Công nhận tội ác diệt chủng của Đế chế Ottoman khiến Mỹ mất căn cứ Incirlik?

Vào ngày 24/4/2021, Tổng thống Mỹ Joe Biden đã thừa nhận rằng tội ác diệt chủng người Armenia do Đế chế Ottoman thực hiện vào đầu thế kỷ 20, điều này lập tức gây ra phản ứng dữ dội từ Thổ Nhĩ Kỳ.

Người đứng đầu nước Mỹ đã thông báo về quyết định trên nhằm mục đích tưởng nhớ các nạn nhân, thông báo đưa ra vào đúng dịp kỷ niệm 106 năm ngày bắt đầu diễn ra sự kiện thương tâm nói trên.

Người đứng đầu nước Mỹ đã thông báo về quyết định trên nhằm mục đích tưởng nhớ các nạn nhân, thông báo đưa ra vào đúng dịp kỷ niệm 106 năm ngày bắt đầu diễn ra sự kiện thương tâm nói trên.

Hành động trên của Tổng thống Mỹ ngay lập tức dẫn đến một làn sóng phản ứng rất mạnh từ giới chính trị tại Thổ Nhĩ Kỳ, thậm chí đe dọa ảnh hưởng nặng nề tới quan hệ giữa hai đồng minh thuộc NATO.

Đáng chú ý nhất là người đứng đầu Vatan Partisi (Đảng Mẫu quốc) - ông Dogu Perincek đã nói với hãng thông tấn TASS rằng, khi Washington thực hiện bước đi như vậy, Ankara phải giành lại quyền kiểm soát căn cứ không quân Incirlik ở miền Nam đất nước.

"Lực lượng Vũ trang Thổ Nhĩ Kỳ phải ngay lập tức thiết lập toàn quyền kiểm soát căn cứ không quân Incirlik và đưa binh sĩ Mỹ đóng tại đó trở về nhà trong vòng 15 ngày", ông Perincek nhấn mạnh.

Vị chính trị gia bày tỏ tin tưởng sau khi Nhà Trắng phân định ranh giới, Ankara chắc chắn sẽ xích lại gần Nga hơn. Ông Perincek gọi hành động của Tổng thống Biden là "sự công kích đối với Thổ Nhĩ Kỳ, châu Á, Nga và Trung Quốc" .

Theo ông Perincek, tuyên bố của Tổng thống Mỹ không liên quan gì đến việc bảo vệ nhân quyền và thảo luận về sự thật lịch sử. Ông Perincek tin rằng Mỹ bắt đầu với Ankara, sau đó sẽ có hành động chống lại Moskva và Bắc Kinh.

Cần lưu ý thêm đó là tất cả những người tiền nhiệm của ông Biden với tư cách Tổng thống Mỹ đều không công nhận tội ác diệt chủng người Armenia và thậm chí còn tránh sử dụng cách diễn đạt như vậy.

Về mọi mặt, Ankara là đồng minh cực kỳ quan trọng của Washington nên người Mỹ không muốn mạo hiểm. Tuy nhiên sau khi Thổ Nhĩ Kỳ mua hệ thống phòng không S-400 từ Nga, rạn nứt lớn đã xuất hiện trong quan hệ Mỹ - Thổ.

Vào năm 2019, cả hai viện của Quốc hội Mỹ đã thông qua một nghị quyết công nhận tội ác diệt chủng đối với người Armenia do Đế chế Ottoman thực hiện và mới đây Tổng thống Biden đã chính thức xác nhận điều này.

Bên cạnh đó cần lưu ý thêm, chính thức thì Ankara vẫn công nhận thực tế về cái chết của hàng loạt người Armenia, nhưng họ kiên quyết chống lại việc sử dụng thuật ngữ "diệt chủng".

Thổ Nhĩ Kỳ cho rằng cái chết của người Armenia là do cuộc nội chiến ở Đế quốc Ottoman, chứ không phải do các biện pháp đặc biệt của chính quyền. Theo nhiều nguồn khác nhau, trong giai đoạn 1915 - 1922, từ 600 nghìn đến 1,5 triệu người Armenia đã thiệt mạng.

Đồng thời, đây không phải là lần đầu tiên có cuộc thảo luận ở Thổ Nhĩ Kỳ về căn cứ không quân Incirlik. Lần trước đó, vào năm 2016, Ankara đã đe dọa trục xuất người Mỹ và yêu cầu dỡ bỏ vũ khí hạt nhân ngay lập tức khỏi cơ sở quân sự nói trên.

Điều này xảy ra sau cuộc binh biến của một số sĩ quan quân đội nhằm cố gắng tước bỏ quyền lực của Tổng thống Erdogan. Tuy nhiên sau đó Ankara cho biết không nhận ra các mối đe dọa, điều gì xảy ra với vũ khí hạt nhân cũng là một ẩn số hoàn toàn.

Lần này, Ankara cho biết họ thực sự mệt mỏi với những biện pháp trừng phạt và tuyên bố không ngừng của Washington về việc sẽ thực hiện thêm các bước đi mới nếu Thổ Nhĩ Kỳ không tránh xung đột với các thành viên khác của NATO.

Chính vì vậy, việc Tổng thống Mỹ Biden thừa nhận tội ác diệt chủng đối với người Armenia có thể trở thành cọng rơm cuối cùng làm bùng lên ngọn lửa mâu thuẫn với Thổ Nhĩ Kỳ vốn đã âm ỉ lâu nay.

Bạch Dương

Nguồn ANTĐ: https://anninhthudo.vn/anh-cong-nhan-toi-ac-diet-chung-cua-de-che-ottoman-khien-my-mat-can-cu-incirlik-post464588.antd