Công nhân tiết kiệm chi tiêu, vượt qua đại dịch Covid-19

Dịch Covid-19 trở lại không chỉ tiếp tục ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của một số doanh nghiệp (DN) trên địa bàn tỉnh mà còn tác động lớn đến việc làm, đời sống người lao động (NLĐ). Nhiều lao động đang phải thắt chặt chi tiêu để xoay xở với cuộc sống xa quê.

Bà Nguyễn Thị Minh (phải), chủ nhà trọ tại P.An Bình (TP.Biên Hòa) thăm công nhân tại phòng trọ. Ảnh: L.Mai

Bà Nguyễn Thị Minh (phải), chủ nhà trọ tại P.An Bình (TP.Biên Hòa) thăm công nhân tại phòng trọ. Ảnh: L.Mai

Công nhân Nguyễn Thị Phượng, làm việc tại Công ty TNHH Pouchen Việt Nam (TP.Biên Hòa) cho biết, sau gần 3 tháng làm việc cách ngày do DN thiếu đơn hàng sản xuất từ ảnh hưởng của dịch bệnh, thu nhập của chị giảm hẳn. Để có thể đảm bảo cuộc sống, chị phải tự xoay xở bằng nghề bán hàng thêm và tiết kiệm chi tiêu mới đủ tiền sinh hoạt và nuôi con nhỏ.

* “Thắt lưng buộc bụng”

Chị Phượng là công nhân có nhiều năm gắn bó với Công ty TNHH Pouchen Việt Nam. Trước đây, khi dịch bệnh chưa xuất hiện, công ty sản xuất bình thường, thu nhập của chị trên 10 triệu đồng/tháng, đủ trang trải cuộc sống gia đình. Từ khi DN giảm giờ làm, nghỉ luân phiên, thu nhập không được như trước, chị phải cắt giảm chi tiêu mới đảm bảo cuộc sống.

Chị Phượng cho biết, vợ chồng chị đang thuê trọ tại P.Hóa An (TP.Biên Hòa) với giá trên 1 triệu đồng/tháng. Chồng làm nghề tự do, thu nhập không ổn định, lại đang nuôi 2 con nhỏ nên khi công việc của chị giảm, cuộc sống trở nên chật vật hơn. “Mới đây, tôi phải gửi 2 con về quê để đi bán hành, tỏi khô ở chợ kiếm thêm thu nhập. Chỉ mong DN sớm vượt qua khó khăn, ổn định sản xuất để đời sống NLĐ được cải thiện”- chị Phượng chia sẻ.

Tương tự, chị Trần Thị Mến (quê tỉnh Thái Bình), công nhân may mặc tại Công ty TNHH Epic Designers Việt Nam (TP.Biên Hòa) cũng có hoàn cảnh khó khăn không kém từ khi DN bị ảnh hưởng mạnh bởi dịch bệnh Covid-19. Hiện NLĐ trong công ty phải nghỉ việc và hưởng lương theo mức ngừng việc. Thu nhập giảm, hơn 2 tháng nay, các khoản tiền thuê trọ, sinh hoạt đều nhờ vào đồng lương bảo vệ của chồng.

“Bây giờ nếu không chi tiêu hợp lý và tiết kiệm thì khó có thể mà đủ trang trải cho tiền nhà trọ, điện, nước, tiền học cho con và các khoản phát sinh khác. Vì vậy, công nhân phải “thắt lưng buộc bụng” để không bị thiếu trước, hụt sau” - chị Mến bày tỏ.

Hiện nhiều lao động đang rơi vào hoàn cảnh như chị Mến, chị Phượng, thậm chí có những gia đình công nhân cả 2 vợ chồng đều thất nghiệp và phải chật vật với nhiều nghề để lo cho cuộc sống.

* Nỗ lực vượt khó

Đợt dịch Covid-19 thứ nhất vừa kết thúc khiến hàng loạt DN phải thu hẹp sản xuất, thiếu đơn hàng và NLĐ phải ngừng việc, nghỉ việc. Khi các DN đang nỗ lực khôi phục để ổn định sản xuất, chăm lo đời sống NLĐ thì dịch bệnh tiếp tục tái diễn, khiến cuộc sống NLĐ trở nên khó khăn hơn. Nhiều lao động đang chấp nhận làm việc cách ngày, giảm giờ làm để chia sẻ khó khăn cùng DN.

Công nhân Bùi Thị Kim Loan, làm việc tại Công ty CP Taekwang Vina Industrial (TP.Biên Hòa) cho hay, hơn 2 tháng nay, do DN ít đơn hàng nên chị được bố trí nghỉ thứ sáu, thứ bảy hằng tuần và không tăng ca. Dù thu nhập giảm nhưng chị vẫn nỗ lực làm việc, cùng DN vượt khó. “Trong thời gian qua, Công đoàn cơ sở có quan tâm, hỏi thăm, hỗ trợ gạo cho công nhân nên tôi có thêm tinh thần làm việc, nỗ lực hơn trong thời điểm dịch bệnh này” - chị Loan bày tỏ.

Theo LĐLĐ tỉnh, trước những khó khăn của NLĐ, các cấp Công đoàn đã thực hiện nhiều hoạt động hỗ trợ, đồng thời làm việc với các DN để duy trì việc làm cho NLĐ. Tới đây, ngoài đẩy mạnh các biện pháp phòng chống dịch bệnh trong DN, các cấp Công đoàn sẽ tăng cường nắm bắt tình hình việc làm, tâm tư, nguyện vọng của NLĐ để có biện pháp hỗ trợ và làm việc với các DN giải quyết chế độ, chính sách của NLĐ đúng luật quy định. Bên cạnh đó, đồng hành với NLĐ để cùng DN vượt qua khó khăn, phát triển sản xuất, đảm bảo đời sống.

Bà Nguyễn Thị Minh, chủ nhà trọ tại P.An Bình (TP.Biên Hòa) cho biết, dãy trọ của bà có 14 phòng với 30 công nhân sinh sống. Từ khi dịch bệnh bùng phát, một nửa lao động tại khu nhà trọ phải ngừng việc, nghỉ việc. Gánh nặng đè lên vai nhiều người bởi không ít cặp vợ chồng công nhân đã có một người mất việc mà không thể tìm được việc khác tại thời điểm này. Hiểu được khó khăn của NLĐ, bà thường xuyên đến phòng trọ thăm hỏi, tặng quà, đồng thời giảm giá thuê trọ còn 500 ngàn đồng/phòng/tháng nhằm chia sẻ khó khăn với NLĐ.

Còn ông Lý Văn Lực, chủ nhà trọ tại ấp 5, xã Thạnh Phú (H.Vĩnh Cửu) cho biết, để chia sẻ khó khăn với NLĐ, trong đợt dịch đầu, ông đã miễn 100% tiền thuê trọ cho công nhân. Dịch bệnh bùng phát trở lại, ông tiếp tục giảm giá hoặc cho NLĐ nợ tiền thuê trọ. Ông Lực cho hay: “Dãy trọ của tôi có trên 30 công nhân ở, họ đều là người miền Tây Nam bộ và sống cả gia đình dựa vào đồng lương làm công nhân nên cuộc sống không mấy dư dả. Dù công việc không đảm bảo, mọi khoản chi tiêu đều dè dặt nhưng họ sống rất tình cảm, đoàn kết, giúp đỡ nhau cùng vượt khó. Vì vậy, tôi sẵn sàng chia sẻ, động viên để giúp công nhân vơi bớt một phần khó khăn” - ông Lực nói.

* Đồng hành với NLĐ

Thời gian qua, các cấp Công đoàn cũng đã phối hợp với các DN, các đơn vị tích cực hỗ trợ NLĐ như: tặng quà, tiền, nhu yếu phẩm... giúp NLĐ vượt qua hoàn cảnh khó khăn trước mắt, ổn định cuộc sống xa quê. Nhờ đó, nhiều lao động có thêm tinh thần, động lực để làm việc tốt hơn.

Phó chủ tịch Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) H.Long Thành Đào Thị Kim Loan cho hay, trước tình hình dịch bệnh trở lại, ngoài ban hành các văn bản đến các Công đoàn cơ sở tăng cường tuyên truyền, phòng chống dịch bệnh, đảm bảo sức khỏe công nhân, LĐLĐ huyện thường xuyên nắm bắt tình hình, có hướng hỗ trợ NLĐ. Trước đó, trong đợt dịch đầu, LĐLĐ huyện đã tổ chức đoàn đến các DN động viên và hỗ trợ NLĐ khó khăn bị ảnh hưởng đến việc làm kịp thời.

Bên cạnh đó, nhiều Công đoàn cơ sở đã tích cực thương lượng với chủ các DN bảo vệ quyền lợi NLĐ. Anh Lý Xê Ba, Chủ tịch Công đoàn cơ sở Công ty TNHH Cự Thành (H.Long Thành) cho hay, dù công nhân không tăng ca như trước đây nhưng DN vẫn ổn định hoạt động để đảm bảo việc làm cho NLĐ. Từ khi dịch bệnh bùng phát đến nay, NLĐ vẫn có việc làm thường xuyên, không một lao động nào phải nghỉ việc. Tuy thu nhập có giảm nhưng vẫn có công việc, đó là điều đáng mừng đối với nhiều lao động và các cán bộ Công đoàn.

Còn theo Chủ tịch LĐLĐ H.Nhơn Trạch Lê Văn Vang, cuộc sống nhiều lao động khó khăn khi một số DN trên địa bàn huyện phải ngừng hoạt động do ảnh hưởng từ dịch bệnh và không thể khôi phục. Tuy nhiên, các cấp Công đoàn huyện đã làm việc với các DN nhằm đảm bảo các chế độ đầy đủ cho NLĐ. “Ảnh hưởng của dịch bệnh đã tác động trực tiếp đến việc làm, thu nhập, nên cuộc sống nhiều lao động trở nên khó khăn hơn. Các cấp Công đoàn thời gian qua đã đồng hành, hỗ trợ NLĐ kịp thời, nhưng về lâu dài, NLĐ vẫn mong muốn DN sớm khôi phục để họ có việc làm, ổn định cuộc sống như trước đây”- ông Vang chia sẻ.

Lan Mai

Nguồn Đồng Nai: http://www.baodongnai.com.vn/congdoan/202008/cong-nhan-tiet-kiem-chi-tieu-vuot-qua-dai-dich-covid-19-3017918/