Công nhận khu lăng mộ và nhà thờ danh tướng Hoàng Kế Viêm là Di tích lịch sử Quốc gia

Ngày 1/3, tin từ Sở Văn hóa, Thể thao tỉnh Quảng Bình cho hay, Bộ VHTTDL đã có quyết định công nhận Di tích lịch sử Mộ và nhà thờ Hoàng Kế Viêm ở xã Lương Ninh (Quảng Ninh - Quảng Bình) là Di tích lịch sử cấp Quốc gia theo quyết định số 396/QĐ-BVHTTDL.

Trước đó, khu mộ và nhà thờ Hoàng Kế Viêm cũng đã được UBND tỉnh Quảng Bình xếp hạng Di tích lịch sử cấp tỉnh vào tháng 8/2011.

Danh tướng Hoàng Kế Viêm (1820 - 1909) còn gọi là Hoàng Tá Viêm, tự Nhật Trường, hiệu Tùng An, quê làng Văn La, tổng Văn Đại, phủ Quảng Ninh (nay thuộc xã Lương Ninh, huyện Quảng Ninh, tỉnh Quảng Bình). Thân sinh Hoàng Kế Viêm là cụ Hoàng Kim Xán (1776-1832) Bố chính tỉnh Khánh Hòa, ông là bậc danh thần, xưa làm đến chức Thượng thư Bộ Hình qua 2 đời vua nhà Nguyễn và nổi tiếng là hiếu trung, thanh liêm, đức độ.

Nhà thờ Hoàng Kế Viêm (Ảnh: Báo Quảng Bình)

Nhà thờ Hoàng Kế Viêm (Ảnh: Báo Quảng Bình)

Hoàng Kế Viêm thi đỗ cử nhân năm 1843 thời vua Thiệu Trị và được tấn phong Hiệp biện Đại học sĩ và trở thành một danh tướng yêu nước, thương dân thời nhà Nguyễn. Ông giữ đến chức Thống đốc quân vụ Tiết chế Bắc Kỳ, nổi tiếng với nhiều trận đánh chống Pháp ở Hà Nội dưới thời nhà Nguyễn.

Danh tướng Hoàng Kế Viêm kết duyên với con gái thứ năm của vua Minh Mạng là công chúa Hương La, nhưng chẳng được bao lâu thì công chúa qua đời.

Theo sử tích ghi lại, khi Pháp đánh chiếm miền Bắc, ông được triều đình Huế phong hàm Tiết chế Bắc Kỳ quân vụ (chức vụ quân sự cao cấp nhất tại Bắc Kỳ) để đôn đốc các nơi lo việc chống giặc. Dưới sự chỉ huy của ông, quân đội triều đình đã mai phục giết chết 2 sĩ quan cao cấp của quân đội Pháp.

Khu mộ của danh tướng Hoàng Kế Viêm

Tuy nhiên, Hoàng Kế Viêm đã mang tiếng oan là khi quân Pháp vây hãm Hà Nội, mặc dù ông nắm trong tay hơn 1 vạn quân đóng ở Sơn Tây nhưng không ứng cứu để Hà Nội thất thủ dẫn đến Hoàng Diệu tự vẫn. Sau đó Pháp đánh Sơn Tây, Hưng Hóa nhưng ông cũng án binh bất động… do vậy ông bị cho là bán nước cầu vinh.

Sau đó ông về quê ở ẩn và mất vào năm 1909 hưởng thọ 89 tuổi.

Mãi đến sau này, nhiều nhà sử học và có nhiều cuộc hội thảo khoa học về Hoàng Kế Viêm đã minh oan cho ông. Theo đó, tại thời điểm Pháp đánh chiếm miền Bắc, ông đã bị Triều đình Huế triệt thoái binh quyền. Để vu vạ cho ông, người Pháp đã ép những người viết sử triều Nguyễn cho rằng, ông mang tội và xử tội "Trảm giam hậu".

Cổng vào khu lăng mộ Hoàng Kế Viêm

Theo Tiến sĩ sử học Nguyễn Khắc Thái (Quảng Bình), để giải oan cho ông, các nhà sử học đã lục tìm rất nhiều tài liệu của mật thám Pháp và chứng minh Hoàng Kế Viêm là nhân vật yêu nước, luôn đứng về phe chủ chiến, nhưng vì bị triều đình triệt thoái binh quyền nên không thể điều binh, khiển tướng chống Thực dân Pháp…

Với việc công nhận Di tích lịch sử lăng mộ và nhà thờ Hoàng Kế Viêm là Di tích lịch sử cấp Quốc gia, ngoài việc khu mộ là nơi để tưởng niệm danh tướng Hoàng Kế Viêm - một nhân vật lịch sử có vai trò quan trọng trong thời kỳ chống Pháp nửa sau thế kỷ XIX, đầu thế kỷ XX. Đồng thời cũng là nơi để giáo dục cho thế hệ trẻ truyền thống yêu nước, lòng dũng cảm, kiên cường đấu tranh bảo vệ đất nước của tổ tiên, ông cha, khơi dậy lòng tự hào về truyền thống quê hương, đất nước…

Vĩnh Quý

Nguồn Tổ Quốc: https://toquoc.vn/cong-nhan-khu-lang-mo-va-nha-tho-danh-tuong-hoang-ke-viem-la-di-tich-lich-su-quoc-gia-2023030112341703.htm