Công tác trùng tu di tích vẫn vướng bởi kinh phí

Báo Lao động Thủ đô số 110, ra ngày 13/9 phản ánh tình trạng Đình Tiền Lệ thuộc xã Tiền Yên (huyện Hoài Đức) hiện xuống cấp nghiêm trọng. Tuy nhiên, qua tìm hiểu, không chỉ có di tích Đình Tiền Lệ mà còn nhiều di tích trên địa bàn Thủ đô cũng đang gặp khó khăn trong công tác trùng tu vì vấn đề kinh phí.

Nan giải bài toán ngân sách

Như Lao động Thủ đô thông tin, Đình Tiền Lệ có từ thời Lê Trung Hưng, khoảng thế kỷ XVII. Đình được Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch công nhận “Di tích kiến trúc nghệ thuật cấp Quốc gia năm 2011”. Tuy nhiên, chỉ khoảng gần 1 năm sau thời điểm nhận được danh hiệu trên, Đình bắt đầu có hiện tượng xuống cấp. Đến nay, để tránh Đình bị đổ sập, người dân phải cứu chữa bằng cách dựng hàng chục cột gỗ chống đỡ.

Trao đổi về vấn đề này, ông Trương Minh Tiến - Phó Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao (VHTT) Hà Nội cho biết: Hiện công tác trùng tu Đình Tiền Lệ đang bị “nghẽn” bởi vấn đề kinh phí. Tài chính cho việc bảo tồn được xác định từ ba nguồn chính là: Ngân sách Nhà nước; nguồn thu từ hoạt động sử dụng và phát huy giá trị di tích; nguồn xã hội hóa.

Theo quy định, mức hỗ trợ của Thành phố dành cho tu bổ, tôn tạo di tích là 60% tổng kinh phí thực hiện, địa phương lo 40% còn lại. Tuy nhiên, do địa phương gặp khó khăn về nguồn lực đối ứng, không xã hội hóa được phần còn lại khi tu bổ di tích khiến công tác trùng tu chưa được triển khai.

Đình Tiền Lệ , xã Tiền Yên.

Ông Tiến chia sẻ: “Ở đây là vấn đề tài chính, chúng tôi đã giao cho UBND huyện Hoài Đức nhưng họ không cân đối được. Huy động vốn xã hội hóa địa phương cũng chưa làm được. Mặt khác, thành phố đã có chỉ đạo tại Quyết định số 41/2016/QĐ-UBND về việc ban hành Quy định phân cấp quản lý nhà nước một số lĩnh vực hạ tầng, kinh tế - xã hội trên địa bàn, các địa phương phải tổng hợp lại các di tích cấp Quốc gia có giá trị trên địa bàn, có nhu cầu tu sửa để trình Thành phố xem xét, hỗ trợ từ nguồn ngân sách. Rõ ràng đây là một trong những việc mà huyện và địa phương phải chủ động”.

Để “gỡ khó” cho địa phương khi hoàn thiện hồ sơ trùng tu di tích Đình Tiền Lệ, ông Tiến cho biết: “Tu bổ các di tích trên địa bàn thành phố là phải tính dần từng bước. Nhưng trong quá trình đó, các địa phương tuyệt đối không được để các di tích bị sập, đổ. Trước mắt, địa phương phải có những biện pháp để chống đỡ di tích có dấu hiệu xuống cấp. Theo tôi, phòng quản lý di tích của địa phương phải chủ động, năng động bằng cách huy động các nguồn khác nhau. Trong đó, có cả nguồn xã hội hóa, ngân sách quận, huyện…”

Tích cực khơi thông mọi nguồn lực

Theo thống kê của Sở VHTT Hà Nội, thành phố hiện có 5.922 di tích, bao gồm các loại hình khác nhau. Trong đó, di tích có giá trị đã bị xuống cấp, cần được tu bổ, tôn tạo chiếm số lượng khá lớn. Đến tháng 12/2015, có 2.235 di tích xuống cấp các hạng mục chính, trên 200 di tích trong tình trạng xuống cấp nặng. Thời gian qua, công tác chống xuống cấp, bảo tồn, tu bổ, di tích đã được thành phố đặc biệt quan tâm. Trong giai đoạn từ năm 2012 đến tháng 5/2017, có khoảng 200 lượt di tích trên địa bàn được tu bổ.

Theo đại diện Sở VHTT Hà Nội, khó khăn trong nguồn vốn để trùng tu di tích hiện đang là thực trạng chung của nhiều địa phương trên địa bàn Hà Nội. Có một thực tế là, hiện số lượng di tích xuống cấp quá lớn nên khó cân đối được nguồn ngân sách. Điều này khiến nhiều di tích dù đang xuống cấp nghiêm trọng vẫn phải “xếp hàng” chờ tu bổ. Liên quan đến yêu cầu bắt buộc các địa phương nơi có di tích xuống cấp phải có vốn đối ứng trước khi tiến hành trùng tu, ông Tiến cũng lý giải: “Những năm gần đây, để giảm nợ công , đầu tư công nên không riêng gì các dự án tu bổ di tích mà với các dự án khác thành phố cũng yêu cầu phải có cam kết vốn của địa phương để cân đối”.

Theo ông Tiến, thời gian tới Sở VHTT sẽ tích cực đôn đốc các quận huyện, chủ đầu tư… nơi có các dự án tu bổ phải công khai nội dung dự án và tiến độ tu bổ di tích tại địa phương. Hướng dẫn các địa phương kiện toàn ban quản lý di tích cấp xã, phường. Từ đây, công tác quản lý di tích sẽ được nâng cao. Theo tìm hiểu, việc xã hội hóa công tác tu bổ cũng được thực hiện dưới nhiều hình thức như: Đóng góp bằng tiền, hiện vật, vật tư, công sức… Rõ ràng, việc “kéo” người dân cùng vào cuộc là hết sức quan trọng. Bên cạnh đó, khi nguồn vốn ngân sách còn gặp nhiều khó khăn, để công tác trùng tu sớm có hiệu quả, hơn hết, tại những địa phương nơi có di tích xuống cấp cần phát huy sự chủ động trong công tác huy động các nguồn vốn và hoàn thiện thủ tục trùng tu di tích.

Minh Phương - Đinh Luyện

Nguồn LĐTĐ: http://laodongthudo.vn/cong-tac-trung-tu-di-tich-van-vuong-boi-kinh-phi-60205.html