Công tác nhân quyền có vai trò đặc biệt quan trọng, là nhiệm vụ thường xuyên, lâu dài

Công tác nhân quyền có vai trò đặc biệt quan trọng; là nhiệm vụ thường xuyên, lâu dài để giữ vững ổn định bên trong, phát triển kinh tế-xã hội, bảo đảm quyền con người; tạo cơ sở vững chắc cho công tác đấu tranh phản bác.

Văn phòng Thường trực Ban Chỉ đạo Nhân quyền Chính phủ sáng nay (16/8) phối hợp với Ban Chỉ đạo về Nhân quyền tỉnh Kiên Giang tổ chức Hội nghị tập huấn công tác nhân quyền toàn quốc năm 2023, năm đầu tiên Việt Nam trở thành thành viên Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc (LHQ) nhiệm kỳ 2023 - 2025.

Hội nghị diễn ra trong bối cảnh Việt Nam đang triển khai có hiệu quả các nghĩa vụ quốc tế về quyền con người, như bảo vệ Báo cáo quốc gia thực thi Công ước về xóa bỏ mọi hình thức phân biệt chủng tộc (CERD) lần thứ 5; Hoàn thành và nộp báo cáo quốc gia thực thi Công ước về các quyền dân sự, chính trị (ICCPR).

Trung tướng Đặng Xuân Hồng, Chánh Văn phòng Thường trực Nhân quyền Chính phủ phát biểu khai mạc Hội nghị

Việt Nam cũng đã xây dựng Báo cáo quốc gia lần thứ 2 về thực hiện Công ước Chống tra tấn (CAT); Xây dựng Dự thảo Báo cáo quốc gia theo Cơ chế rà soát định kỳ phổ quát (UPR) chu kỳ IV của Hội đồng Nhân quyền LHQ

Theo Trung tướng Đặng Xuân Hồng, Chánh Văn phòng Thường trực Nhân quyền Chính phủ, tình hình thế giới hiện nay có nhiều diễn biến phức tạp, khó lường, tác động, ảnh hưởng trực tiếp tới an ninh quốc gia của Việt Nam.

Các thách thức an ninh truyền thống và phi truyền thông tuy đã được dự báo nhưng vẫn mang tính đột xuất, bất ngờ, để lại hậu quả nghiêm trọng, tác động ảnh hưởng đến an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội và sự ổn định thể chế, nhất là khi các hoạt động chống phá trên lĩnh vực dân chủ, nhân quyền luôn là “mũi nhọn” của các thế lực thù địch.

Vì lẽ này, ông Hồng nhìn nhận, công tác nhân quyền có vai trò đặc biệt quan trọng; là nhiệm vụ thường xuyên, lâu dài để giữ vững ổn định bên trong, phát triển kinh tế-xã hội, bảo đảm quyền con người; tạo cơ sở vững chắc cho công tác đấu tranh phản bác.

Cho biết thời gian qua, tình hình kinh tế - xã hội của Kiên Giang có nhiều bước chuyển biến tích cực, quốc phòng, an ninh được đảm bảo; công tác đấu tranh với các hoạt động lợi dụng dân chủ, nhân quyền để chống phá đạt hiệu quả tích cực, song ông Nguyễn Lưu Trung, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng Ban Chỉ đạo Nhân quyền tỉnh Kiên Giang nêu ra vẫn còn những bất cập, hạn chế trong một số lĩnh vực.

PGS.TS Lê Hải Bình, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương báo cáo chuyên đề tại Hội nghị

Do vậy, theo ông Trung, Hội nghị tập huấn công tác nhân quyền năm 2023 có vai trò, ý nghĩa quan trọng cả về lý luận và thực tiễn trong công tác bảo vệ, đấu tranh trên lĩnh vực nhân quyền.

Tại hội nghị, các đại biểu đã nghe báo cáo viên trình bày một số chuyên đề: Đẩy mạnh thông tin đối ngoại về quyền con người; Quyền của người lao động trong các công ước/điều ước quốc tế về quyền con người mà Việt Nam đã tham gia hoặc ký kết; Đảm bảo quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo và hoạt động lợi dụng quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo chống phá Việt Nam; Đấu tranh, thu thập thông tin, lợi dụng vấn đề dân chủ, nhân quyền can thiệp nội bộ Việt Nam; Công tác nhân quyền trong tình hình mới…

Mục đích của Hội nghị là nhằm đánh giá tình hình thế giới, khu vực và trong nước có liên quan đến công tác nhân quyền của Việt Nam; nhận định những thách thức có thể tác động đến công tác bảo vệ, đấu tranh trên lĩnh vực nhân quyền tại Việt Nam cũng như đưa ra giải pháp cho thời gian tới.

Hội nghị tập huấn công tác nhân quyền toàn quốc được tổ chức định kỳ hằng năm, nhằm cập nhật những thông tin mới nhất về dân chủ nhân quyền; thống nhất về nhận thức cho đội ngũ cán bộ trực tiếp làm công tác nhân quyền.

Đây cũng là diễn đàn chia sẻ, trao đổi kinh nghiệm thực tiễn, giải đáp những khó khăn, vướng mắc, góp phần thiết thực đưa công tác bảo đảm, bảo vệ và đấu tranh nhân quyền từ Trung ương đến các địa phương ngày càng hiệu quả và thực chất hơn.

Hải Triều

Nguồn CA TP.HCM: http://congan.com.vn/tin-chinh/tap-huan-cong-tac-nhan-quyen-toan-quoc-nam-2023_151297.html