Công tác giảm nghèo cần cả trí tuệ và trái tim

Ngày 11-12, tại trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chủ trì hội nghị trực tuyến toàn quốc tổng kết công tác giảm nghèo giai đoạn 2016 - 2020. Tham dự tại đầu cầu TPHCM có các đồng chí: Nguyễn Hồ Hải, Phó Bí thư Thành ủy TPHCM; Ngô Minh Châu, Phó Chủ tịch UBND TPHCM.

Phát biểu khai mạc hội nghị, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nhấn mạnh, Đảng và Nhà nước luôn xác định giảm nghèo bền vững và bảo đảm an sinh xã hội là mục tiêu, nhiệm vụ quan trọng trong quá trình phát triển. Qua 10 năm thực hiện, công tác giảm nghèo đạt được nhiều kết quả tích cực. Tỷ lệ hộ nghèo giảm liên tục qua các năm trên phạm vi cả nước, các vùng miền. Tỷ lệ hộ nghèo của Việt Nam năm 2020 dự kiến còn 2,75%. Nguồn kinh phí đã được bố trí, huy động để thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2016 - 2020 là 93.000 tỷ đồng. Việt Nam là một trong số 30 quốc gia áp dụng chuẩn nghèo tiếp cận đa chiều; bên cạnh chỉ số về thu nhập, chuẩn nghèo còn có 10 chỉ số để xác định mức độ thiếu hụt tiếp cận đối với 5 dịch vụ xã hội cơ bản bao gồm: y tế, giáo dục, nhà ở, nước sạch và vệ sinh, thông tin.

Bộ trưởng Bộ LĐTB-XH Đào Ngọc Dung cho biết, với chính sách hỗ trợ trực tiếp hộ nghèo, hộ cận nghèo, mỗi năm, trung ương dành khoảng 25.000 tỷ đồng chi cho hỗ trợ bảo hiểm y tế, miễn giảm học phí, trợ giúp pháp lý, tiền điện… Đến nay, 100% xã đã có đường ô tô đến trung tâm, 99% trung tâm xã có điện; 100% đồng bào dân tộc thiểu số và người nghèo có bảo hiểm miễn phí. Tuy nhiên, kết quả giảm nghèo chưa thực sự bền vững, tỷ lệ tái nghèo, phát sinh nghèo mới còn cao, còn khoảng cách giàu nghèo giữa các vùng, nhóm dân cư; công tác rà soát, tích hợp chính sách giảm nghèo còn chậm...

Thủ tướng nêu rõ, giảm nghèo không chỉ bằng trí tuệ mà cả trái tim. Ảnh: VGP

Thủ tướng nêu rõ, giảm nghèo không chỉ bằng trí tuệ mà cả trái tim. Ảnh: VGP

Kết luận hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh, trong tất cả trách nhiệm của chúng ta đối với nhân dân, giảm nghèo là một nhiệm vụ có ý nghĩa xã hội bậc nhất và mang đậm tình người nhất. Đây là một định hướng xã hội chủ nghĩa quan trọng của Việt Nam dưới sự lãnh đạo của Đảng ta. Sau hơn 30 năm, Việt Nam là một trong những hình mẫu trên thế giới về thành tựu xóa đói giảm nghèo, là câu chuyện thành công, truyền cảm hứng cho bạn bè năm châu. Đảng và Nhà nước ta luôn nhất quán quan điểm, phát triển kinh tế gắn với xã hội, môi trường, trong đó luôn chú trọng giảm nghèo và bảo đảm an sinh xã hội. Mặc dù ngân sách còn nhiều khó khăn nhưng Quốc hội, Chính phủ đã tăng nguồn lực đầu tư cho giảm nghèo gấp 2 lần so với giai đoạn trước. 21% ngân sách nhà nước đã dành cho phúc lợi xã hội, là mức cao nhất trong số các nước ASEAN.

Lấy dẫn chứng ở hàng loạt địa phương, Thủ tướng cho rằng, cơ sở kết cấu hạ tầng, môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi, sự hiện diện của đông đảo doanh nghiệp trong và ngoài nước đã tạo ra việc làm cho người dân ở các địa phương; và đây là giải pháp tốt nhất để xóa đói giảm nghèo bền vững. Bên cạnh sự hỗ trợ của Nhà nước, Thủ tướng đánh giá cao những địa phương vươn lên thoát nghèo, những hộ tự lực, tự cường, lo làm ăn. Tuy nhiên, Thủ tướng cũng cho rằng, Việt Nam tuy là điểm sáng trên thế giới nhưng là một quốc gia mà hậu quả của chiến tranh đối với con người vẫn còn rất nặng nề, là một trong những quốc gia chịu tổn thương lớn nhất trên thế giới từ biến đổi khí hậu và thường xuyên chịu thiên tai, công cuộc xóa đói giảm nghèo, chống tái nghèo luôn là thách thức lớn.

Nhấn mạnh công tác giảm nghèo trong thời gian tới cần cả “trí tuệ và trái tim”, Thủ tướng đề nghị nghiên cứu trình Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư ban hành các nghị quyết, chỉ thị về chính sách giảm nghèo, an sinh xã hội bền vững đến năm 2030, trình Quốc hội ban hành nghị quyết về tiếp tục đẩy mạnh thực hiện mục tiêu giảm nghèo bao trùm và phê duyệt chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo, an sinh xã hội bền vững giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030 và tầm nhìn 2045 vì một Việt Nam không có đói nghèo. Trong đó, giải quyết đói nghèo phải đi từ sản xuất kinh doanh, có việc làm.

“Người dân còn bị đói, rét hay không có tiền chữa bệnh, đi học là chúng ta có lỗi và chúng ta phải cố gắng khắc phục điều này”, Thủ tướng nói và đề nghị cả nước triển khai phong trào mới: “Mỗi xã, mỗi huyện xây dựng một mô hình giảm nghèo tiêu biểu phù hợp với địa phương mình”, với cách làm sáng tạo hơn nữa, giảm nghèo bền vững bắt đầu từ trẻ em, cần đặc biệt quan tâm đến nguồn vốn con người. Các địa phương có điều kiện, phát triển khá hơn nhận hỗ trợ các huyện nghèo, xã có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn…

TPHCM sẽ hỗ trợ giảm nghèo có điều kiện

Phát biểu tại đầu cầu TPHCM, Phó Chủ tịch UBND TPHCM Ngô Minh Châu thông tin, TPHCM thực hiện chương trình giảm nghèo bền vững giai đoạn 2016-2020 với chuẩn nghèo gồm 2 tiêu chí: Tiêu chí thu nhập hộ nghèo (từ 21 triệu đồng/người/năm trở xuống), hộ cận nghèo (từ trên 21 đến 28 triệu đồng/người/năm) và tiêu chí đa chiều (gồm 5 chiều dịch vụ xã hội cơ bản với 11 chỉ số thiếu hụt).

Qua 3 năm thực hiện các chính sách, giải pháp hỗ trợ giảm nghèo, cuối năm 2018, TPHCM hoàn thành cơ bản không còn hộ nghèo theo tiêu chuẩn TPHCM giai đoạn 2016-2020. Tỷ lệ hộ nghèo từ 3,36% giảm còn 0,19%. Từ năm 2019-2020, TPHCM tiếp tục điều chỉnh chuẩn nghèo, ở tiêu chí thu nhập. Cụ thể, hộ nghèo có thu nhập từ 28 triệu đồng/người/năm trở xuống; hộ cận nghèo với nhu nhập từ trên 28 đến 36 triệu đồng/người/năm. Đến nay, TPHCM hoàn thành cơ bản mục tiêu không còn hộ nghèo theo chuẩn nghèo TPHCM giai đoạn 2019-2020.

Hiện tỷ lệ hộ nghèo chỉ còn 0,13% và 0,6% hộ cận nghèo. Như vậy, toàn TPHCM có 5 quận và 85 phường hoàn thành mục tiêu không còn hộ nghèo; 1 quận và 23 phường hoàn thành mục tiêu không còn hộ cận nghèo giai đoạn 2109-2020.

Trong 5 năm qua, cùng với triển khai chương trình giảm nghèo theo quy định chung, TPHCM còn chủ động ban hành 7 chính sách đặc thù về giảm nghèo. Các chính sách thiết thực như: hỗ trợ giảm học phí cho học sinh phổ thông học 2 buổi; hỗ trợ chi phí khám chữa bệnh cho hộ nghèo, hộ cận nghèo; hỗ trợ cho vay để xây dựng, sửa chữa nhà… Nhiều mô hình giảm nghèo tiêu biểu: hỗ trợ sinh kế, chăm sóc sức khỏe miễn phí tại nhà, doanh nghiệp đồng hành cùng người nghèo, các đoàn thể chung tay với người nghèo.

Đồng chí Ngô Minh Châu khẳng định, TPHCM tiếp tục thực hiện chương trình giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025 với một số cách làm riêng. Cụ thể, TPHCM không áp dụng tiêu chí thu nhập trong xác định hộ nghèo mà thu nhập chỉ là 1 chỉ số về thiếu hụt trong chuẩn nghèo đa chiều (gồm 5 chiều nghèo với 10 chỉ số). Trong đó, ngưỡng thiếu hụt thu nhập là 36 triệu đồng/người/năm. Trong hỗ trợ giảm nghèo, TPHCM sẽ hỗ trợ có điều kiện. Các chính sách hỗ trợ được thực hiện 3 lần hoặc liên tục trong 3 năm mà người nghèo, cận nghèo không tham gia thì xem như không có nhu cầu trợ giúp và không thiếu hụt.

MẠNH HÒA

LÂM NGUYÊN

Nguồn SGGP: http://sggp.org.vn/cong-tac-giam-ngheo-can-ca-tri-tue-va-trai-tim-702682.html