Công Thương Hà Nội: Cải cách hành chính hỗ trợ doanh nghiệp

Nhằm phục vụ người dân và doanh nghiệp (DN) một cách hiệu quả, tạo điều kiện thuận lợi cho sản xuất kinh doanh, ngành Công Thương Hà Nội đã triển khai nhiều giải pháp thúc đẩy thương mại, tăng cường cải cách hành chính và ứng dụng công nghệ thông tin để DN, người dân tiếp cận giấy phép nhanh nhất.

Doanh nghiệp làm TTHC tại Bộ phận một cửa, Sở Công Thương Hà Nội

Nhiều hoạt động thúc đẩy thương mại

Theo báo cáo của Sở Công Thương Hà Nội, dự kiến năm 2018, tổng mức lưu chuyển hàng hóa bán ra doanh thu dịch vụ ước đạt 2.520 nghìn tỷ đồng, tăng 9,5%; tổng mức bán lẻ hàng hóa và dịch vụ xã hội ước đạt 509 nghìn tỷ đồng, tăng 8,9%, trong đó, doanh thu bán lẻ hàng hóa ước đạt 304,2 nghìn tỷ đồng, tăng 13,8%, tốc độ tăng trưởng doanh thu bán lẻ hàng hóa trung bình 3 năm 2016-2018 tăng 12,43%.

Triển khai Kế hoạch phát triển các loại hình thương mại, dịch vụ văn minh, hiện đại giai đoạn 2018-2020, thời gian qua, Hà Nội đã đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến đầu tư trong lĩnh vực thương mại, đã thu hút được một số dự án có quy mô lớn.

Cụ thể, có 4 trung tâm thương mại do Tập đoàn Vingoup làm chủ đầu tư tại các huyện Đông Anh, Gia Lâm và Thanh Trì với tổng diện tích 30,2ha, tổng vốn đầu tư 6.300 tỷ đồng; ký Biên bản ghi nhớ với Tập đoàn Semmaris (Cộng hòa Pháp) để triển khai lập dự án nghiên cứu tiền khả thi chợ đầu mối quốc tế nông sản tại huyện Gia Lâm, quy mô nghiên cứu khoảng 155ha; thu hút đầu tư 52 dự án lĩnh vực thương mại (18 dự án thương mại dịch vụ; 3 dự án logistics; 7 dự án chợ dân sinh; 24 dự án cửa hàng xăng dầu)…

Đến nay, trên địa bàn thành phố có 22 trung tâm thương mại (TTTM), 132 siêu thị và hàng nghìn cửa hàng tiện lợi, 491 cửa hàng xăng dầu, 454 chợ, có 8.426 website/ứng dụng thương mại điện tử hoạt động trên địa bàn.

Sở đã tổ chức nhiều hoạt động liên kết vùng, kết nối cung cầu tạo nguồn cung ổn định cho thị trường Hà Nội đặc biệt là các mặt hàng thiết yếu đảm bảo được an toàn thực phẩm (tổ chức gần 500 chuyến bán hàng lưu động về các huyện ngoại thành, các khu công nghiệp, khu chế xuất, 5 hội chợ hàng Việt phục vụ Tết, 10 phiên chợ Việt, 1 chợ Tết phục vụ nhân dân khu vực ngoại thành, tạo điều kiện cho các DN, cơ sở sản xuất quảng bá, bán hàng đáp ứng nhu cầu tiêu dùng của nhân dân, người lao động trong dịp lễ, Tết); tổ chức Hội nghị kết nối cung - cầu nông sản thực phẩm và giải pháp phát triển nông nghiệp bền vững của TP. Hà Nội năm 2018, đã có 126 lượt DN phân phối, chế biến nông sản, thực phẩm ký kết ghi nhớ, hợp tác với 22 quận, huyện, thị xã nhằm đẩy mạnh việc kết nối, khai thác nông sản tại các vùng sản xuất trên địa bàn thành phố.

Tăng cường cải cách hành chính

Cùng với các hoạt động xúc tiến, thúc đẩy thương mại, hỗ trợ DN, Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội Lê Hồng Thăng cho biết, từ đầu năm đến nay, các thủ tục hành chính (TTHC) thuộc lĩnh vực công thương được Sở công khai trên trang thông tin điện tử của Sở. Thời gian tiếp nhận, chuyển giao, giải quyết hồ sơ giữa bộ phận tiếp nhận với bộ phận giải quyết TTHC được thực hiện bằng phiếu kiểm soát TTHC. Nhờ vậy các tổ chức, DN, cá nhân luôn được trả kết quả đúng thời hạn hoặc trước thời hạn.

Toàn bộ số điện thoại, địa chỉ thư điện tử của Sở và các đồng chí lãnh đạo Sở được công khai để thuận tiện cho người dân, DN khi muốn phản ánh, kiến nghị. Sở thường xuyên tổ chức các hội nghị giao ban, tháo gỡ khó khăn cho DN, hội nghị tập huấn, hướng dẫn thực hiện các chính sách mới… Thông qua các hội nghị này, cán bộ quản lý với DN đã có sự trao đổi trực tiếp hiệu quả, được người dân và DN ghi nhận, đánh giá cao.

Sở Công Thương Hà Nội cũng tích cực đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác cải cách hành chính. Tám tháng đầu năm, trong số hơn 20 nghìn hồ sơ Sở tiếp nhận thì có tới 17 nghìn hồ sơ thực hiện trực tuyến. Hiện Sở đang cung cấp 26 dịch vụ công mức độ 3 và đang phối hợp Sở Thông tin và Truyền thông, Công ty Nhật Cường triển khai chạy thử 32 dịch vụ công trực tuyến mới. Đồng thời, duy trì hoạt động các ứng dụng công nghệ thông tin như Bản đồ mua sắm thành phố, cơ sở dữ liệu thông tin về cụm công nghiệp…

Công tác rà soát TTHC được Sở thực hiện nghiêm túc. Trong 8 tháng đầu năm nay, Sở đã trình Chủ tịch UBND thành phố công bố danh mục TTHC thuộc thẩm quyền của Sở và cấp huyện, công bố mới 110 TTHC, bãi bỏ 111 TTHC cũ. Sở còn đề xuất đơn giản hóa 19 TTHC, rút ngắn thời gian thực hiện từ 15-40% so với quy định. Đây chủ yếu là các thủ tục trong các lĩnh vực lưu thông hàng hóa trong nước, công nghiệp tiêu dùng, an toàn thực phẩm, xúc tiến thương mại.

Tuy nhiên, công tác cải cách hành chính của Sở cũng đang gặp không ít tồn tại, khó khăn. Các dịch vụ công trực tuyến còn đang trong quá trình mới vận hành, chạy thử nên vẫn còn nhiều vướng mắc. Số lượng hồ sơ lớn nên nhiều lúc gây ra tình trạng quá tải với cán bộ, trang thiết bị máy móc còn lạc hậu so với yêu cầu công việc…

Để khắc phục những tồn tại này, trong thời gian tới, Sở sẽ tiếp tục rà soát các TTHC để sửa đổi cho phù hợp; tăng cường tháo gỡ khó khăn cho DN; đẩy mạnh các dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, mức độ 4 và ứng dụng công nghệ thông tin trong tất cả các lĩnh vực; nâng cao trình độ, trách nhiệm trong công tác cho đội ngũ cán bộ, công nhân viên chức nhằm ngày càng phục vụ người dân, DN tốt hơn, góp phần thúc đẩy kinh tế thủ đô phát triển.

Hiện Sở Công Thương đang thực hiện 130 TTHC thuộc thẩm quyền của Sở, trong đó có 5 TTHC liên thông; 19 TTHC cấp huyện và 1 TTHC cấp xã. 8 tháng đầu năm đã thực hiện tiếp nhận hơn 20 nghìn hồ sơ, 100% kết quả trả đúng và trước thời hạn.

Nguyễn Hạnh

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/cong-thuong-ha-noi-cai-cach-hanh-chinh-ho-tro-doanh-nghiep-111665.html