Công trình hàng trăm tỷ không phép 'mọc' trên 'đất vàng'

Hai công trình trung tâm thương mại và hội nghị tổ chức sự kiện có quy mô rất lớn được xây dựng liền kề ngay giữa lòng trung tâm TP Biên Hòa (Đồng Nai) mà chưa hề có giấy phép xây dựng. Đó là chuyện thật như đùa đang diễn ra tại Dự án khu phức hợp thương mại dịch vụ và căn hộ cao cấp do Công ty Cổ phần xây dựng dân dụng công nghiệp số 1 Đồng Nai làm chủ đầu tư.

Công trình Khu A đã đưa vào sử dụng từ năm 2017 nhưng chưa có giấy phép xây dựng.

Công trình Khu A đã đưa vào sử dụng từ năm 2017 nhưng chưa có giấy phép xây dựng.

Công trình hàng trăm tỷ xây dựng không phép

Theo tìm hiểu của phóng viên Nhân Dân điện tử, Dự án khu phức hợp thương mại dịch vụ và căn hộ cao cấp tọa lạc trên diện tích khu đất 22.184 m2 thuộc thửa số 1, tờ bản đồ số 4 tại địa chỉ số 15, đường Đồng Khởi, phường Tân Tiến, TP Biên Hòa.

Theo kết quả thẩm định tại văn bản số 59/HĐXD-QLDA ngày 1-2-2018 của Cục Quản lý hoạt động xây dựng (Bộ Xây dựng), dự án thuộc công trình dân dụng cấp 1, do Công ty Cổ phần xây dựng dân dụng số 1 Đồng Nai làm chủ đầu tư, có tổng mức vốn đầu tư dự kiến 679 tỷ đồng, thời gian thực hiện từ năm 2016 đến 2022.

Theo đó, nơi đây có ba khối công trình được ký hiệu lần lượt là: A, B, C. Dự án bề thế tọa lạc ở vị trí được nhiều người xem là “đất vàng”, trên một trong những tuyến đường sầm uất bậc nhất Biên Hòa. Trong đó, Khu A là trung tâm hội nghị tổ chức sự kiện, có quy mô bốn tầng lầu và một tầng hầm, diện tích xây dựng khoảng 3.500 m2. Công trình đã đưa vào sử dụng từ năm 2017, nhưng qua kiểm tra cơ quan chức năng phát hiện chưa có giấy phép xây dựng theo quy định.

Khu B được thiết kế làm trung tâm thương mại dịch vụ, dự kiến xây dựng năm tầng và một tầng hầm. Thời điểm này, tòa nhà chính đã đổ bê-tông cốt thép tầng 1, với diện tích xây dựng hơn 4.300 m2 và cũng giống như khu A, chưa hề có giấy phép.

Còn Khu C có công năng làm văn phòng kết hợp căn hộ cao cấp được quy hoạch từ 12 đến 14 tầng lầu và hai tầng hầm, tổng diện tích sàn xây dựng lên đến hơn 69.000 m2. Hiện ở đây tồn tại nhà hàng EROS PALACE, diện tích hơn 2.200 m2, được Sở Xây dựng Đồng Nai cấp giấy phép xây dựng tạm số 09/GPXDT ngày 5-9-2013, trong đó ràng buộc điều kiện chủ đầu tư cam kết tự tháo dỡ khi cần thiết, không yêu cầu bồi hoàn.

Sau khi các cơ quan chức năng tỉnh Đồng Nai và TP Biên Hòa kiểm tra, phát hiện công trình sai phạm khi xây dựng chưa có giấy phép, thừa ủy quyền của Chủ tịch UBND TP Biên Hòa, ông Nguyễn Tấn Long, thời điểm đó là Phó Chủ tịch UBND TP Biên Hòa đã ra hai quyết định xử phạt vi phạm hành chính.

Cụ thể, tại quyết định xử phạt số 3628/QĐ-XPVPHC ngày 16-8-2017 đối với Khu A và Quyết định số 2090/QĐ-XPVPHC ngày 2-5-2018 đối với Khu B. Cả hai quyết định xử phạt vi phạm hành chính mỗi công trình số tiền 40 triệu đồng và yêu cầu ngưng thi công; trong vòng 60 ngày nếu chủ đầu tư không xuất trình được giấy phép xây dựng do cơ quan có thẩm quyền cấp phép thì áp dụng biện pháp cưỡng chế tháo dỡ.

Qua kiểm tra hiện trạng và hồ sơ dự án, Sở Xây dựng Đồng Nai đã có tờ trình số 3668/SXD-TTr ngày 9-8-2018, gửi UBND tỉnh Đồng Nai đề nghị chỉ đạo UBND TP Biên Hòa kiểm điểm, rút kinh nghiệm khi để tồn tại công trình xây dựng không phép trên địa bàn trong thời gian dài mà không xử lý triệt để. Đồng thời, khẩn trương tổ chức cưỡng chế, tháo dỡ công trình vi phạm, không để tạo ra tiền lệ xấu tại địa phương. Trường hợp xem xét cho công trình vi phạm được tồn tại, phải bảo đảm yêu cầu theo quy định và phải ban hành quyết định buộc chủ đầu tư nộp lại số lợi bất hợp pháp đối với công trình vi phạm, nếu công trình vi phạm phù hợp với quy định tại khoản 2, Điều 79, Nghị định 139/2017/NĐ-CP của Chính phủ.

Tiếp đó, ngày 30-8, UBND tỉnh Đồng Nai có văn bản 9205/UBND-CNN, trong đó yêu cầu UBND TP Biên Hòa khẩn trương cưỡng chế tháo dỡ công trình vi phạm, không để tồn tại công trình hoặc xem xét cho công trình vi phạm được phép tồn tại khi các hạng mục công trình phải bảo đảm tiêu chí theo quy định. Văn bản của UBND tỉnh cũng yêu cầu chủ đầu tư nghiêm túc chấp hành quyết định xử phạt của UBND TP Biên Hòa và khẩn trương hoàn thiện thủ tục pháp lý dự án làm cơ sở để tiếp tục triển khai theo quy định.

Cùng ngày, UBND tỉnh Đồng Nai ban hành văn bản số 9222/UBND-KT chấp thuận ý kiến tham mưu của Sở Công thương tại văn bản số 2820/SCT-TM ngày 31-7. Theo đó, không bổ sung quy hoạch ngành thương mại đối với công trình trung tâm thương mại của Công ty Cổ phần xây dựng dân dụng số 1 Đồng Nai, với lý do khu vực trên nằm gần Trung tâm thương mại Big C Tân Hiệp và Chợ truyền thống Tân Hiệp hiện hữu.

Đến ngày 16-10, UBND TP Biên Hòa đã ban hành quyết định số 4657/QĐ–XPVPHC cưỡng chế buộc thực hiện khắc phục hậu quả là tháo dỡ toàn bộ công trình vi phạm đối với khu B.

Công trình Khu A đã đưa vào sử dụng từ năm 2017 nhưng chưa có giấy phép xây dựng.

Liệu có lặp lại tình trạng hợp thức hóa sai phạm?

Theo Sở Xây dựng Đồng Nai, công trình Khu A thuộc dự án trên đưa vào sử dụng trước ngày 15-1-2018, thời điểm Nghị định 139/2017 của Chính phủ có liệu lực (quy định nếu công trình vi phạm phù hợp với quy hoạch xây dựng được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt thì xử lý theo quy định tại khoản 9 điều 13 Nghị định 121/2013/ NĐ-CP, nếu công trình vi phạm không phù hợp quy hoạch xây dựng thì buộc tháo dỡ công trình vi phạm). Như vậy, đối với trường hợp này, ngoài việc xử phạt vi phạm hành chính, còn bị buộc nộp lại số lợi bất hợp pháp có được bằng 50% giá trị phần công trình xây dựng không phép. Sau khi nộp phạt, cơ quan quản lý nhà nước có thể xem xét việc cho tồn tại công trình hay không.

Đối với công trình Khu B, ngay sau khi bị các cơ quan chức năng phát hiện xây dựng không phép và ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính, buộc tháo dỡ toàn bộ, chủ đầu tư đã ngưng thi công và tiến hành hoàn thiện thủ tục pháp lý. Ngày 25-10-2018, chủ đầu tư đã nộp hồ sơ đề nghị xin cấp giấy phép xây dựng Khu B, nhưng lúc này, Sở Xây dựng Đồng Nai nhận thấy không thể tự quyết định vấn đề vì đơn vị đầu tư đã xây dựng trước phần móng và cột bê-tông tầng 1 của công trình.

Do đó, ngày 20-11, Sở Xây dựng có văn bản 5659/SXD-QLXD gửi UBND tỉnh Đồng Nai xin ý kiến chỉ đạo liên quan đến việc cấp giấy phép xây dựng công trình Khu B. Theo thông tin mới nhất từ Sở Xây dựng Đồng Nai, đến nay, chủ đầu tư đã hoàn thành thủ tục pháp lý và cơ bản đáp ứng đủ điều kiện cấp giấy phép xây dựng theo đúng quy định pháp luật hiện hành.

Tuy nhiên, tại văn bản số 9222/UBND-KT, UBND tỉnh Đồng Nai không bổ sung ngành thương mại đối với dự án này. Vì vậy, để có câu trả lời rõ ràng cho chủ đầu tư, Sở Xây dựng đề nghị UBND tỉnh có ý kiến chỉ đạo chấp thuận hoặc không chấp thuận để đơn vị này căn cứ vào đó xử lý hồ sơ xin cấp giấy phép xây dựng đối với công trình trên.

Văn bản của Sở Xây dựng Đồng Nai lập luận, trong trường hợp UBND tỉnh chấp thuận cho cấp giấy phép thì đề nghị cho phép đối với công trình đã thi công phần móng, cột tầng 1 được tồn tại khi công trình bảo đảm phù hợp với giấy phép xây dựng được cấp và sau khi UBND TP Biên Hòa ban hành quyết định buộc nộp lại số lợi bất hợp pháp chủ đầu tư thực hiện biện pháp xử phạt vi phạm hành chính.

Trường hợp UBND tỉnh không chấp thuận cho cấp giấy phép xây dựng thì đề nghị chỉ đạo các đơn vị liên quan rà soát điều chỉnh quy hoạch xây dựng, quy hoạch sử dụng đất tại vị trí khu đất thực hiện dự án; chỉ đạo UBND TP Biên Hòa thực hiện cưỡng chế tháo dỡ công trình vi phạm.

Để xử lý vụ việc trên, mới đây nhất, ngày 13-12, UBND tỉnh Đồng Nai đã ra thông báo số 13729/TB-UBND kết luận buổi làm việc của Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Văn Vĩnh, nghe báo cáo đầu tư xây dựng Trung tâm thương mại tại phường Tân Tiến của Công ty Cổ phần xây dựng dân dụng số 1 Đồng Nai.

Theo đó, giao Sở Kế hoạch và Đầu tư chủ trì cùng UBND TP Biên Hòa và các đơn vị liên quan rà soát các quy định của pháp luật về đầu tư có liên quan dự án; Sở Tài nguyên và Môi trường phối hợp chủ đầu tư, rà soát việc thực hiện các thủ tục về đất đai theo quy định; Sở Công thương làm việc với chủ đầu tư dự án để thống nhất về mục tiêu, loại hình đầu tư của dự án trung tâm thương mại, ưu tiên thu hút hàng hóa và dịch vụ cao cấp.

Cũng trong nội dung thông báo, lãnh đạo UBND tỉnh Đồng Nai đề nghị chủ đầu tư, chủ động cung cấp đủ hồ sơ có liên quan đến dự án, gửi các sở ngành hữu quan; đồng thời thuê đơn vị có đủ năng lực theo quy định của nhà nước tiến hành giám định chất lượng đối với phần công trình đã xây dựng thực tế. Tất cả phải được báo cáo, đề xuất gửi về Sở Xây dựng trong tháng 12-2018, để đơn vị này tham mưu UBND tỉnh xem xét trước ngày 15-1-2019.

Nhân Dân điện tử sẽ tiếp tục theo dõi, thông tin về vụ việc này.

Đại biểu Quốc hội đơn vị tỉnh Đồng Nai, Dương Trung Quốc từng phát biểu tại kỳ họp thứ sáu, Quốc hội khóa XIV: Tiền lệ phạt cho tồn tại không chỉ làm cho luật bị nhờn mà quan trọng hơn nữa là phá hoại bộ máy chính quyền của chúng ta. Điều này dẫn đến một hậu quả rất tai hại và nếu không được ngăn chặn sớm thì sẽ đến một lúc nào đó chúng ta không có đủ khả năng để xử lý.

https://batdongsan.petrotimes.vn/

nhandan.com.vn

Nguồn PetroTimes: https://batdongsan.petrotimes.vn/cong-trinh-hang-tram-ty-khong-phep-moc-tren-dat-vang-552801.html