Công tác tuyên truyền giữ vai trò quan trọng

Liên tục đổi mới nội dung, hình thức tuyên truyền về chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng (DVMTR) trên địa bàn tỉnh Kon Tum. Đến nay, có thể khẳng định chính sách đã mang lại lợi ích 'kép', vừa giữ rừng được tốt hơn và tạo ra sinh kế lâu dài cho người dân làm nghề rừng.

Ngày 19/9, đông đảo người dân tham gia và thảo luận tại Hội nghị tuyên truyền chính sách chi trả DVMTR, kết hợp tập huấn quản lý, sử dụng tiền DVMTR tại xã Ngọc Yêu. Ảnh: PV

Ngay từ ngày đầu thực hiện chương trình, Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng (BV&PTR) tỉnh Kon Tum xác định công tác tuyên truyền, phổ biến chính sách chi trả DVMTR có tầm quan trọng đặc biệt, đây vừa là cầu nối đưa chính sách của Đảng, Nhà nước vào cuộc sống, vừa nâng cao nhận thức về trách nhiệm cũng như quyền lợi của người dân trong việc tham gia khoán bảo vệ rừng (BVR).

Năm 2018, Quỹ BV&PTR Kon Tum đã đẩy mạnh và đổi mới công tác tuyên truyền với những nội dung và hình thức khác nhau, trong đó việc tổ chức các hội nghị tuyên truyền chính sách chi trả DVMTR gắn với công tác quản lý BVR, kết hợp tập huấn phát triển sinh kế được tổ chức rộng rãi tới các xã, trị trấn trên địa bàn toàn tỉnh.

Đây là hoạt động thường niên nhằm tuyên truyền chính sách chi trả DVMTR một cách sâu rộng đến người dân, góp phần nâng cao nhận thức và trách nhiệm của mỗi người dân đối với công tác quản lý BVR mà cụ thể là diện tích rừng các hộ dân được khoán bảo vệ hoặc được giao đất, giao rừng.

Công tác tuyên truyền trực tiếp tại các xã, thị trấn đã nhận được sự quan tâm, tham gia nhiệt tình của chính quyền địa phương, các tổ chức liên quan và đông đảo người dân, thể hiện sự quan tâm đến chính sách, góp phần đưa chính sách chi trả DVMTR đi vào cuộc sống.

Ông A Niên, Phó Chủ tịch UBND xã Ngọc Yêu, huyện Tu Mơ Rông cho biết, toàn xã có 8 thôn với 419 hộ, hầu hết các hộ đều tham gia nhận khoán quản lý BVR, trong đó có 66 hộ được Nhà nước giao đất, giao rừng với 916,78 ha; 8 cộng đồng dân cư nhận khoán quản lý BVR 2.811,56 ha của Ban quản lý rừng phòng hộ Tu Mơ Rông. Từ nguồn tiền chi trả DVMTR các hộ được hưởng thông qua việc nhận khoán BVR đã giúp rất nhiều gia đình có thêm thu nhập, cải thiện đời sống, yên tâm với công việc.

Hội nghị tuyên truyền lần này, người dân thấy được tầm quan trọng của rừng đối với cuộc sống của họ, những lợi ích mà chính sách chi trả DVMTR mang lại. Trong xã nhiều hộ gia đình đã biết cách sử dụng tiền DVMTR lồng ghép với nguồn tiền khác để tổ chức sản xuất, mua cây giống, con giống và biết cách lựa chọn các mô hình phát triển sinh kế phù hợp với năng lực của từng hộ gia đình, phù hợp với điều kiện thổ nhưỡng tại địa phương.

Qua đó, ý thức trách nhiệm trong việc quản lý bảo vệ và phát triển rừng của người dân được nâng cao, người dân thường xuyên tuần tra và bảo vệ nghiêm ngặt hơn diện tích rừng được giao quản lý.

Còn anh A Thoát, Trưởng thôn Long Láy 2, xã Ngọc Yêu cho biết, trong thôn hiện có 17 hộ được Nhà nước giao khoán quản lý diện tích rừng, ngoài ra thôn còn nhận khoán quản lý BVR 434,09 ha của Ban quản lý rừng phòng hộ Tu Mơ Rông. Đến nay, diện tích rừng do hộ gia đình, cá nhân, cộng đồng dân cư thôn Long Láy 2 quản lý, bảo vệ rất tốt, thôn đã thành lập 3 tổ quản lý BVR (mỗi tổ 8-10 thành viên), lập kế hoạch, chia nhau tuần tra bảo vệ diện tích rừng được giao quản lý.

Từ nguồn tiền DVMTR gia đình anh Thoát đã thành công với mô hình nuôi cá nước ngọt. Ảnh: PV

Riêng gia đình anh nhận khoán quản lý bảo vệ 23,96 ha rừng, tiền thu từ việc nhận khoán trung bình mỗi năm khoảng trên 13 triệu đồng, gia đình anh có tiền mua sắm một số đồ dùng sinh hoạt và dụng cụ quản lý BVR. Bên cạnh đó, anh còn dùng số tiền chi trả DVMTR hàng năm để mua cây giống cà phê catimor, phân bón... Từ năm 2013 đến nay, gia đình anh đã trồng được thêm 1 ha cà phê catimor, nuôi được 2 ao cá và mua được 1 con trâu.

Anh Thoát cho biết thêm, “việc tham dự thường xuyên Hội nghị tuyên truyền chính sách chi trả DVMTR, kết hợp tập huấn quản lý sử dụng tiền DVMTR do Quỹ BV&PTR tỉnh Kon Tum tổ chức các năm gần đây, với tư cách là trưởng thôn tôi đã được nâng cao nhận thức về chính sách chi trả DVMTR, quyền hạn và nghĩa vụ của chủ rừng, cộng đồng và trách nhiệm của mỗi một người dân trong công tác quản lý BVR, qua đó tôi sẽ lồng ghép các nội dung được nghe và trao đổi trực tiếp ở đây để tuyên truyền cho bà con trong thôn thông qua các cuộc họp thôn. Nhờ chính sách chi trả DVMTR mà người dân chúng tôi ý thức rõ hơn về quyền lợi gắn với trách nhiệm của mình trong việc quản lý bảo vệ và phát triển rừng. Dân làng tích cực tham gia quản lý BVR, phát dọn đường băng cản lửa... số tiền DVMTR nhận được hàng năm đã phần nào giúp chúng tôi có vốn đầu tư sản xuất, cải thiện cuộc sống, lo cho con ăn học”.

Vườn cà phê trĩu quả của gia đình anh A Thoát được đầu tư từ nguồn tiền chi trả DVMTR. Ảnh: PV

Có thể thấy, chính sách chi trả DVMTR đã và đang mang lại hiệu quả rõ rệt trong công tác quản lý BVR trên địa bàn xã Ngọc Yêu nói riêng và tỉnh Kon Tum nói chung, việc tuyên truyền chính sách chi trả DVMTR gắn với công tác quản lý BVR, kết hợp tập huấn phát triển sinh kế từ nguồn tiền chi trả DVMTR có tác động mạnh mẽ đến ý thức, trách nhiệm trong công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng của người dân.

Với cách tuyên truyền thiết thực của Quỹ BV&PTR tỉnh Kon Tum, người dân đã nhận thức và hành động cụ thể hơn, rừng được bảo vệ tốt hơn, chất lượng rừng đảm bảo, không những môi trường sinh thái được cải thiện mà người dân còn được hưởng tiền DVMTR hàng năm, góp phần gia tăng thu nhập, cải thiện đời sống, có nguồn vốn đầu tư cho sản xuất, từ đó người dân sống trong rừng, gần rừng, ven rừng, vùng sâu, vùng xa gắn bó với rừng hơn và góp phần đưa chính sách chi trả DVMTR đi vào cuộc sống.

PV

Nguồn Thanh Tra: http://thanhtra.com.vn/xa-hoi/moi-truong/cong-tac-tuyen-truyen-giu-vai-tro-quan-trong_t114c1143n138981