Công Thương qua góc nhìn báo chí ngày 27/8: Tạm giữ 41.500 sản phẩm mỹ phẩm Hàn Quốc nghi nhập lậu

Quản lý thị trường và hoạt động xuất nhập khẩu là những thông tin được nhiều cơ quan báo chí phải ánh trong ngày 27/8.

Ngày 27/8, tờ Sức khỏe và Đời sống có bài: Đột kích kho hàng chứa 41.500 sản phẩm mỹ phẩm Hàn Quốc trị giá hàng tỷ đồng có dấu hiệu nhập lậu”.

Bài báo dẫn thông tin từ Cục Quản lý thị trường Bắc Ninh cho biết, sau nhiều tháng theo dõi, mật phục của lực lượng Quản lý thị trường và lực lượng Công an tỉnh Bắc Ninh, lực lượng chức năng tỉnh Bắc Ninh đã kiểm tra đột xuất đối với kho hàng của ông Nguyễn Xuân Thuyết, địa chỉ tại: Khu Tam Lư, phường Đồng Nguyên, thành phố Từ Sơn, tỉnh Bắc Ninh.

Kết quả kiểm tra phát hiện kho hàng của ông Nguyễn Xuân Thuyết đang kinh doanh 41.500 sản phẩm là mỹ phẩm ghi trên bao bì, sản phẩm sản xuất tại Hàn Quốc, có trị giá ước tính 5 tỷ đồng.

Chủ kho hàng chưa xuất trình được hóa đơn, chứng từ chứng minh tính hợp pháp của hàng hóa

Liên quan đến vấn đề trên, tờ Lao động phản ánh: Bắc Ninh: Phát hiện kho mỹ phẩm có dấu hiệu nhập lậu, trị giá 5 tỷ đồng.

Theo bài báo, kho hàng Cục Quản lý thị trường Bắc Ninh phối hợp với các cơ quan liên quan bắt giữ bao gồm: 1.850 chai nước hoa hồng Mamonde loại 250ml/chai; 9.700 chai tinh chất dưỡng da Clara loại 50ml/chai; 2.900 hộp kem dưỡng trắng da V7 Dr.Jart+ loại 50ml/hộp; 6.900 tuýp sữa rửa mặt COSRX loại 150ml/tuýp; 2.300 hộp mặt nạ dưỡng da Dermall Matrix loại (35g x 4 miếng)/hộp; 5.000 tuýp kem chống nắng Lamelin loại 50ml/tuýp…

Tại thời điểm kiểm tra, chủ kho hàng chưa xuất trình được hóa đơn, chứng từ chứng minh tính hợp pháp của hàng hóa. Vụ việc trên có dấu hiệu kinh doanh hàng hóa nhập lậu, hàng hóa không rõ nguồn gốc xuất xứ. Đội Quản lý thị trường số 3 đã ban hành quyết định tạm giữ toàn bộ số hàng hóa nêu trên để đấu tranh làm rõ hành vi vi phạm và xử lý theo quy định của pháp luật.

Liên quan đến xuất nhập khẩu, tờ Hải quan có bài: 4 thị trường xuất khẩu chục tỷ USD. Bài báo dẫn thống kê sơ bộ mới nhất của Tổng cục Hải quan, hết tháng 7, trong số hơn 200 quốc gia, vùng lãnh thổ nước ta có quan hệ ngoại thương, có 4 thị trường đạt kim ngạch xuất khẩu từ 10 tỷ USD trở lên gồm: Hoa Kỳ, Trung Quốc, Hàn Quốc và Nhật Bản.

7 tháng đầu năm, Hoa Kỳ tiếp tục là thị trường xuất khẩu hàng hóa lớn nhất của Việt Nam với kim ngạch đạt 66,99 tỷ USD, tăng 24,2% so với cùng kỳ năm ngoái chiếm 30,8% kim ngạch cả nước.

Trung Quốc đứng thứ hai với 30,01 tỷ USD, tăng 5,3%, chiếm 13,8%; Hàn Quốc giữ vị trí thứ ba với 14,2 tỷ USD, tăng 16,8%, chiếm 6,5%; Nhật Bản xếp thứ tư với 13,44 tỷ USD, tăng 13,4%, chiếm 6,2%.

Như vậy, riêng 4 thị trường chủ lực chiếm đến 57,35% tổng kim ngạch xuất khẩu cả nước trong 7 tháng đầu năm. Toàn bộ các nhóm hàng xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam đều có sự hiện diện ở những thị trường quan trọng kể trên.

Tờ Bizlive có bài: “Xuất khẩu gạo trong quý 4 ổn định”. Bài báo dẫn lời ông Nguyễn Văn Đôn - Giám đốc Công ty TNHH Việt Hưng cho biết, lúa Hè Thu đã thu hoạch hơn 2/3 diện tích, giá lúa đang xuống thấp ảnh hưởng đến thu nhập của người nông dân, vì các loại vật tư nông nghiệp đầu vào đều tăng giá, trong khi giá lúa, gạo vào thời điểm này lại xuống thấp.

Có 3 nguyên nhân cơ bản tác động lên thị trường lúa gạo Việt Nam: (1) Do chất lượng lúa Hè Thu kém. (2) Các nước nhập khẩu gạo như Philippines, Trung Quốc đang vào vụ thu hoạch, chính phủ các nước này không cấp quota nhập khẩu gạo cho thương nhân dẫn đến thị trường trầm lắng. (3) Bị siết room tín dụng nên doanh nghiệp không có tiền thu mua lúa gạo.

Nhận định về tình hình thị trường gạo trong các tháng cuối năm, ông Đỗ Hà Nam - Phó chủ tịch VFA, Chủ tịch HĐQT, Tổng giám đốc Intimex Group cho biết: Xuất khẩu gạo trong quý 4 chắc chắn sẽ vẫn ổn định. Tuy nhiên có những loại gạo thị trường cần thì Việt Nam không còn nhiều, còn những loại gạo mà Việt Nam có nhiều nhu cầu thị trường lại không cao. Đó là vấn đề của cơ chế thị trường.

Nguyễn Hòa

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/cong-thuong-qua-goc-nhin-bao-chi-ngay-278-tam-giu-41500-san-pham-my-pham-han-quoc-nghi-nhap-lau-218297.html