Công trình nghệ thuật giàu ý nghĩa mừng 100 năm sân khấu Cải lương

Sau khi công diễn ở TP Hồ Chí Minh và Long An, ngày 27-5, vở Cải lương 'Thầy Ba Đợi' đã ra mắt tại Nhà hát Lớn trong sự đón nhận nồng nhiệt của khán giả thủ đô.

Các đồng chí: Phạm Minh Chính, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Tổ chức Trung ương; Hồ Đức Phớc, Ủy viên Trung ương Đảng, Tổng kiểm toán Nhà nước; Nguyễn Đức Chung, Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch UBND TP Hà Nội; Nguyễn Thế Kỷ, Ủy viên Trung ương Đảng, Tổng giám đốc Đài Tiếng nói Việt Nam, Chủ tịch Hội đồng Lý luận, Phê bình Văn học Nghệ thuật Trung ương, tác giả kịch bản văn học tác phẩm “Thầy Ba Đợi”; Hồ Quang Lợi, Phó Chủ tịch thường trực Hội Nhà báo Việt Nam; nhà thơ Trần Đăng Khoa, Phó Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam; đại diện lãnh đạo các ban, bộ, ngành, đoàn thể ở Trung ương và Thủ đô Hà Nội đã đến xem, chúc mừng, chia vui với các nghệ sĩ thực hiện vở diễn.

Cảnh trong vở “Thầy Ba Đợi” công diễn tại Hà Nội tối ngày 27-5.

Vở Cải lương “Thầy Ba Đợi” đã được công diễn tại TP Hồ Chí Minh và tỉnh Long An, được đông đảo công chúng đón nhận nồng nhiệt. Vở diễn xây dựng nên hình tượng nghệ thuật Thầy Ba Đợi, tức Nhạc quan, Nhạc sư yêu nước Nguyễn Quang Đại thời Nhà Nguyễn và các nhân vật, các sự kiện lịch sử đương thời.

Trên cơ sở tư liệu lịch sử - văn hóa khá ít ỏi, tác giả kịch bản, đạo diễn và ê kíp sáng tạo đã cố gắng lý giải và tái hiện con đường hình thành và phát triển của nghệ thuật Cải lương gắn liền với trang sử bi hùng của dân tộc tròn một thế kỷ trước.

Đó là quá trình tiếp thu, phát triển cội nguồn dân ca Bắc Bộ; gần hơn là nhã nhạc, lễ nhạc cung đình Huế, kết hợp với hát Bội, với dân ca Nam Bộ, hình thành nghệ thuật đờn ca tài tử Nam Bộ, rồi cải biến, cách tân, thành ca ra bộ, hát chập, kết hợp với nghệ thuật sân khấu Pháp để tạo nên một vở cải lương hoàn chỉnh. Đó cũng là khoảng thời gian đất nước ta rên xiết dưới ách đô hộ của thực dân Pháp, diễn ra quá trình đô thị hóa, sự xuất hiện tầng lớp thị dân, doanh nhân trong bối cảnh giao lưu kinh tế, văn hóa với phương Tây.

Ngay từ khi ra đời, nghệ thuật Cải lương đã mang tính dân tộc sâu sắc, nhân văn, mềm dẻo, năng động, có sự cách tân và độ mở cao. 100 năm qua, nghệ thuật Cải lương đã đồng hành cùng dân tộc, góp phần bồi đắp lòng yêu nước, ý chí độc lập, tự do, giải phóng dân tộc, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Tuy nhiên, hiện nay, không phải ai cũng hiểu đúng và đầy đủ ý nghĩa của sân khấu Cải lương, thậm chí có người còn hiểu sai, hiểu theo nghĩa tiêu cực.

Vở cải lương “Thầy Ba Đợi” lần đầu tiên quy tụ được hơn 60 nghệ sỹ xuất sắc của cả ba miền Nam - Trung - Bắc, nòng cốt là Nhà hát Cải lương Việt Nam và Nhà hát Cải lương Trần Hữu Trang. Sự kết hợp ấy hoàn toàn không phải là phép cộng ngẫu nhiên, mà chủ đích là khẳng định sự thống nhất, đoàn kết và đa dạng của văn hóa Việt; là quá trình thiên di, mở cõi, bồi đắp văn hiến dân tộc của các bậc tiền nhân.

“Thầy Ba Đợi” lấy bối cảnh Việt Nam từ năm 1888, khi vua Hàm Nghi bị Pháp đày sang châu Phi và Nhạc sư Nguyễn Quang Đại được vua giao sứ mệnh giữ gìn nhã nhạc cung đình Huế. Mang theo di sản quý bôn ba vào Nam, Nhạc sư vừa phải trốn tránh sự truy lùng của giặc Pháp, vừa mở lớp truyền bá âm nhạc dân tộc.

Ông được Ái Hoa (nghệ sĩ ưu tú Quế Trân thủ vai) - ái nữ của tổng đốc Đại Phong cứu giúp và đưa về dinh phủ ẩn náu. Tình yêu của đôi trai tài gái sắc nảy nở. Nhưng, vì tông tích của Nhạc sư tài hoa bị bại lộ, Ái Hoa chấp nhận hy sinh bản thân, về làm vợ một công tử ngông cuồng với điều kiện hắn không làm gì hại đến người yêu. Nhạc sư Quang Đại sau đó trở thành Thầy Ba Đợi, tiếp tục xuôi về Cần Đước, Long An. Ái Hoa ở lại gánh chịu nỗi đắng cay và kết thúc cuộc đời bằng cái chết tức tưởi…

Không chỉ miệt mài truyền bá âm nhạc dân tộc, Thầy Ba Đợi còn từng bước "dân dã hóa" âm nhạc cung đình Huế, kết hợp với dân ca Nam Bộ, sáng tác, cải biên, hệ thống hóa để tạo thành âm nhạc tài tử - linh hồn của âm nhạc Cải lương. Khá nhiều những bài bản tài tử mà ông có công hệ thống lại đã được chuyển tải đến khán giả trong vở diễn này.

Vở cải lương “Thầy Ba Đợi” do PGS.TS Nguyễn Thế Kỷ viết kịch bản văn học, soạn giả Hoàng Song Việt, Phạm Văn Đằng chuyển thể cải lương, NSƯT Triệu Trung Kiên, Lê Trung Thảo đạo diễn, NSƯT Doãn Bằng thiết kế mỹ thuật, NSND Trọng Đài sáng tác âm nhạc, NSND Trần Ngọc giàu chỉ đạo nghệ thuật, NSƯT Nguyễn Xuân Vinh chủ nhiệm công trình.

Vở diễn là công trình chào mừng sự kiện 100 năm sân khấu Cải lương và là hoạt động bên lề của cuộc hội thảo khoa học toàn quốc “Một thế kỷ hình thành, phát triển nghệ thuật Cải lương ở Việt Nam (1918-2018) – Những vấn đề đặt ra, định hướng và giải pháp phát triển”.

Hội thảo là hoạt động khoa học thiết thực kỷ niệm 100 năm hình thành và phát triển nghệ thuật Cải lương do Đài Tiếng nói Việt Nam, Hội đồng Lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật Trung ương, Hội Nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam và lãnh đạo một số địa phương phối hợp tổ chức một tháng trước tại TP Hồ Chí Minh.

Thu hút sự quan tâm của đông đảo đảo người làm nghiên cứu, lý luận cùng các đạo diễn, diễn viên, nghệ sỹ sân khấu cải lương, tại hội thảo, các đại biểu đã bám sát thực tiễn, phân tích, chỉ ra những vấn đề nổi bật trong lịch sử 100 năm hình thành, phát triển; những đóng góp to lớn trên nhiều phương diện của nghệ thuật Cải lương đối với văn hóa nước nhà, đồng thời đề xuất định hướng, biện pháp nhằm bảo tồn, phát triển bộ môn nghệ thuật này.

Như PGS.TS Nguyễn Thế Kỷ phát biểu tổng kết tại hội thảo thì kết quả hội thảo sẽ cung cấp thêm những cơ sở khoa học để góp phần tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết 23 của Bộ Chính trị (khóa X) về “Tiếp tục xây dựng và phát triển văn học, nghệ thuật trong thời kỳ mới”; là căn cứ để Hội đồng Lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật Trung ương và các cơ quan liên quan khác tham mưu, tư vấn cho Đảng, Nhà nước tiếp tục có những quyết sách đúng và trúng trong lãnh đạo, chỉ đạo phát triển các loại hình nghệ thuật truyền thống, trong đó có nghệ thuật Cải lương.

Theo kế hoạch, vở “Thầy Ba Đợi” sẽ vinh dự được diễn phục vụ các Đại biểu Quốc hội tham dự kỳ họp thứ 5, khóa 14 vào đêm 28-5 tại Nhà hát Lớn, Hà Nội.

Ngọc Nguyễn

Nguồn CAND: http://cand.com.vn/tieu-diem-van-hoa/cong-trinh-nghe-thuat-giau-y-nghia-mung-100-nam-san-khau-cai-luong-492930/