một hoàn cảnh đầy biến động, một mất, một còn luôn luôn phải căng thẳng đối phó với kẻ thù, cái mạnh, cái thành công cơ bản của công đoàn Hà Nội chính là ở chỗ kiên quyết bám trụ, luôn luôn rút kinh nghiệm, sửa cái sai, phát huy cái đúng để tạo ra phương sách hoạt động có hiệu quả, đối đầu và đánh bại kẻ thủ.

Lịch sử kháng chiến của đội ngũ công nhân và tổ chức Công đoàn Hà Nội không phải là lịch sử thuận chiều, đơn giản mà thật sự là một quá trình vật lộn, trong đó có thành bài, có tiến, có lùi song tổng hợp lại các bước đi đó đều vận động theo xu hướng đi lên, để đến tới cái đích của ngày 10/10/1954 Thủ đô hoàn toàn giải phóng.

Phạm Diệp

Nguồn LĐTĐ: http://laodongthudo.vn/cong-nhan-cong-doan-ha-noi-gop-phan-cho-viec-tiep-quan-thu-do-thang-loi-97708.html