Công tác lập quy hoạch di tích Chúa Nguyễn không được làm ảnh hưởng đến đời sống của người dân

Đó là chỉ đạo của Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hoàng Nam khi đến khảo sát thực địa khu vực triển khai lập quy hoạch bảo quản, tu bổ, phục hồi và phát huy giá trị di tích quốc gia 'Các địa điểm liên quan đến dinh Chúa Nguyễn (1558- 1626)' tại các xã Triệu Ái, Triệu Giang và thị trấn Ái Tử, huyện Triệu Phong vào chiều nay 22/11.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hoàng Nam cùng lãnh đạo các sở, ngành, địa phương, đơn vị khảo sát thực địa tại di tích- Ảnh: NV

Vào tháng 10 năm Mậu Ngọ (1558), khi Đoan quận công Nguyễn Hoàng vào trấn nhậm xứ Thuận Hóa, đặt thủ phủ/dinh thự/dinh trấn/lỵ sở đầu tiên tại gò Phù Sa, dinh Ái Tử, về sau dịch chuyển sang dinh Trà Bát và dinh Cát thuộc huyện Triệu Phong, trong vòng 68 năm (1558 - 1626). Dấu ấn của Nguyễn Hoàng trong thời gian trấn nhậm xứ Thuận Quảng không chỉ ở việc an dân, lập ấp, xây dựng KT-XH Đàng Trong mà còn đặt nền móng đầu tiên cho công cuộc mở mang bờ cõi về phương Nam, cả lãnh thổ và lãnh hải (gồm cả 2 quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa) để về sau hình thành nên một nước Việt Nam hoàn chỉnh như ngày nay.

Trên cơ sở kết quả hội thảo năm 2013, UBND tỉnh đã chỉ đạo Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch chủ trì, phối hợp với các cơ quan, đơn vị và huyện Triệu Phong xây dựng hồ sơ khoa học, hồ sơ pháp lý trình Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch xếp hạng di tích lịch sử quốc gia “Các địa điểm liên quan đến dinh Chúa Nguyễn” tại huyện Triệu Phong năm 2018. Quy mô quy hoạch di tích 33,35 ha, trong đó khu vực bảo vệ di tích 9,92 ha, khu vực hỗ trợ phát huy giá trị di tích 23,43 ha.

Sau khi nghe báo cáo của lãnh đạo UBND huyện Triệu Phong và các sở, ngành, đơn vị liên quan, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hoàng Nam nhấn mạnh, công tác lập quy hoạch bảo quản, tu bổ, phục hồi và phát huy giá trị di tích quốc gia “Các địa điểm liên quan đến dinh Chúa Nguyễn” không được làm ảnh hưởng đến đời sống của người dân, đồng thời hạn chế việc giải phóng mặt bằng nhưng phải đảm bảo được giá trị lịch sử của di tích.

Để đạt được yêu cầu đó, UBND huyện Triệu Phong và các đơn vị liên quan tiến hành rà soát lại diện tích trong vùng di tích phù hợp với hiện trạng, không nên mở rộng quá nhiều, xây dựng di tích theo điểm, nếu vướng dân cư thì đưa vào trong vùng bảo vệ di tích, người dân vẫn sinh sống bình thường. Trước mắt, tỉnh sẽ chỉ đạo tập trung đầu tư xây dựng tại điểm di tích dự kiến xây dựng đền thờ, tượng đài Chúa Tiên Nguyễn Hoàng, nhà trưng bày hiện vật, quảng trường, các điểm khác mang tính chất kết nối để hoàn chỉnh di tích.

Quá trình lập quy hoạch, cần tính toán đến yếu tố sử dụng đường thủy để khai thác sản phẩm du lịch và đảm bảo các yêu cầu mà Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, UBND tỉnh đề ra. Công tác lập quy hoạch bước nào phải chắc bước nấy để sau khi phê duyệt quy hoạch xong phải định hình được làm cái gì, khi nào làm, ai làm, làm như thế nào thì mới có di tích như kế hoạch đề ra.

Sau khi đồ án quy hoạch được cấp có thẩm quyền phê duyệt, UBND huyện Triệu Phong chủ trì, phối hợp với các sở, ngành liên quan kịp thời công bố quy hoạch di tích Nguyễn Hoàng và đẩy mạnh truyền thông về những giá trị lịch sử, công lao của Chúa Tiên Nguyễn Hoàng trong tiến trình lịch sử của dân tộc, đặc biệt là công lao mở cõi, qua đó tạo sự đồng thuận trong công tác bảo tồn, tôn tạo, phục hồi và phát huy giá trị di sản.

Nguyễn Vinh

Nguồn Quảng Trị: http://www.baoquangtri.vn/thoi-su-trong-tinh/cong-tac-lap-quy-hoach-di-tich-chua-nguyen-khong-duoc-lam-anh-huong-den-doi-song-cua-nguoi-dan/181560.htm