Công nhận Ottoman diệt chủng Armenia: Mỹ công phá sân sau Nga?

Đã có sự đồng điệu nhất định giữa Washington và Yerevan sau khi Hạ viện Mỹ thông qua Nghị quyết lịch sử và những chuyển động sau sự kiện này....

Việc Hạ viện Mỹ, ngày 29/10, thông qua Nghị quyết công nhận "nạn diệt chủng người Armenia", xảy ra từ năm 1915 đến 1917 dưới thời Đế chế Ottoman được dư luận xem là đòn nhắm thằng vào Thổ Nhĩ Kỳ- thực thể kế thừa Đế chế Ottoman.

Điều đó càng có cơ sở khi Thổ Nhĩ Kỳ phản ứng kịch liệt nội dung Nghị quyết cáo buộc Đế chế Ottoman diệt chủng người Armenia. Bởi lẽ, Ankara cho rằng cả người Armenia và người Thổ Nhĩ Kỳ đều chết vì Chiến tranh thế giới thứ nhất.

Bộ Ngoại giao Thổ Nhĩ Kỳ ra tuyên bố phản đối, lên án mạnh mẽ cuộc bỏ phiếu tại Hạ viện Mỹ và nhận định rằng quốc gia đồng minh trong NATO này đang tìm cách biến những sự kiện lịch sử thành một vấn đề chính trị.

Chủ tịch Hạ viện Mỹ Nancy Pelosi - người ủng hộ nhiệt thành việc công nhận nạn diệt chủng người Armenia

Chủ tịch Hạ viện Mỹ Nancy Pelosi - người ủng hộ nhiệt thành việc công nhận nạn diệt chủng người Armenia

"Chúng tôi tin rằng những người bạn Mỹ của Thổ Nhĩ Kỳ ủng hộ việc tiếp tục liên minh và quan hệ thân thiện sẽ đặt câu hỏi về sai lầm nghiêm trọng này, những người có trách nhiệm sẽ bị phán xét bởi lương tâm của người dân Mỹ", tuyên bố ghi rõ.

Đặc biệt, Nghị quyết của Hạ viện Mỹ lại được thông qua đúng ngày quốc khánh Thổ Nhĩ Kỳ càng chứng tỏ Washington quyết "chơi" Ankara, trong bối cảnh quan hệ Mỹ-Thổ đang ngày một căng thẳng.

Tuy nhiên, theo giới phân tích, động thái của Hạ viện Mỹ nhìn trực diện là nhắm vào Thổ Nhĩ Kỳ, nhưng thực ra những nhà lập pháp Mỹ đã mượn biểu tượng của lịch sử để làm công cụ công phá nền cứng ở Nam Caucasus - sân sau chiến lược của Nga.

Thứ nhất, Washington muốn tạo ra hiệu ứng thân Mỹ trong cả đời sống chính trị lẫn đời sống xã hội Armenia, sau khi Hạ viện Mỹ thông qua Nghị quyết công nhận "nạn diệt chủng người Armenia".

Ngay sau kết quả bỏ phiếu được loan đi từ Washington, Thủ tướng Armenia Nikol Pashinyan đã cảm ơn những nhà lập pháp Mỹ vì nỗ lực nhiều năm qua đứng về phía những nạn nhân người Armenia.

Thủ tướng Armenia đã ca ngợi động thái của Hạ viện Mỹ và cho rằng "đây là một bước đi táo bạo để bảo vệ sự thật và sự bất công lịch sử. Nó mang lại sự an ủi cho hàng triệu hậu duệ của nạn nhân diệt chủng người Armenia", theo News.am.

Người đứng đầu chính phủ Armenia nhận định : "Bằng cách thông qua Nghị quyết công nhận nạn diệt chủng người Armenia, Hạ viện Mỹ đã tạo động lực mới cho việc nâng tầm mối quan hệ Mỹ-Armenia".

Theo lịch sử ghi nhận, có khoảng 1,5 triệu người Armenia bị giết thời Thế chiến I bởi Đế chế Ottoman. Bắt đầu là cầm tù, sau đó trục xuất người Armenia, rồi leo thang những vụ tàn sát, mà đỉnh điểm là ngày 24/4/1915. Sự việc kéo dài tới năm 1917.

Armenia cho rằng những vụ thảm sát người dân Armenia từ năm 1915 đến 1917 là một tội diệt chủng và cần phải bị quốc tế lên án. Hơn 30 quốc gia ủng hộ Armenia. Tuy nhiên, các chính quyền Mỹ dù đề cập vấn đề nhưng chưa một lần công nhận.

Vì vậy, việc Hạ viện Mỹ lần này thông qua Nghị quyết công nhận nạn diệt chủng người Armenia là sự khích lệ rất lớn, không chỉ với chính quyền Armenia, mà với cả người dân nước này sau hơn 100 năm đi tìm công bằng cho lịch sử dân tộc mình.

Washington quyết phục hận Moscow sau cuộc Cách mạng Nhung

Đáng nói là Nghị quyết của Hạ viện Mỹ được thông qua sau khi Washington thất thế trước Moscow trong cuộc cách mạng quyền lực tại Armenia, mà đắng nhất là bị phá sản "kế ve sầu thoát xác" và phải chứng kiến "người của Mỹ ngả theo Nga".

Do đó, động thái của Hạ viện Mỹ được xem là một nước cờ của Washington nhằm phục thù Moscow, quyết giành lại thành quả của cuộc Cách mạng Nhung và qua đó công phá Nam Caucasus - sân sau chiến lược của Nga.

Nhận định đó càng được củng cố khi hàng loạt những chuyển động liên quan đến quan hệ Mỹ-Armenia liên tục diễn ra sau khi Nghị quyết lịch sử được thông qua, từ kinh tế-chính trị đến đối ngoại-hợp tác.

Ngày 31/10 - chỉ 2 ngày sau khi Hạ viện Mỹ thông qua Nghị quyết, một phái đoàn của Bộ Ngoại giao Mỹ do Giám đốc Văn phòng các vấn đề sắc tộc và xung đột khu vực, Cheryl Fernandes dẫn đầu, đã đến Armenia.

Phát biều trong cuộc gặp với Thủ tướng Nikol Pashinyan, ông Cheryl Fernandez đã cho biết : "Chính phủ Mỹ tự hào tái khẳng định mối quan hệ với Armenia bằng cách tiếp tục các cuộc tham vấn chiến lược về cải cách dân chủ và kinh tế của Armenia".

Ngay sau đó, ngày 4/11, Đại sứ Mỹ tại Armenia Lynne M. Tracy cho hay ông rất tự hào công bố rằng chính phủ Mỹ đã quyết định tăng thêm khoản tài trợ cho Armenia trong năm 2019 lên 60 triệu USD - tăng 40% so với năm 2018.

Đặc biệt là các khoản tài trợ này bao gồm các dự án được quản lý bởi không chỉ Bộ Ngoại giao và Cơ quan Phát triển Quốc tế Mỹ, mà còn bởi cả Bộ Năng lượng, Bộ Nông nghiệp và Bộ Quốc phòng Mỹ.

"Mỹ đã hỗ trợ cho quá trình chuyển đổi thể chế dân chủ ở Armenia trong 27 năm qua và chúng tôi chắc chắn không có ý định thay đổi điều đó, khi mà nền dân chủ ở Armenia đang mạnh hơn bao giờ hết", Đại sứ Tracy khẳng định, theo News.am.

Về phía Armenia, thì ngày 5/11, Ủy ban Quốc gia về các vấn đề Mỹ của Armenia đã chính thức lên tiếng cám ơn về khoản tài trợ 60 triệu USD mà chính phủ Mỹ đã dành cho Armenia trong năm năm 2019 này.

Như vậy, đã có sự đồng điệu nhất định giữa Washington và Yerevan sau khi Hạ viện Mỹ thông qua Nghị quyết lịch sử và những chuyển động sau sự kiện này. Dường như một hiệu ứng thân Mỹ đã phôi thai trong đời sống chính trị-xã hội Armenia.

Hơn 1/4 thế kỷ, Mỹ thực hiện thanh tẩy yếu tố Nga khỏi Armenia

Điều đó giúp cho Washington có thể lật ngược thế cờ của Moscow. Đặc biệt, theo số liệu của Tòa đại sứ Mỹ tại Yerevan, từ năm 1992 đến nay, Mỹ đã cung cấp hơn 2 tỷ USD cho Armenia, hỗ trợ quá trình chuyển đổi dân chủ, nên Mỹ rất tự tin.

Thứ hai, Washington muốn gia cố cầu nối Mỹ-Armenia, giúp gần 1,5 triệu người Mỹ gốc Armenia chuyển lửa về quê hương, từ đó tạo nên vòng xoáy Mỹ ngay trong lòng đất nước Armenia.

Trong lời cảm ơn những nhà lập pháp Mỹ, Thủ tướng Nikol Pashinyan cũng đã cảm ơn cộng đồng người Mỹ gốc Armenia và những tổ chức người Mỹ gốc Armenia vì những nỗ lực trong quá trình tìm kiếm sự công bằng cho lịch sử dân tộc.

Ngôi sao truyền hình thực tế Mỹ Kim Kardashian, người có nguồn gốc Armenia, đã viết trên twitter có 62 triệu người theo dõi, rằng : "Đây là sự khích lệ với tôi và hàng triệu người Armenia là hậu duệ của những người sống sót sau nạn diệt chủng".

Rõ ràng, việc gia cố lại cầu nối giúp cho người Mỹ gốc Armenia chuyển lửa về quê hương đã được đặt những viên gạch đầu tiên cả từ Mỹ và từ Armenia, sau khi nó bị lung lay bởi hiệu ứng trái chiều của cuộc cách mạng quyền lực ở Armenia.

Thực ra, trong quá trình Mỹ thực hiện việc thanh tẩy "yếu tố Nga" khỏi Armenia, thì cộng đồng người Mỹ gốc Armenia đã góp công rất lớn trong việc "kéo người của Nga ngả theo Mỹ" và kích hoạt cuộc Cách mạng Nhung.

Đó là cơ sở cho việc Nghị sĩ Frank Pallone, đồng Chủ tịch Ủy ban Các vấn đề về Armenia của Quốc hội Mỹ, được giao soạn thảo Dự luật về hợp tác chiến lược của người Mỹ gốc Armenia, đề xuất Mỹ tiếp cận Armenia như đồng minh chiến lược.

Theo ông Pallone: "Armenia đã trở nên dân chủ hơn kể từ cuộc Cách mạng Nhung, luật pháp thống trị và hình thành thị trường tự do được khuyến khích đã tạo ra nền tảng hợp tác mới giữa Armenia và Mỹ".

Vị nghị sĩ Mỹ tuyên bố: "Armenia tôn trọng các giá trị dân chủ và pháp trị nên được xem là đối tác quan trọng của Mỹ, ngay khi cả quân đội Nga hiện diện ở Armenia thì cũng không khiến người Armenia từ bỏ các giá trị dân chủ", News am. tường thuật.

Như vậy, có thể thấy Hạ viện Mỹ thông qua Nghị quyết công nhận nạn diệt chủng người Armenia là bước tiếp theo trong chiến lược gia cố cầu nối giúp cho người Mỹ gốc Armenia chuyển lửa về quê hương, từ đó ra vòng xoáy Mỹ trong lòng Armenia.

Cộng đồng người Mỹ gốc Armenia hướng về quê hương

Vậy nhưng, theo Nhật báo Zhamanak của Armenia, dù động thái của Mỹ phía sau Nghị quyết lịch sử khiến Nga rất bận tâm, song nó không đủ khả năng xoay chuyển quan hệ chiến lược đặc biệt Nga-Armenia được nâng tầm sau Cách mạng Nhung.

Giới phân tích cho rằng nhận định của Nhật báo Zhamanak là hoàn toàn có cơ sở. Cơ sở nào vậy? Xin phép được giới thiệu trong kỳ tiếp theo.

Ngọc Việt

Nguồn Đất Việt: http://baodatviet.vn/the-gioi/quan-he-quoc-te/cong-nhan-ottoman-diet-chung-armenia-my-cong-pha-san-sau-nga-3390851/