Công tác tuyên truyền các học thuyết kinh tế mới - Thực trạng và yêu cầu

Cùng với tiến trình Đổi mới của đất nước, việc tuyên truyền các học thuyết kinh tế mới nhằm góp phần vào quá trình đổi mới tư duy kinh tế của các nhà quản lý cũng như đội ngũ doanh nhân Việt Nam cũng từng bước được đẩy mạnh. Quá trình tuyên truyền đó đã đem lại những kết quả tích cực đối với việc thúc đẩy tiếp thu tinh hoa của nhân loại trong quá trình phát triển ở nước ta. Tuy vậy, đứng trước yêu cầu mới của quá trình phát triển đất nước, vấn đề tuyên truyền, giới thiệu những tư tưởng các học thuyết kinh tế mới ở Việt Nam còn những hạn chế cả về nội dung cũng như phương thức tuyên truyền cần có sự tiếp tục đổi mới.

1. Khái quát về quá trình tuyên truyền, giới thiệu các học thuyết kinh tế mới ở Việt Nam

Do điều kiện đặc thù phát triển của đất nước, với nhiều biến thiên lịch sử và tiền đề phát triển có nhiều thử thách, nên việc hình thành các học thuyết kinh tế ở Việt Nam là rất khó. Chính vì vậy, các học thuyết kinh tế được tuyên truyền, giới thiệu ở nước ta trong điều kiện chế độ xã hội mới chủ yếu được kế thừa từ các học thuyết kinh tế của các nhà kinh tế học trên thế giới.

Xét về lịch sử, thời kỳ đầu của việc tuyên truyền những học thuyết kinh tế mới vào Việt Nam dưới chế độ mới do Đảng ta lãnh đạo được diễn ra vào những năm cuối thập kỷ 50 của thế kỷ XX. Thời kỳ này, học thuyết kinh tế chính thống được giới thiệu, tuyên truyền vào Việt Nam là học thuyết kinh tế của C.Mác.

Cách thức tuyên truyền, giới thiệu học thuyết kinh tế của C.Mác với trọng tâm là bộ Tư bản của C.Mác được các chuyên gia Liên Xô (cũ), một số ít chuyên gia Trung Quốc sang giảng bài tại một số ít trường Đại học và Trường Đảng Nguyễn Ái Quốc của Việt Nam. Trên cơ sở các bài giảng đầu tiên đó, dần dần từng bước các nhà khoa học lý luận của Việt Nam tiếp cận và chính thức thay thế chuyên gia Liên Xô, Trung Quốc thực hiện công tác giảng dạy, giới thiệu học thuyết kinh tế của C.Mác, của Lênin, Stalin trong chuyên môn của ngành Kinh tế chính trị.

Quá trình xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc và đấu tranh giải phóng miền Nam giai đoạn 1954-1975 đặt ra những yêu cầu lý luận để dẫn dắt công cuộc cách mạng thực hiện hai nhiệm vụ chiến lược. Trong thời kỳ này, các nội dung của học thuyết kinh tế của C.Mác với trọng tâm là các học thuyết kinh tế trong bộ Tư bản của C.Mác được khai thác giới thiệu triệt để đối với sinh viên các trường đại học và các trường đào tạo cán bộ. Những nội dung cốt lõi kinh tế chính trị về phương thức sản xuất tư bản chủ nghĩa được khai thác trực tiếp từ các học thuyết trong bộ Tư bản của C.Mác. Cùng với việc truyền bá, giới thiệu tri thức lý luận kinh tế chính trị về phương thức sản xuất tư bản chủ nghĩa, chúng ta còn tổ chức giới thiệu, tuyên truyền các tri thức lý luận với tư cách là kết quả nghiên cứu lý luận kinh tế chính trị về phương thức sản xuất xã hội chủ nghĩa mà nòng cốt là nội dung cuốn giáo trình kinh tế chính trị Mác - Lênin do các nhà khoa học Liên Xô biên soạn dưới sự chỉ đạo của Stalin trước khi qua đời. Nội dung cơ bản đó đề cập về các quy luật kinh tế trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội, vấn đề công nghiệp hóa xã hội chủ nghĩa, vấn đề phân phối trong chủ nghĩa xã hội và sở hữu xã hội chủ nghĩa. Những nội dung đó cơ bản được giới thiệu và tuyên truyền trong hầu hết các trường Đại học, cao đẳng, trung học chuyên nghiệp, trường nghề của miền Bắc xã hội chủ nghĩa. Sau khi miền Nam được hoàn toàn giải phóng, những nội dung học thuyết của C.Mác, của Lênin tiếp tục được tuyên truyền, giới thiệu vào các trường Đại học, Cao đẳng, trung học chuyên nghiệp trong cả nước cho đến trước những năm đầu Đổi mới.

Một số ít năm trước Đổi mới, do yêu cầu của việc làm thế nào để góp phần khắc phục khủng hoảng kinh tế - xã hội, bên cạnh một mặt vẫn tích cực tuyên truyền, giới thiệu các học thuyết kinh tế kinh điển của chủ nghĩa Mác - Lênin, một số ít học thuyết kinh tế mới được chuyển ngữ sang tiếng Việt để làm tài liệu tham khảo cho các nhà quản lý và nghiên cứu ở nước ta.

Thời kỳ đầu của những năm sau bước ngoặt Đổi mới 1986, một số học thuyết kinh tế mới của J.M.Keynes, Samuelson, David Begg được dịch và giới thiệu vào Việt Nam dưới hình thức môn học Kinh tế vĩ mô và kinh tế vi mô.

S o với thời kỳ trước Đổi mới, công tác tuyên truyền, giới thiệu các học thuyết kinh tế mới ở Việt Nam đã có bước tiến và phong phú hơn. Bên cạnh việc khẳng định học thuyết kinh tế của chủ nghĩa Mác - Lênin là căn bản, nền tảng, đã có sự lựa chọn, bổ sung các học thuyết kinh tế mới phi mác xít để đưa vào giới thiệu và giảng dạy cho sinh viên các khối ngành kinh tế, sau đó bao gồm các ngành kinh tế, quản lý và quản trị kinh doanh.

Công cuộc hội nhập cùng với tiến trình Đổi mới đưa đến nhiều kênh thông tin lý luận hơn, theo đà đó, đặc biệt từ sau khi Hoa Kỳ bỏ cấm vận đối với Việt Nam và phong trào du học theo diện tài trợ học bổng của các chính phủ các quốc gia phát triển cho sinh viên Việt Nam, nhiều học thuyết kinh tế mới của các trường phái kinh tế trên thế giới được giới thiệu về Việt Nam. Đến nay, rất nhiều các học thuyết kinh tế mới của các trường phái kinh tế, các nhà kinh tế đa dạng trên thế giới được chuyển dịch sang Tiếng Việt và giới thiệu ở Việt Nam. Học thuyết kinh tế của chủ nghĩa Mác - Lênin vẫn tiếp tục là bộ phận cốt lõi, với tư cách là bộ phận của chủ nghĩa Mác - Lênin được giới thiệu với các chủ thể đa dạng của xã hội.

2. Phương thức tổ chức tuyên truyền, giới thiệu những học thuyết kinh tế mới ở Việt Nam

Việc tuyên truyền, giới thiệu các học thuyết kinh tế mới ở Việt Nam thời gian qua được thực hiện qua các phương thức cơ bản như:

Thứ nhất, các kênh ở các cơ sở giáo dục.

Trong hệ thống giáo dục quốc dân, việc giới thiệu và tuyên truyền các học thuyết kinh tế mới được triển khai trước hết ở các trường Đại học, Cao đẳng khối kinh tế và các khoa kinh tế, quản lý của các trường Đại học, Cao đẳng kỹ thuật, khoa học xã hội nhân văn khác. Về cơ bản, các học thuyết kinh tế mới được giới thiệu đến với sinh viên thông qua hệ thống giáo trình, tập bài giảng. Chủ thể giới thiệu, truyền bá các học thuyết kinh tế mới chính là đội ngũ giảng viên vốn được đào tạo tại nước ngoài về hoặc giảng viên được đào tạo trong nước ở các chuyên ngành kinh tế. Đội ngũ giảng viên trở thành lực lượng chủ công giới thiệu dưới dạng các học phần kinh tế được các Hội đồng khoa học hoặc lãnh đạo các nhà trường chấp thuận trên cơ sở căn cứ vào khung chương trình được các cơ quan quản lý nhà nước về giáo dục Đại học chấp thuận. Trong những năm gần đây, các học thuyết kinh tế mới về mọi lĩnh vực chuyên ngành tài chính ngân hàng, kinh tế công cộng, kinh tế học mới, lịch sử học thuyết kinh tế nâng cao… liên tục được các trường đào tạo chuyên về kinh tế, quản trị kinh doanh cập nhật, đưa vào giới thiệu cho sinh viên. Nhiều nhánh kinh tế học mới cũng được tiếp thu và đưa vào các trường đào tạo sinh viên kinh tế, quản trị kinh doanh của Việt Nam. Hệ thống các học thuyết mới này đang tích cực góp phần vào việc mở rộng thêm tri thức đối với cả người dậy lẫn người học trong các nhà trường Đại học. Cách thức truyền bá dưới dạng bài giảng hoặc giáo trình môn học mang tính chính thống và có hiệu quả độ tin cậy cao đối với sinh viên.

Thứ hai, các kênh hội thảo,tọa đàm

Nhìn chung, các kênh Hội thảo quốc tế về chuyên đề kinh tế hoặc xây dựng khung chương trình, giáo trình bậc Đại học chuyên kinh tế, quản trị kinh doanh, quản lý cũng là một trong những kênh chính thức góp phần giới thiệu những học thuyết kinh tế mới vào Việt Nam.

Thông qua các cuộc Hội thảo, tọa đàm khoa học, các nhà kinh tế, các học giả đến từ các trung tâm nghiên cứu, giảng dạy có uy tín trên thế giới đến Việt Nam và mang theo tri thức những học thuyết kinh tế mới dưới dạng các cơ sở lý thuyết của các bài, chuyên đề tham luận Hội thảo. Những căn cứ lý thuyết, cách tiếp cận lý thuyết của các bài tham luận, tọa đàm đều dựa trên cơ sở những lý thuyết kinh tế nhất định. Vì vậy, bằng cách này, mặc dù không nhất thiết phải trình bày toàn bộ hệ thống các lý thuyết kinh tế mới song các thành viên tham gia Hội thảo, tọa đàm có thể biết thêm thông tin về những lý thuyết, những trường phái kinh tế học mới. Đây là một kênh tỏ ra khá hữu ích và hiệu quả đối với việc tuyên truyền, giới thiệu các học thuyết kinh tế mới vào Việt Nam, với độc giả và các nhà khoa học Việt Nam.

Thứ ba, các kênh truyền thông khác.

Cùng với các kênh chính thức qua hệ thống bài giảng, giáo trình, các kênh Hội thảo, việc sử dụng các kênh giới thiệu khác cũng được áp dụng trong việc tuyên truyền các học thuyết kinh tế mới vào Việt Nam. Các kênh truyền thông thông qua con đường tuyên truyền miệng giữa các sinh viên, học viên cao học, nghiên cứu sinh đi học tập, tu nghiệp tại nước ngoài giới thiệu về cho bạn hoặc người thân trong nước. Các hình thức thương mại điện tử cũng được áp dụng để mua các sách về học thuyết kinh tế mới. Các cuộc triển lãm, hội chợ sách cũng là những kênh giới thiệu khá tích cực và hiệu quả các học thuyết kinh tế mới cũng như nhiều học thuyết lý luận, lý thuyết ở các lĩnh vực khoa học khác. Các nhà xuất bản trong nước ở Việt Nam trong những năm gần đây cũng tích cực mua bản quyền và chuyển dịch nhiều học thuyết kinh tế mới vào Việt Nam. Thông qua đó, độc giả và học sinh, sinh viên, người nghiên cứu có được nhiều thông tin đa dạng về các học thuyết kinh tế mới. Khắc phục một phần tình trạng thiếu thông tin về các học thuyết. lý thuyết kinh tế mới trong nghiên cứu và tham khảo tri thức ở Việt Nam.

Bên cạnh những kết quả về nội dung và phương thức đa dạng, có khởi sắc nêu trên, trong bối cảnh mới, việc tuyên truyền, giới thiệu các học thuyết kinh tế mới ở Việt Nam cũng cần đáp ứng những yêu cầu mới.

3. Yêu cầu mới đặt ra đối với công tác tuyên truyền, giới thiệu các học thuyết kinh tế mới ở Việt Nam

Thứ nhất, lựa chọn nội dung để tuyên truyền giới thiệu phải thích ứng với bối cảnh phát triển mới của tri thức trên thế giới đồng thời đáp ứng thiết thực nhu cầu phát triển của Việt Nam.

Cùng với quá trình phát triển bùng nổ của tri thức các lĩnh vực trên phạm vi thế giới, lĩnh vực kinh tế cũng đang chứng kiến sự phát triển rất phong phú của các trường phái học thuyết, lý thuyết kinh tế mới. Mỗi lý thuyết kinh tế mới lại được hình thành trên cơ sở các quan điểm và trường phái, cách tiếp cận về lợi ích khác nhau. Sự đa nguyên, nhiều chiều, liên ngành về kinh tế đang đặt ra những thách thức đối với việc lựa chọn và áp dụng vào điều kiện của một quốc gia đang phát triển ở trình độ thu nhập trung bình thấp như Việt Nam.

Các học thuyết kinh tế hiện nay về cơ bản được hình thành trong khuôn khổ nền khoa học kinh tế của các nước phát triển nhất thế giới. Các quốc gia này lại đa dạng về quan điểm chính trị và triết lý phát triển. Vì vậy, việc tiếp thu tinh hoa thế giới là hết sức cần thiết. Vấn đề đặt ra là tiếp thu và hấp thụ, tiêu hóa tri thức mới đó như thế nào. Đây là vấn đề đòi hỏi không phải chỉ cơ quan thẩm định, tiếp nhận mà cơ bản vẫn là ở nhóm chủ thể và mục đích giới thiệu của nhóm các chủ thể thực hiện đưa các học thuyết mới vào Việt Nam. Có nhiều lý thuyết, các tiếp cận mới, rất hay và thích hợp đối với trình độ nền kinh tế thị trường phát triển như các nước phát triển nhất. Tuy vậy, khi đưa vào giới thiệu, áp dụng vào điều kiện Việt Nam lại có thể không phù hợp với quan điểm chính trị hoặc cách tiếp cận phát triển của chúng ta. Thực tế đưa đến yêu cầu phải chọn lựa nội dung và loại hình các học thuyết kinh tế mới. Một mặt phải đáp ứng được yêu cầu không tụt hậu xa hơn về tri thức mới, mặt khác không thái quá ngộ nhận về mức độ phù hợp vào trong điều kiện phát triển còn thấp như Việt Nam.

Việc phát triển của Việt Nam rất cần những tri thức mới, tuy nhiên, đặc thù về trình độ phát triển và con đường phát triển đòi hỏi sự lựa chọn những tri thức lý luận, lý thuyết phù hợp hữu ích, góp phần giải quyết được những yêu cầu phát triển đang đặt ra.

Thứ hai, yêu cầu về sự đa dạng hóa các kênh và phương thức tuyên truyền, giới thiệu các học thuyết kinh tế mới vào nhiều đối tượng và chủ thể.

Với sự phát triển rất nhanh của hệ thống mạng xã hội và trải nghiệm không gian số hóa, các kênh truyền thống được áp dụng để tuyên truyền, giới thiệu các học thuyết kinh tế mới cần được tích hợp với không gian mạng và không gian số. Các mạng xã hội cũng là một kênh rất đắc lực và hiệu quả nếu chúng ta biết cách khai thác và phát huy mặt tích cực của mạng xã hội trong việc giới thiệu các học thuyết kinh tế. Vấn đề mấu chốt ở chỗ mục đích của việc tuyên truyền và giới thiệu cần phải được xác định rõ. Chỉ có trên cơ sở rõ mục đích tuyên truyền, giới thiệu mới có thể giúp cho độc giả nắm bắt được một cách chính thống những tư tưởng và học thuyết kinh tế mới mà không bị choáng ngợp trước sự nhiễu thông tin.

Thứ ba, việc quản trị các kênh tuyên truyền và giới thiệu đòi hỏi phải được duy trì thường xuyên trong sự đổi mới liên tục.

Áp lực về sự đa dạng kênh tuyên truyền, giới thiệu các học thuyết kinh tế mới cũng như các học thuyết trên các lĩnh vực khoa học khác đòi hỏi phải được quản trị một cách hiệu quả. Các kênh truyền bá, giới thiệu phải có chủ thể và quản lý các chủ thể cũng như mục đích hoạt động của các chủ thể một cách khoa học, chặt chẽ, phối hợp nhiều lực lượng để đảm bảo việc tuyên truyền không tạo ra hiệu ứng trào ngược thông tin và dẫn đến phản tác dụng trong việc đưa những học thuyết mới, lý thuyết mới vào trong quá trình phát triển.

Việc quản trị các kênh tuyên truyền và giới thiệu các học thuyết kinh tế mới cần hết sức chú trọng tới quản trị mạng xã hội và nâng cao nhận thức, sức đề kháng với thông tin xấu, độc được tích hợp, lồng ghép vào trong quá trình truyền bá, giới thiệu các học thuyết kinh tế mới nhằm những mục đích chính trị tinh vi của các thế lực chống phá con đường phát triển của Việt Nam.

Để quản trị tốt kênh thông tin mạng xã hội, biến mạng xã hội thành kênh hiệu quả trong việc tuyên truyền, giới thiệu các học thuyết kinh tế mới, cần có tư duy mới về cách tiếp cận quản trị mạng xã hội. Việc quản trị tốt không đồng nghĩa với bóp nghẹt hoặc ngăn cản mặt tích cực của mạng xã hội. Trái lại cần tư duy mở theo hướng định hướng, dẫn dắt và tạo sức đề kháng tự nhiên của các chủ thể sử dụng mạng xã hội. Muốn vậy cần có sự kết hợp với các kênh truyền thông chính thống khác để tham gia tích cực vào quá trình định hướng, hướng dẫn các tầng lớp nhân dân sử dụng mạng xã hội thật hữu ích thay vì ngăn cấm hay cản trở. Lẽ dĩ nhiên, đi liền với việc mở rộng quyền lợi và sự tiện ích luôn đòi hỏi kỷ cương, vì vậy việc hoàn thiện thể chế cụ thể để vừa có tác dụng định hướng, giáo dục cũng cần phải có những biện pháp răn đe đủ mạnh để hạn chế đến mức thấp nhất có thể việc lợi dụng tuyên truyền qua mạng xã hội để chống phá con đường phát triển của Việt Nam dưới hình thức tuyên truyền, giới thiệu các học thuyết kinh tế mới.

Thứ tư, để thực hiện tốt các kênh tuyên truyền, giới thiệu các học thuyết kinh tế mới, cần hoàn thiện thể chế đồng bộ cho sự quản trị các kênh tuyên truyền các học thuyết tri thức lý luận nói chung và các học thuyết kinh tế mới nói riêng. Cần có tư duy cởi mở, tránh thiên hướng và cách thức giải quyết tình huống mang tính chụp mũ dẫn đến giảm hiệu quả của quá trình tuyên truyền, giới thiệu các học thuyết mới, trong đó có các học thuyết kinh tế mới.

Thứ năm, yêu cầu về đáp ứng các nguồn lực. Thực tế việc tuyên truyền nói chung và tuyên truyền các học thuyết kinh tế mới nói riêng cũng đòi hỏi những nguồn lực nhất định. Trong đó cần phải có nguồn lực hợp lý để triển khai các kênh, các phương thức tuyên truyền. Việc phát huy sức mạng tổng hợp của công tác tuyên truyền, giới thiệu cần đòi hỏi nguồn lực đi kèm làm hậu thuẫn cho việc triển khai các kênh, áp dụng các phương thức tuyên truyền đa dạng.

Tóm lại, quá trình tuyên truyền, giới thiệu các học thuyết kinh tế mới ở Việt Nam xuất phát từ sớm với những bài giảng, giáo trình kinh tế chính trị Mác – Lênin, nếu không tính việc truyền bá những tác phẩm của C.Mác, của các nhà kinh tế lớn trong lịch sử thế giới được giới thiệu vào giới trí thức Việt Nam từ những năm đầu thế kỷ XX.

Quá trình tuyên truyền, giới thiệu một cách chính thức các học thuyết kinh tế mới ở Việt Nam trong môi trường chính quyền cách mạng ngày càng được mở rộng. Hiện nay, các học thuyết kinh tế mới đa dạng được giới thiệu một cách rộng rãi vào các đối tượng chủ thể khác nhau, với nhiều kênh khác nhau. Trước bối cảnh mới, các yêu cầu về lựa chọn nội dung, đa dạng hóa các kênh truyền bá, giới thiệu, chú ý tích hợp quản trị các kênh tuyên truyền và đảm bảo nguồn lực trở thành những khía cạnh mang tính khách quan cần đảm bảo. Chỉ có đáp ứng các yêu cầu đó, công tác tuyên truyền, giới thiệu các học thuyếtt kinh tế mới ở Việt Nam sẽ tiếp tục khởi sắc và có những thành công mới, đóng góp tích cực cho sự phát triển của nền kinh tế nước nhà./.

PGS.TS Ngô Tuấn Nghĩa

Viện Kinh tế chính trị học
Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh

Nguồn Tuyên Giáo: http://www.tuyengiao.vn/nghien-cuu/ly-luan/cong-tac-tuyen-truyen-cac-hoc-thuyet-kinh-te-moi-thuc-trang-va-yeu-cau-130700