Công tác xóa đói, giảm nghèo ở xã Cẩm Yên

Cẩm Yên là xã vùng cao của huyện Cẩm Thủy, đời sống kinh tế nhiều khó khăn, tỷ lệ hộ nghèo còn cao. Sau hơn 8 năm thực hiện dự án 'Nhân rộng mô hình giảm nghèo, phát triển chăn nuôi dê sinh sản' nhiều hộ nghèo đã có thêm việc làm, nâng cao thu nhập, từng bước vươn lên thoát nghèo.

Mô hình chăn nuôi dê cho thu nhập cao tại xã Cẩm Yên.

Qua khảo sát, nhận thấy xã Cẩm Yên có điều kiện tự nhiên thích hợp cho chăn nuôi, nhất là các loại vật nuôi nhiệt đới như trâu, bò, dê, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội đã lựa chọn địa phương thực hiện dự án “Nhân rộng mô hình giảm nghèo, phát triển chăn nuôi dê sinh sản” với tổng kinh phí thực hiện là 210 triệu đồng. Ngay sau khi được lựa chọn, UBND xã đã thành lập ban chỉ đạo tổ chức thực hiện dự án và phân công cụ thể cho từng thành viên. Việc lựa chọn các hộ tham gia cũng được thực hiện rất kỹ lưỡng, trong đó ưu tiên cho những hộ có điều kiện về lao động, điều kiện kinh tế khó khăn được tổ chức bình xét công khai của nhân dân trong từng thôn. Những hộ tham gia dự án phải tự nguyện và có đơn đề nghị được chăn nuôi dê theo dự án. Qua quá trình rà soát đã có 30 hộ nghèo thuộc 6 thôn trên địa bàn xã tham gia dự án, trong đó số hộ nghèo là đồng bào dân tộc thiểu số chiếm 93,33% tham gia. Các hộ tham gia dự án sẽ được hỗ trợ 7 triệu đồng/hộ (5 triệu đồng mua con giống, 2 triệu xây chuồng trại). Các hộ được lựa chọn, sẽ được trạm khuyến nông huyện tập huấn chuyển giao khoa học – kỹ thuật, chọn giống, biện pháp chăn nuôi, nguồn thức ăn, phòng bệnh nhằm nâng cao cả về chất lượng sản phẩm cũng như gia tăng tỷ lệ con đạt hiệu quả kinh tế.

Bên cạnh đó, dự án đã giúp các hộ nghèo thay đổi nhận thức trong cách làm ăn, ứng dụng tiến bộ khoa học - kỹ thuật vào sản xuất chăn nuôi, tăng năng suất và chất lượng sản phẩm. Đến nay, số đàn dê trong xã đạt tới gần 900 con, tăng 300 con so với cùng kỳ năm 2011, trong khoảng thời gian đó, chưa tính toán đến số lượng dê bán hàng năm, góp phần nâng cao đời sống của người dân trên địa bàn xã, đẩy mạnh quá trình phát triển kinh tế - xã hội địa phương. Trong 30 hộ tham gia dự án, đã có 17 hộ thoát nghèo, thoát cận nghèo không tái nghèo. Ví như, gia đình anh Hoàng Văn Chuyên đã tham gia mô hình và được hỗ trợ 1 cặp dê. Do được tập huấn lại tích cực học hỏi từ các hộ chăn nuôi trong xã nên 2 năm trở lại đây gia đình anh lúc nào cũng duy trì đàn từ 50 đến 60 con. Ngoài nuôi dê, anh còn nuôi thêm gà, trâu và bò. Dự tính, sau khi xuất chuồng tổng đàn, trừ chi phí gia đình lãi khoảng 70 triệu đồng. Cũng tham gia dự án và đã thoát nghèo từ năm 2016, hộ các anh Bùi Văn Kính; Trịnh Hùng Đương; Nguyễn Văn Chuyền; Phạm Văn Tuân... hiện đang nuôi từ 40-50 con dê/hộ, đã và đang có mức thu nhập khá từ việc chăn nuôi dê.

Theo đánh giá của Ban chỉ đạo giảm nghèo xã Cẩm Yên, bên cạnh những thuận lợi, quá trình triển khai thực hiện dự án cũng gặp phải không ít khó khăn, vướng mắc. Nguyên nhân là do đây là lần đầu tiên người dân địa phương thực hiện theo mô hình nên chưa có nhiều kinh nghiệm. Trong 2-3 năm đầu, số lượng đàn dê phát triển mạnh từ 110 con giống ban đầu, 2 năm sau số dê đã tăng lên 258 con. Tuy nhiên những năm sau đó số lượng dê dự án ngày giảm dần. Nguyên nhân do một số hộ nghèo chưa nắm rõ được kỹ thuật phòng bệnh nên trong quá trình chăm sóc dê dịch bệnh xảy ra đã không đề phòng được. Một số hộ có tư tưởng coi dê giống được cấp là tài sản của riêng mình nên đã bán đi mà không báo cáo với chính quyền địa phương gây khó khăn trong việc quản lý. Bên cạnh đó, diện tích đất rừng của xã chủ yếu là vùng trồng rừng sản xuất thường niên, hiện nay đang trong thời điểm khai thác và trồng mới nên không có nơi chăn thả.

Nói về kinh nghiệm trong công tác giảm nghèo, ông Lê Xuân Sáu, Chủ tịch UBND xã Cẩm Yên cho biết: Ngay sau khi được chọn để xây dựng mô hình, chúng tôi tiến hành khảo sát và xây dựng kế hoạch hàng năm sát với nhu cầu thực tế của nhân dân. Việc lựa chọn hộ thực hiện mô hình không mang tính áp đặt máy móc mà phải xuất phát từ nguyện vọng, nhu cầu của các hộ dân, đồng thời, những hộ tham gia phải đảm bảo có lao động, có kinh nghiệm, có kiến thức và đủ khả năng để thực hiện mô hình đạt hiệu quả cao. Bên cạnh đẩy mạnh chăn nuôi dê, phát huy thế mạnh vào đất đồi núi để trồng cây hiện các hộ duy trì và phát triển các loại cây lúa nước, cây ngô và các cây lâm nghiệp, trồng rừng phủ xanh đất trống, đồi trọc như trồng các loại cây: Keo, lát, sao đen, luồng..., một số thôn đã chuyển vụ lúa không ăn chắc sang trồng mía, trồng cây gai xanh và tập trung nuôi các con chủ lực như trâu, bò vừa mang lại hiệu quả kinh tế cao vừa phù hợp với điều kiện tự nhiên của xã... Thời gian tới, địa phương tiếp tục chỉ đạo sử dụng có hiệu quả các nguồn hỗ trợ chính sách của Nhà nước, của tỉnh, huyện về phát triển sản xuất để hỗ trợ hộ nghèo phát triển kinh tế hộ gia đình, xây dựng mô hình và hỗ trợ các mô hình tự đầu tư mở rộng sản xuất tạo việc làm tăng thu nhập cho người nghèo, đồng thời để học tập nhân ra diện rộng, ông Sáu cho biết thêm.

Trần Hằng

Nguồn Thanh Hóa: http://baothanhhoa.vn/doi-song-xa-hoi/cong-tac-xoa-doi-giam-ngheo-o-xa-cam-yen/101344.htm