Công thức chiến thắng của Mamma Mia!

Lily James (giữa) được đánh giá cao trong Mamma Mia! 2

Lily James (giữa) được đánh giá cao trong Mamma Mia! 2

Cái bóng của phần 1

Phương Tây không còn xa lạ với thể loại phim âm nhạc-phim nhạc kịch (musical film), trong khi thể loại này còn khá mới mẻ ở Việt Nam. Phim loại này được coi là bước phát triển tự nhiên của nhạc kịch sân khấu, sử dụng bài hát, âm nhạc, bài nhảy thay thế cho lời thoại, hình ảnh… để kể một câu chuyện, hoặc tạo quãng nghỉ cho phim.

Mamma Mia! còn được quảng bá dưới cái tên Mamma Mia! The Movie, là một phim âm nhạc lãng mạn hài hước nổi danh cách đây 10 năm. Bộ phim được chuyển thể từ vở nhạc kịch cùng tên dựng bởi Nhà hát West End (1999). Mamma Mia! dựa trên những bài hát thành công của nhóm nhạc ABBA (Thụy Điển), với phần nhạc được sáng tác bởi Benny Andersson, đạo diễn bởi Phyllida Lloyd.

Ở phần 1, Pierce Brosnan (vai Sam Carmichael), Colin Firth (vai Harry Bright) và Stellan Skarsgård (vai Bill Anderson) trong vai các người cha của Sophie (Amanda Seyfried thủ vai). Nữ diễn viên gạo cội Meryl Streep vào vai người mẹ đơn thân Donna Sheridan của Sophie. Lúc nhỏ Meryl Streep từng được học hát opera và khi trưởng thành, bà hát trong nhiều bộ phim khác nhau như Postcards from the Edge, Silkwood, Death Becomes Her… Bà cũng rất hâm mộ vở Mamma Mia! trên sân khấu kịch cho nên Meryl Streep là một yếu tố đảm bảo sự thành công của bộ phim, nhờ vào tài năng diễn xuất và giọng hát nội lực của mình. Bên cạnh đó, khung cảnh tráng lệ của biển, vẻ đẹp đồng quê thanh bình trên hòn đảo nhỏ thuộc Skopelos và xóm nhỏ ven biển Damouchari (Pelion, Hy Lạp) cũng để lại những ấn tượng đẹp cho khán giả. Đồng thời, việc sử dụng rất tốt các tác phẩm của ABBA cũng góp phần tạo sức hút cho phim.

Tổng doanh thu của Mamma Mia! trên toàn cầu là hơn 600 triệu đô la Mỹ, trong khi kinh phí sản xuất là 52 triệu đô la Mỹ. Bộ phim đã trở thành một phim nhạc kịch có doanh thu toàn cầu cao nhất mọi thời đại, được vinh danh với hai đề cử cho giải Quả cầu vàng, một đề cử cho giải Grammy và ba đề cử cho giải Lựa chọn của công chúng (People’s Choice Awards). Album nhạc phim phát hành cùng năm sau đó cũng được đề cử giải Grammy.

Sau thành công của phần 1, phần 2 ngay lập tức được lên kế hoạch sản xuất. Nhưng phải đến 10 năm sau, Mamma Mia! 2 mới ra mắt khán giả dưới cái tên Mamma Mia!: Here we go again, do Ol Parker là đạo diễn.

Tiếp tục đột phá

Các diễn viên chính của Mamma Mia! 1

Làm phần 2 sau 10 năm, cắt hoàn toàn vai của Meryl-một trong những yếu tố đảm bảo thành công của phần hai, Mamma Mia! 2 dường như rất liều lĩnh. Thế nhưng, ra rạp từ 20-7, bộ phim thu khoảng 76,4 triệu đô la Mỹ, trong đó có 43,4 triệu đô la Mỹ từ các phòng vé nội địa (Mỹ), cao hơn thành tích ra mắt của phần một.

Điều hóa giải khó khăn của khoảng cách mười năm nằm ở lựa chọn khéo léo của đạo diễn Ol Parker và đội ngũ biên kịch: họ chọn kể câu chuyện thời trẻ của Donna, khi bà lần lượt gặp những người đàn ông của mình và lựa chọn làm mẹ đơn thân. Lựa chọn này cho phép đạo diễn sáng tạo hình tượng mới cho nhân vật, “thay máu” dàn diễn viên mà vẫn kể được câu chuyện thú vị.

Nàng Donna thời trẻ, do Lily James thủ vai, đem lại thành công cho Mamma Mia! 2 với vẻ ngoài tràn đầy sức sống. Cô được đánh giá cao về mặt diễn xuất, vừa kế thừa tinh thần của Meryl Streep vừa sáng tạo để có dấu ấn riêng. Có lẽ nếu không có Lily thì phần hai chỉ là một bản ăn theo nhạt nhẽo không điểm nhấn.

Hình ảnh Meryl Streep xuất hiện cuối phim, vẫn vô cùng phong thái, vừa đủ gây thương nhớ cho khán giả. Trong khi đó, những bản nhạc của ABBA tiếp tục được sử dụng rất tốt, một lần nữa giúp cho kịch bản “không có gì” của Mamma Mia! 2 trở nên cuốn hút người xem.

Giống như phần 1, Mamma Mia! 2 tiếp tục nhận được nhiều ý kiến trái chiều từ chuyên gia. Người cho rằng câu chuyện “nhạt và sến, nhưng thành công trong sử dụng nhạc của ABBA làm nguyên liệu dẫn dắt”, người lại khen “phần 2 kịch tính hơn, trả lời rốt ráo những câu hỏi của phần một”, “một phim tươi sáng, vui vẻ”… Dù thế nào đi nữa, thì có một thực tế là phần 2 đã rất khéo léo phát huy thế mạnh trong sử dụng âm nhạc, diễn viên và dẫn dắt câu chuyện, khiến điểm yếu bị lu mờ. Doanh thu của bộ phim hứa hẹn sẽ còn cao hơn nữa. Có thể nói, khoảng cách thời gian không là vấn đề, quan trọng là, bạn có thể tìm thấy và phát huy đúng thế mạnh, để bù đắp cho điểm yếu hay không mà thôi.

Mamma Mia! là câu chuyện về cô gái nhỏ Sophie đi tìm người cha “thất lạc” 20 năm trước. Trước khi đám cưới của cô diễn ra, cô biết về ba người đàn ông Sam, Harry, Bill, từng là người yêu của mẹ, và rất có thể là cha ruột của cô. Cô bí mật mời họ tới đám cưới, không cho mẹ biết. Và những rắc rối bắt đầu xảy ra.Mamma Mia! 2 quay về quá khứ của bà mẹ Donna, hé lộ chuyện gì đã diễn ra trước khi Sophie ra đời. Bộ phim là hành trình của tình yêu, tuổi trẻ, khát vọng mà bất cứ ai cũng cảm thấy có mình trong đó.

Hà Bi

Làm phần tiếp theo (sequel) của một phim thường là một sự mạo hiểm, nhất là khi khoảng cách giữa hai phần phim quá xa. Dù vậy, năm 2018 chứng kiến cú bật ngoạn mục của Mamma Mia! 2: Here we go again, đã phá vỡ nhiều kỷ lục bằng sự duyên dáng của mình.

Nguồn Sài Gòn Tiếp Thị: https://www.sgtiepthi.vn/cong-thuc-chien-thang-cua-mamma-mia/