Công tác Quốc phòng - An ninh: Phải phát huy sức mạnh toàn dân

Khi đất nước hội nhập quốc tế ngày càng sâu, rộng và các thế lực thù địch tranh thủ mọi sơ hở của ta để chống phá thì yêu cầu nhiệm vụ quốc phòng - an ninh cần phải thực hiện tốt hơn. Do vậy, Bình Thuận luôn chú trọng phát huy sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị và của mọi tầng lớp nhân dân trong quá trình xây dựng thế trận quốc phòng toàn dân, thế trận an ninh nhân dân và biên phòng toàn dân trong mọi thời điểm.

Công tác Quốc phòng - An ninh

Bộ đội biên phòng tuần tra khu vực biên giới biển (ảnh tư liệu).

Tại Bình Thuận, trong mọi thời điểm Tỉnh ủy, UBND tỉnh luôn quan tâm lãnh, chỉ đạo thực hiện có hiệu quả công tác quốc phòng – an ninh trong tình hình mới, qua đó phát huy được sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị và các tầng lớp nhân dân trong việc thực hiện nhiệm vụ này. Hàng năm, tỉnh luôn gắn nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội với xây dựng thế trận quốc phòng toàn dân, thế trận an ninh nhân dân và biên phòng toàn dân ngày càng vững chắc. Tỉnh đã làm tốt công tác xây dựng lực lượng vũ trang đủ về số lượng, đảm bảo chất lượng, có cơ cấu hợp lý, có bản lĩnh chính trị vững vàng, tuyệt đối trung thành với Tổ quốc, với Đảng, với nhân dân. Duy trì nghiêm chế độ sẵn sàng chiến đấu, phối hợp tham mưu cấp ủy, chính quyền kịp thời chỉ đạo xử lý có hiệu quả các tình huống phức tạp phát sinh. Làm tốt công tác tuyển chọn và gọi công dân nhập ngũ hàng năm, đảm bảo về số lượng, chất lượng. Tăng cường công tác đào tạo, bồi dưỡng, cập nhật kiến thức quốc phòng – an ninh, làm tốt công tác xây dựng lực lượng dự bị động viên; huấn luyện lực lượng dân quân, tự vệ. Cùng với đó, công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm, đảm bảo trật tự, an toàn xã hội luôn được tăng cường. Cấp ủy, chính quyền các cấp đã triển khai đồng bộ nhiều biện pháp đấu tranh kiềm chế các loại tội phạm, triệt phá nhiều băng, nhóm tội phạm hoạt động có tổ chức, cho vay nặng lãi, đòi nợ thuê có tính chất côn đồ, các đường dây mua bán, vận chuyển, sử dụng trái phép các chất ma túy, các tụ điểm cờ bạc, mại dâm trá hình; đẩy nhanh tiến độ điều tra, xử lý các vụ án, nhất là các vụ án được dư luận xã hội quan tâm. Chủ động triển khai lực lượng, phương án bảo vệ an toàn các mục tiêu, công trình trọng điểm. Tăng cường tuần tra, kiểm soát trên các tuyến, địa bàn trọng điểm, phức tạp; tập trung giải quyết ổn định các vụ việc người dân bị kích động tập trung đông người trái phép, gây rối trật tự công cộng, hủy hoại tài sản, chống người thi hành công vụ. Duy trì và thực hiện tốt công tác phối hợp giữa 3 lực lượng Công an, Quân sự, Biên phòng trong thực hiện nhiệm vụ bảo vệ an ninh quốc gia, bảo đảm trật tự an toàn xã hội và nhiệm vụ quốc phòng. Tiếp tục đẩy mạnh phong trào “Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc, phòng chống tội phạm và tệ nạn xã hội”, chú ý vùng đồng bào tôn giáo, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi và tuyến ven biển, hải đảo…

Huấn luyện dân quân tự vệ (ảnh tư liệu).

Trong thời gian tới, yêu cầu đặt ra cho các cấp, các ngành, các địa phương phải quán triệt mục tiêu xuyên suốt là thực hiện tốt nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội gắn kết với xây dựng thế trận quốc phòng toàn dân, thế trận an ninh nhân dân và biên phòng toàn dân. Theo đó phải đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền, giáo dục nâng cao ý thức trách nhiệm của toàn Đảng, toàn dân, của các cấp, các ngành, của mỗi cán bộ, đảng viên và từng người dân đối với nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc. Nhất thiết phải làm cho tư duy về bảo vệ Tổ quốc được thể hiện đậm nét, trước hết là trong các chủ trương, chính sách phát triển của các ngành và các địa phương. Thực hiện tốt công tác bồi dưỡng kiến thức quốc phòng - an ninh cho các đối tượng và công tác tuyển chọn, gọi công dân nhập ngũ; chăm lo xây dựng lực lượng vũ trang tỉnh vững mạnh toàn diện; nâng cao chất lượng huấn luyện, rèn luyện kỷ luật, xây dựng chính quy; bảo đảm công tác hậu cần kỹ thuật và chính sách hậu phương quân đội. Đối với công tác đảm bảo an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, phải tập trung nắm tình hình, quản lý chặt hoạt động của các cá nhân, tổ chức nước ngoài, nhất là số đối tượng nghi vấn đến hoạt động tại địa phương. Triển khai đồng bộ nhiều biện pháp đấu tranh kiềm chế các loại tội phạm nổi lên theo từng địa bàn, thời điểm; rà soát, triệt phá các băng, nhóm tội phạm hoạt động lưu động, đòi nợ thuê, cho vay nặng lãi, “tín dụng đen”, các đường dây, tụ điểm cờ bạc, mại dâm trá hình. Nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước trong lĩnh vực quốc phòng, an ninh cũng như chất lượng công tác nắm, dự báo tình hình để kịp thời đề ra các chủ trương, giải pháp xử lý, giải quyết ổn định những vấn đề, vụ việc phức tạp nổi lên ngay từ đầu và từ cơ sở theo phương châm “4 tại chỗ”; bằng mọi biện pháp không để hình thành tổ chức chính trị đối lập, phát sinh “điểm nóng” về an ninh, trật tự trong mọi tình huống, mọi thời điểm.

Để thực hiện tốt những nhiệm vụ trên, yêu cầu đặt ra là phải huy động được sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị và của mọi tầng lớp nhân dân trong quá trình xây dựng thế trận quốc phòng toàn dân, thế trận an ninh nhân dân và biên phòng toàn dân. Phát huy tối đa tinh thần trách nhiệm các ngành, các địa phương, các tổ chức đoàn thể, phải gắn nhiệm vụ chuyên môn các đơn vị, địa phương đối với nhiệm vụ quốc phòng - an ninh, giữ vững an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội, góp phần đảm bảo an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh nhà.

Bảo Tín

Nguồn Bình Thuận: http://baobinhthuan.com.vn/chinh-tri/cong-tac-quoc-phong-an-ninh-phai-phat-huy-suc-manh-toan-dan-144064.html