Công tác tư pháp năm 2018: Phản ứng kịp thời, hiệu quả với những vấn đề 'nóng'

Ngày 8-1, tại Hà Nội, Bộ Tư pháp tổ chức Hội nghị toàn quốc triển khai công tác tư pháp năm 2019 theo hình thức trực tuyến với 63 điểm cầu. Đây là dịp để toàn ngành cùng nhìn lại những kết quả đã đạt được trong năm 2018, làm rõ những mặt còn tồn tại, hạn chế từ đó thảo luận phương hướng, nhiệm vụ, giải pháp công tác năm 2019.

Quyết liệt, đổi mới trong chỉ đạo, điều hành

Nhìn lại năm 2018, có thể thấy công tác chỉ đạo, điều hành của Bộ, ngành tư pháp tiếp tục có sự đổi mới và được thực hiện quyết liệt, ngày càng đi vào chiều sâu, phù hợp với khả năng, điều kiện thực tế để triển khai công việc. Trong đó, chú trọng việc xây dựng, hoàn thiện thể chế, bảo đảm quyền, lợi ích hợp pháp của người dân, tạo động lực, điều kiện thuận lợi cho DN phát triển, đổi mới sáng tạo.

Toàn ngành thực hiện bảo đảm chất lượng, tiến độ các nhiệm vụ theo chương trình, kế hoạch đã đề ra từ đầu năm và hoàn thành bảo đảm chất lượng, tiến độ nhiều nhiệm vụ phát sinh thêm, nhất là các nhiệm vụ được Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ giao; phản ứng kịp thời, hiệu quả đối với những vấn đề “nóng”, ngày càng tham gia sâu vào các vấn đề pháp lý đặt ra trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội của đất nước và của từng địa phương.

Trong các lĩnh vực công tác của ngành, công tác cải cách hành chính, đổi mới lề lối làm việc, siết chặt kỷ luật, kỷ cương hành chính năm qua tiếp tục được chú trọng và đạt nhiều kết quả tích cực. Theo công bố của Bộ Nội vụ (tháng 5-2018), chỉ số cải cách hành chính (Par Index) của Bộ Tư pháp tăng 02 bậc, xếp thứ 4/19 Bộ, ngành được đánh giá, trong đó Bộ Tư pháp được đánh giá là một trong các Bộ thực hiện tốt nhất việc chỉ đạo, điều hành về cải cách hành chính.

Cùng với đó, Bộ Tư pháp đã quyết liệt chỉ đạo việc rà soát, đề xuất cắt giảm nhiều điều kiện kinh doanh; phê duyệt phương án cắt giảm, đơn giản hóa các điều kiện kinh doanh trong các lĩnh vực thuộc phạm vi quản lý Nhà nước của Bộ Tư pháp, với tổng số 49/94 điều kiện kinh doanh dự kiến sẽ được cắt giảm, đạt tỷ lệ 52,13%.

Bên cạnh đó, chất lượng hồ sơ các dự án luật, pháp lệnh và chất lượng công tác thẩm định có nhiều cải thiện; nợ đọng văn bản quy định chi tiết giảm so với năm trước. Công tác PBGDPL xuất hiện một số mô hình hay, hiệu quả. Thi hành án dân sự tiếp tục đạt kết quả cao, thi hành án hành chính dần đi vào nền nếp.

Cơ sở dữ liệu hộ tịch điện tử đang phát triển khá nhanh; đã giải quyết được số lượng lớn yêu cầu của người dân, DN trong lĩnh vực hành chính tư pháp, nhất là trong cấp phiếu LLTP, chứng thực, đăng ký giao dịch bảo đảm, gắn với việc hiện đại hóa, đơn giản hóa thủ tục hành chính. Việc xã hội hóa các nghề tư pháp được thực hiện thận trọng, hiệu quả hơn, chất lượng hành nghề được cải thiện, quy trình cấp phép dần được chuẩn hóa.

Tổ chức bộ máy các cơ quan tư pháp địa phương từng bước được kiện toàn, chú trọng đào tạo, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ. Việc giải quyết tranh chấp đầu tư đạt nhiều kết quả cụ thể; hợp tác quốc tế về pháp luật tiếp tục tạo được những dấu ấn quan trọng, nhất là trong quan hệ với các nước láng giềng. Một số lĩnh vực công việc khác cũng được triển khai hiệu quả, bám sát chương trình, kế hoạch đã đề ra.

Kết quả công tác chỉ đạo điều hành và thực hiện các chức năng, nhiệm vụ ngày càng nặng nề của Bộ, ngành đã phần nào thể hiện thông qua kết quả tín nhiệm cao của đại biểu Quốc hội, đại biểu HĐND các tỉnh/TP đối với Bộ trưởng Bộ Tư pháp và GĐ các Sở Tư pháp.

Kết quả công tác chỉ đạo điều hành và thực hiện các chức năng, nhiệm vụ ngày càng nặng nề của Bộ, ngành Tư pháp đã phần nào thể hiện thông qua kết quả tín nhiệm cao của đại biểu Quốc hội đối với Bộ trưởng Bộ Tư pháp. (Ảnh: Quochoi.vn)

Nâng cao chất lượng công tác xây dựng pháp luật

Bước sang năm 2019 - năm tăng tốc, bứt phá để hoàn thành kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2016-2020 và định hướng công tác nhiệm kỳ của Bộ, ngành tư pháp, với nhiều cơ hội và cả những khó khăn, thách thức đối với công tác pháp luật, tư pháp.

Trong bối cảnh đó, bám sát phương châm hành động của Chính phủ "Kỷ cương, liêm chính, hành động, sáng tạo, bứt phá, hiệu quả", toàn ngành tư pháp sẽ tiếp tục: Tham mưu thể chế hóa kịp thời, đầy đủ các chủ trương, đường lối của Đảng; tổ chức thực hiện hiệu quả chủ trương của Đảng, các nghị quyết của Quốc hội, Chính phủ liên quan đến chức năng, nhiệm vụ của Bộ, ngành tư pháp, gắn với định hướng, mục tiêu xây dựng Chính phủ kiến tạo phát triển, liêm chính, phục vụ nhân dân, tháo gỡ khó khăn cho DN, khuyến khích khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo; Chỉ đạo quyết liệt việc nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác xây dựng, hoàn thiện pháp luật, gắn với tổ chức thi hành pháp luật, đưa pháp luật vào cuộc sống. Chủ động, kịp thời phản ứng chính sách đối với những vấn đề đặt ra từ thực tiễn đời sống xã hội của đất nước và của từng địa phương;

Nâng cao hơn nữa hiệu lực, hiệu quả quản lý Nhà nước trong các lĩnh vực thuộc chức năng, nhiệm vụ của các cơ quan tư pháp và pháp chế. Tập trung vào những lĩnh vực trực tiếp gắn liền với người dân, DN như THADS, hộ tịch, chứng thực, lý lịch tư pháp, bồi thường Nhà nước, trợ giúp pháp lý, xử lý vi phạm hành chính và theo dõi thi hành pháp luật…

Toàn ngành sẽ tập trung vào 8 nhóm nhiệm vụ trọng tâm. Trong đó chú trọng, siết chặt kỷ luật, kỷ cương hành chính, nêu cao tinh thần trách nhiệm trong công tác xây dựng, thẩm định văn bản pháp luật, bảo đảm tính ổn định, khả thi của văn bản, cẩn trọng trước những vấn đề quan trọng, phức tạp, nhạy cảm, ảnh hưởng trực tiếp đến an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội của đất nước. Nghiên cứu, đánh giá việc thực hiện Chiến lược xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật đến năm 2010 và định hướng đến năm 2020, việc tổ chức thi hành Hiến pháp để báo cáo Ban cán sự Đảng Chính phủ trình cấp có thẩm quyền.

Thanh Hải

Nguồn PL&XH: https://phapluatxahoi.vn/cong-tac-tu-phap-nam-2018-phan-ung-kip-thoi-hieu-qua-voi-nhung-van-de-nong-133282.html