Công trình nước tiền tỷ đắp chiếu: Quảng Trị giải thích nóng

Các công trình sau khi được xây dựng đều được bàn giao cho UBND xã quản lý, mà việc bảo trì tại địa phương lại đang rất kém.

Trách nhiệm chính thuộc UBND xã

Theo phản ánh của nhiều hộ dân tại thôn Lê Xá, xã Vĩnh Sơn, huyện Vĩnh Linh, tỉnh Quảng Trị thì người dân tại đây đang phải đối diện với cảnh thiếu nước sạch, trong khi các công trình nước tiền tỷ lại bỏ hoang.

Về vấn đề trên, trao đổi với Đất Việt, ông Võ Văn Hưng - Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Quảng Trị cho biết: "Việc này trong buổi tiếp xúc cử tri mới đây, chúng tôi đã trả lời rõ ràng, thực tế câu chuyện này cũng có nhiều vấn đề nhưng việc duy tu, bảo dưỡng, quản lý sau đầu tư mới là điểm yếu quan trọng nhất.

Hơn nữa, khi bàn giao lại cho chính quyền địa phương, cụ thể là UBND xã thì vẫn chưa có kinh nghiệm nên duy tu, bảo dưỡng kém.

Đặc biệt, những việc kêu gọi tập huấn, nâng cao năng lực quản lý cho địa phương vẫn còn lỏng lẻo nên cần phải làm chặt chẽ, thường xuyên hơn".

Người dân bỏ tiền lắp đạt ống dẫn nước sạch nhưng được một thời gian thì nước ngừng chảy. Ảnh Dân Trí

Trong khi đó, ông Hoàng Đức Duy - Giám đốc Trung tâm Nước sạch và Vệ sinh môi trường nông thôn -đơn vị xây dựng 2 công trình cấp nước cho biết: "Có rất nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng này nhưng khâu vận hành quản lý sau khi nhận bàn giao của địa phương là chính, chủ yếu không có nguồn thu, không đủ chi phí để bảo dưỡng tiếp.

Cụ thể ở đây là xã Vĩnh Sơn nguồn thu không đủ để bảo trì, mà các công trình thường gặp tình trạng này, nên trách nhiệm chính là UBND xã.

Sau khi bàn giao chúng tôi có tổ chức một lớp tập huấn công tác vận hành duy tu, bảo dưỡng công trình, hướng dẫn xây dựng. Trong quá trình bàn giao, sau 1 năm nếu công trình hỏng do sai sót thuộc về kỹ thuật thi công, chủ đầu tư gây ra thì chúng tôi sẽ đảm bảo sửa chữa theo quy định.

Nhưng về nguyên tắc sau khi tiếp nhận, khai thác xã phải thu tiền nước, đơn giá tiền nước cũng được hướng dẫn xây dựng và thống nhất thu trong khu dân cư. Khoản tiền thu được dùng để trả tiền điện, mua chất xử lý nước, trả lương cho người vận hành, quản lý công trình, tiết kiệm lại một phần để nếu có hỏng hóc thì sẽ sử dụng.

Thế nhưng, một số địa phương quản lý chưa tốt, một số địa bàn dân nghèo không trả đủ tiền theo quy định, cho nên, tiền tích lũy sửa sang không có, hệ thống cấp nước liên hoàn chứ không phải hỏng phần này thì phần khác vẫn dùng được, đã hỏng là toàn bộ không sử dụng được.

Đây chính là nguyên nhân dẫn đến việc công trình cấp nước ở các địa phương không hiệu quả".

Trước thông tin, trên địa bàn tỉnh Quảng Trị hiện có 202 công trình cấp nước nông thôn nhưng có đến 99 công trình trong tình trạng hoạt động kém hiệu quả hoặc không hoạt động, ông Duy giải thích, đây là công việc hàng năm tỉnh phải làm, các tỉnh khác cũng như vậy.

Về quy mô công trình cấp nước nông thôn có rất nhiều loại, có công trình lớn, nhưng cũng có công trình chỉ phục vụ 15-17 hộ dân.

Đánh giá hoạt động kém hiệu quả cũng sẽ chỉ chấm điểm dựa trên yếu tố như quy định có Ban quản lý hay không? Ban quản lý hoat động có hiệu quả hay không, thất thoát nước bao nhiêu %, công trình công suất đạt thiết kế hay không? Cộng lại các điểm đó sẽ đánh giá công trình bền vững hoặc kém hiệu quả, nhưng phải nói rõ kém hiệu quả chứ không phải không hoạt động.

Hơn nữa, do đặc điểm các công trình cấp nước nông thôn ở Quảng Trị, các tỉnh khác miền Trung quy mô quá nhỏ, chỉ 3-5 hộ/công trình, nên thường bàn giao cho cụm dân cư tự quản lý.

Về đơn vị đầu tư thì rất nhiều tổ chức, đơn vị khác nhau, ví dụ công trình 134, 135, Ban dân tộc miền núi, các dự án xóa đói giảm nghèo, các tổ chức phi chính phủ, thậm chí một số mạnh thường quân từ nước ngoài về.

"Không phải 202 công trình đều do Sở NN-PTNT đầu tư, chỉ chiếm chưa đến 20% tổng số công trình.

Trong 202 công trình thì chỉ có 1-2 công trình do doanh nghiệp quản lý, đấu nối với hệ thống cấp nước thành phố, nhà máy nước quản lý, hoạt động rất bền vững, các công trình còn lại dân quản lý. Thường các công trình dân quản lý thì tính bền vững không cao vì không có kinh nghiệm.

Chúng tôi cũng có đề xuất là sau này có làm công trình cấp thoát nước quy mô lớn, liên xã, vài nghìn hộ dân cùng dùng một hệ thống, thì sẽ bền vững hơn", ông Duy khẳng định.

Xã khẳng định do thiết bị vận hành hỏng

Trong một diễn biến liên quan, chia sẻ với báo chí, ông Thân Trọng Dũng - Chủ tịch UBND xã Vĩnh Sơn lại cho biết, cả hai công trình nước tại thôn Lê Xá do Trung tâm nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn (Sở NN-PTNT tỉnh Quảng Trị) đầu tư để cấp nước cho khoảng 274 hộ.

Ban đầu, nước từ công trình này cũng được đấu nối về Trạm Y tế xã, UBND xã và 1 trường học.

“Lúc mới đưa vào sử dụng, người dân đóng tiền đối ứng để lắp đặt hệ thống dẫn nước, đồng hồ. Tuy nhiên, được vài năm thì các công trình này ngừng hoạt động. Một công trình có dấu hiệu bị bồi lấp, công trình còn lại do thiết bị vận hành bị hỏng”, ông Dũng nói.

Trước tình trạng này, cử tri đã nhiều lần kiến nghị lên xã, UBND xã cũng đề xuất lên trên nhưng chưa có phương án.

Ông Thân Trọng Dũng cho rằng, mấy năm nay vấn đề nước sạch rất cấp bách. Nhiều hộ dân phải sử dụng nước nhiễm phèn, nhiễm chì, tiềm ẩn nhiều nguy cơ mắc bệnh.

Ngoài 2 công trình tại xã Vĩnh Sơn, trên địa bàn huyện Vĩnh Linh còn có 3 công trình cấp nước tại xã Vĩnh Long, Vĩnh Thành, Vĩnh Hiền không hoạt động.

Châu An

Nguồn Đất Việt: http://baodatviet.vn/chinh-tri-xa-hoi/tin-tuc-thoi-su/cong-trinh-nuoc-tien-ty-dap-chieu-quang-tri-giai-thich-nong-3357627/