Công tác thực thi pháp luật trên biển được tăng cường

Thực hiện Chiến lược Biển Việt Nam, Đảng ủy, Bộ Tư lệnh BĐBP đã làm tốt công tác tham mưu cho Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng về chủ trương, đối sách liên quan đến bảo vệ chủ quyền biển, đảo, phát triển kinh tế biển gắn với quốc phòng – an ninh; tham mưu ban hành các văn bản triển khai thực hiện Nghị quyết số 09-NQ/TW về Chiến lược biển Việt Nam đến năm 2020, nhằm đưa nước ta trở thành quốc gia mạnh về biển, làm giàu từ biển...

Cán bộ BĐBP Bình Định phát tờ rơi tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật cho ngư dân. Ảnh: Công Cường

Ngày 9-2-2007, Ban Chấp hành Trung ương khóa X ban hành Nghị quyết 09-NQ/TW về “Chiến lược biển Việt Nam đến năm 2020”. Thực hiện Chiến lược này, Đảng ủy BĐBP đã ban hành Nghị quyết số 23-NQ/ĐU ngày 8-10-2009 về “Nâng cao năng lực quản lý, bảo vệ chủ quyền vùng biển của BĐBP trong tình hình mới”, Nghị quyết số 702-NQ/ĐU ngày 29-6-2015 về “Tăng cường và đổi mới công tác vận động quần chúng của BĐBP trong tình hình mới”. Bộ Tư lệnh BĐBP ban hành Chỉ thị 2082/CT-BTL ngày 16-6-2017 về “Tăng cường đấu tranh, ngăn chặn giảm thiểu và chấm dứt tình trạng tàu cá ngư dân Việt Nam khai thác hải sản trái phép ở vùng biển nước ngoài”.

Ở cấp cơ sở, trong 10 năm qua, các đơn vị BĐBP tỉnh, thành ven biển thường xuyên tham mưu, đề xuất với cấp ủy và chính quyền địa phương tăng cường tuyên truyền, phổ biến các văn bản pháp luật về biển và chính sách pháp luật về khai thác, nuôi trồng, chế biến hải sản trong phát triển kinh tế biển gắn với xây dựng thế trận quốc phòng toàn dân, thế trận an ninh nhân dân, thế trận biên phòng toàn dân ở khu vực biên giới biển, hải đảo. BĐBP cũng phối hợp với UBND các tỉnh, thành ven biển xây dựng các khu vực phòng thủ 28 tỉnh, thành ven biển, các huyện đảo vững chắc, đặc biệt trên hướng chủ yếu, địa bàn trọng điểm để phát triển kinh tế biển gắn với bảo đảm quốc phòng - an ninh.

Tại các xã, phường, thị trấn ven biển, BĐBP đã tham mưu cho cấp ủy, chính quyền địa phương thành lập 1.365 Tổ tàu thuyền an toàn, 890 bến bãi an toàn; huy động được 938 phương tiện với 10.318 người sẵn sàng tham gia bảo vệ chủ quyền biển, đảo, tìm kiếm cứu nạn, bảo đảm an ninh, an toàn, phòng chống tội phạm trên biển, bảo vệ môi trường biển, đảo...

Bên cạnh đó, BĐBP cũng tăng cường công tác tuần tra, kiểm soát, quản lý chặt phương tiện xuất, nhập bến, nhất là các phương tiện hoạt động xa bờ; tăng cường đấu tranh, ngăn chặn các đường dây môi giới đưa tàu cá Việt Nam sang vùng biển nước ngoài đánh bắt hải sản trái phép. Phối hợp với các đơn vị, lực lượng có liên quan thực hiện các biện pháp ngăn chặn, xử lý tàu cá khai thác thủy sản trái phép trên vùng biển nước ngoài; đồng thời, triển khai thực hiện tốt các chính sách trợ giúp ngư dân yên tâm bám biển.

Quan hệ phối hợp giữa các lực lượng trên biển ngày càng chặt chẽ, hiệu quả. Các đơn vị BĐBP đã tổ chức tuần tra, kiểm soát được 15.420 lượt tổ với 62.767 lượt cán bộ, chiến sĩ tham gia; kiểm soát, đăng ký, kiểm chứng hơn 100.000 lượt phương tiện với 579.823 lượt người. BĐBP cũng phối hợp với các lực lượng phát hiện, giám sát, yêu cầu 36 lượt tàu nước ngoài vi phạm chủ quyền vùng biển nước ta ra khỏi vùng nội thủy; cảnh cáo, phóng thích 720 tàu cá với 4.642 ngư dân nước ngoài vi phạm chủ quyền ra khỏi vùng biển Việt Nam.

Kết quả 10 năm thực hiện Chiến lược biển Việt Nam trong BĐBP cho thấy: Việc thực thi pháp luật trên biển đã được tăng cường và đạt kết quả tích cực, công tác bảo vệ chủ quyền biển đảo được giữ vững, đời sống nhân dân vùng biển được nâng lên rõ rệt. Đặc biệt, sự gắn bó giữa ngư dân, diêm dân, các tầng lớp dân cư vùng biển với các lực lượng vũ trang, trong đó có BĐBP được tăng cường, tạo dựng thế trận quốc phòng toàn dân, thế trận biên phòng toàn dân vững chắc. Đó là một trong những tiền đề để xây dựng, củng cố và phát huy lực lượng tại chỗ phục vụ chiến lược quốc phòng-an ninh trên biển và hải đảo.

Bích Nguyên

Nguồn Biên Phòng: http://bienphong.com.vn/cong-tac-thuc-thi-phap-luat-tren-bien-duoc-tang-cuong/