Công nhân gửi con ở đâu để đi làm?

LTS: Các khu công nghiệp, khu chế xuất (KCN, KCX) mọc lên ngày càng nhiều trên khắp cả nước, thu hút lực lượng lớn công nhân. Hầu hết công nhân nữ làm việc tại các khu công nghiệp đang nuôi con nhỏ nên nhu cầu gửi trẻ rất cao. Tuy nhiên, nhiều khu công nghiệp hiện không có nhà trẻ, mẫu giáo, khiến nhiều gia đình phải đưa con gửi tại những điểm giữ trẻ tự phát hoặc đưa con về quê gửi ông bà, họ hàng. Việc gửi con ở đâu để có thể yên tâm đi làm vẫn đang là nỗi lo của người lao động. Các cơ quan chức năng ở các thành phố có nhiều khu công nghiệp đang cùng nỗ lực để giải quyết vấn đề này nhằm đáp ứng nhu cầu của người dân.

Bài 1: Loay hoay tìm trường mầm non cho con trẻ

Theo thống kê của Vụ Giáo dục Mầm non (Bộ Giáo dục và Đào tạo), số lượng trẻ mầm non đến trường tăng trung bình khoảng 200 trẻ mỗi năm, chủ yếu ở địa bàn có khu công nghiệp. Sự biến động không ngừng về số lượng công nhân khiến việc dự báo số lượng trẻ mầm non đến trường thêm khó khăn, dẫn đến tình trạng ngày càng thiếu chỗ học ở khu vực này. Và thực tế, con em của các lao động di cư tự do, lao động các KCN, KCX là những trẻ em đang phải chịu nhiều thiệt thòi, ít có điều kiện tiếp cận để được vào học các trường mầm non công lập, các cơ sở mầm non tư thục có chất lượng…

Nhọc nhằn tìm chỗ gửi con

Những ngày này, khi toàn ngành giáo dục và đào tạo đang chuẩn bị cho một năm học mới đến rất gần, nhiều bậc cha mẹ là công nhân trong các KCN, KCX lại nhọc nhằn tìm kiếm cho những “mầm non” của mình một nơi được chăm sóc, học tập tốt.

Sắp hết thời gian nghỉ thai sản 6 tháng, chị Nguyễn Minh Trang (quê Phú Thọ) đang làm việc tại KCN Quang Minh (Hà Nội) chia sẻ: Chỉ còn hai tháng nữa là em phải đi làm nhưng đến giờ vẫn chưa tìm được nơi gửi con an toàn, giá cả hợp lý. Cháu còn quá nhỏ, nếu gửi con tại các cơ sở trông trẻ tự phát thì thực sự không yên tâm, mà gửi vào trường công thì em lại không có hộ khẩu. Ông bà nội, ngoại ở xa, không thể xuống trông cháu vì già yếu, vì thế khi em đi làm đành “cắn răng” gửi con về quê nhờ bà ngoại chăm sóc. Mong rằng, công ty quan tâm tới đời sống của công nhân, chỉ cần có trường mẫu giáo thôi để công nhân được gần con, điều này không chỉ là ý nghĩa tinh thần mà còn là động lực để chúng em gắn bó với công ty hơn.

Cùng tâm trạng lo âu như chị Trang, hai vợ chồng chị Phạm Thị Thanh, quê Thái Nguyên, công nhân nhà máy công nghệ sơn Komatsu Việt Nam (Phú Thọ) nhiều năm nay cho hay, bé gái 4 tuổi và bé trai gần 2 tuổi nhà chị đều được gửi ở điểm giữ trẻ tư nhân gần nhà trọ cho phù hợp với giờ làm. Các trường mẫu giáo công lập thì quá tải, đồng thời chỉ nhận giữ trẻ trong giờ hành chính, do vậy rất khó bố trí phù hợp với việc làm ở công ty. Riêng học phí cho hai bé khoảng hơn 3 triệu đồng mỗi tháng, nếu không tăng ca thì hết cả tháng lương, rồi còn tiền thuê nhà, điện nước hằng tháng…

Việc gửi con ở đâu để có thể yên tâm đi làm vẫn đang là nỗi lo của người lao động.

Tuy nhiên, khi được hỏi về nguy cơ khi trẻ có thể bị bạo hành ở nơi giữ trẻ, những công nhân đều cho biết, họ đều là công nhân có thu nhập thấp, cho nên dù biết những nhà trẻ tư thục tiềm ẩn nhiều rủi ro cũng đành liều đem con đi gửi. “Chúng tôi cũng có nghe đến việc các cháu gửi ở những cơ sở mầm non ngoài công lập có thể gặp rủi ro, như không bảo đảm vệ sinh, dinh dưỡng, thậm chí là bị bạo hành và giáo viên hoặc bảo mẫu ở đó không đủ chuyên môn...Thế nhưng, không gửi con ở đó thì biết gửi ở đâu? Trong KCN không có nhà trẻ, còn trường mẫu giáo công lập phải có hộ khẩu mới xin cho con theo học được, mà chúng tôi lại chủ yếu là dân nhập cư... Còn nếu muốn gửi con vào trường có chất lượng một chút thì học phí mỗi tháng khoảng 4-5 triệu đồng/tháng, bằng cả tháng tiền lương công nhân. Với đồng lương công nhân ít ỏi thì đó là một khoản mà chúng tôi khó có thể “kham” nổi”, nhiều công nhân cho hay.

Tuy nhiên, trên thực tế, kể cả khi hộ khẩu không phải là một rào cản thì trường mầm non công lập cũng không phải là lựa chọn hàng đầu của công nhân vì họ cần một nơi trông trẻ có thời gian linh hoạt và chi phí thấp. Do vậy, theo chia sẻ của hầu hết công nhân, các cơ sở mầm non tư thục nhỏ lẻ, tự phát gần nhà nhận trông trẻ là giải pháp phù hợp để công nhân “bấm bụng” gửi con, để rồi sau đó phải trông chờ vào sự nhân từ của các giáo viên, bảo mẫu, mà nhiều người trong số đó còn không có bằng cấp chuyên môn.

Nhu cầu bức thiết của công nhân

Theo báo cáo của Vụ Giáo dục Mầm non (Bộ Giáo dục và Đào tạo) về thực trạng nhà trẻ mẫu giáo trong các KCN hiện nay cho thấy, tính đến hết tháng 12-2017, có hơn 2,5 triệu công nhân làm việc tại 199 KCN, KCX tại 17 tỉnh, thành phố, trong đó hơn 62% là lao động nữ, đa phần lao động nữ có tuổi đời khá trẻ. Do đó, vấn đề nhà trẻ mẫu giáo tại các KCN hiện nay đang đặt ra nhiều bức xúc. Nhu cầu gửi trẻ tăng nhanh, trong khi công tác quy hoạch và đầu tư phát triển mạng lưới trường mầm non công lập trên địa bàn không đáp ứng đủ nhu cầu; các trường mầm non tư thục có mức học phí cao, trong khi mức thu nhập bình quân của công nhân chưa cao nên không có khả năng chi trả... Vì vậy, đa số công nhân phải chọn giải pháp gửi trẻ tại các nhóm trẻ, lớp mẫu giáo độc lập tư thục trên địa bàn.

Qua khảo sát ở rất nhiều KCN, KCX, PGS.TS Vũ Quang Thọ, Viện trưởng Viện Nghiên cứu công nhân công đoàn (Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam) thừa nhận, nhu cầu gửi trẻ của công nhân càng ngày càng lớn, còn hiện tại mới chỉ đáp ứng được một phần rất nhỏ: Cứ 10 công nhân nữ trong độ tuổi sinh đẻ vào làm việc trong khu công nghiệp, hiện chỉ bảo đảm được con em gửi ở nhà trẻ khoảng 10%, còn lại phần lớn những khu công nghiệp chưa có nhà trẻ. “Tuy nhiên, ngay những khu nhà trẻ ấy cũng không đáp ứng được nhu cầu của công nhân lao động có con nhỏ cần gửi. Vì thế, các công nhân buộc phải gửi trẻ vào nhóm cơ sở tư thục”, PGS.TS Vũ Quang Thọ nhấn mạnh.

Cục trưởng Cục Trẻ em, Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội Đặng Hoa Nam thì cho biết, sau khi đi kiểm tra thực tế việc tổ chức cấp phép và quản lý các cơ sở giáo dục mầm non ở các địa phương có nhiều KCN, khi một số nhóm trẻ tư thục hoặc nhóm trẻ gia đình không đủ tiêu chuẩn bị chính quyền phường đóng cửa, nhiều nữ công nhân còn kéo đến phản đối bởi lẽ họ cho rằng, nếu đóng cửa thì họ không biết gửi con vào đâu. Còn trường công lập thì họ rất khó gửi vào, vì phần đa số họ là lao động ngoại tỉnh, không có hộ khẩu tại địa phương. Còn ở những nơi có chất lượng, bảo đảm tiêu chuẩn của ngành giáo dục thì họ không có đủ chi phí để gửi con, do vậy họ bắt buộc phải gửi con ở các cơ sở không đủ tiêu chuẩn.

Như vậy, nếu theo cha mẹ đến các KCN thì trẻ có nguy cơ rơi vào những cơ sở không bảo đảm chất lượng, tiềm ẩn nguy cơ bị bạo hành. Còn nếu để trẻ ở quê nhà với ông bà thì sự gần gũi và được bảo vệ bởi cha mẹ cũng bị mất đi, khiến trẻ phải đối diện với nhiều nguy cơ như phát triển không đầy đủ, toàn diện, hoặc thậm chí đối mặt với nguy cơ bị xâm hại...

Bài, ảnh: PHONG THẢO KHOA

Bài 2: Khó xây dựng trường mầm non tại các khu công nghiệp, vì sao?

Nguồn QĐND: http://www.qdnd.vn/phong-su-dieu-tra/phong-su/cong-nhan-gui-con-o-dau-de-di-lam-548592