​Công trình tháp B3 tại Mỹ Sơn(Quảng Nam): Đe dọa đổ sập bất cứ lúc nào

VH- Cục Di sản văn hóa (Bộ VHTTDL) đã có công văn phản hồi Sở VHTTDL Quảng Nam về việc chống xuống cấp tháp B3 tại Khu đền tháp Mỹ Sơn.

Tháp B3 hướng nghiêng ra suối

Tháp B3 ngày càng nghiêng lún

Theo đó, yêu cầu Sở VHTTDL phối hợp với BQL Mỹ Sơn tiến hành chống đỡ tạm thời di tích tháp B3, khẩn trương lập hồ sơ, đề xuất giải pháp gia cố, chống xuống cấp di tích để báo cáo UBND tỉnh Quảng Nam và Bộ VHTTDL xem xét, cho phép triển khai thực hiện sớm (trước mùa mưa bão).

Được biết, trước đó ông Phan Hộ, Giám đốc BQL Mỹ Sơn đã có công văn đề nghị Sở VHTTDL Quảng Nam xem xét và trình các cơ quan chức năng có giải pháp chống đỡ cấp thiết tháp B3 nhằm tránh nguy cơ sụp đổ và bảo vệ di tích trước khi xây dựng Dự án bảo tồn cấp thiết tháp B3 theo quy định. Tháp B3 có chiều cao là 9m45, đế rộng 4m50, dài 5m30. Qua khảo sát hiện trạng do BQL Mỹ Sơn tiến hành vào tháng 3.2018 thì hiện công trình di tích này đang trong tình trạng xuống cấp nghiêm trọng. Đây là tháp có nguy cơ sụp đổ cao nhất trong quần thể các đền tháp tại Mỹ Sơn.

Cụ thể, toàn bộ thân tháp đang nghiêng 3 độ về hướng Tây – Nam (hướng ra suối Khe Thẻ), rạn nứt nhiều chỗ. Ở hai mặt tường phía Đông và Tây tháp có các vết nứt từ đỉnh đến móng công trình. Trong đó khe nứt rộng nhất 18cm, sâu nhất 1m20cm, dài nhất 6m, các đường nứt này tách đôi công trình, càng ngày càng rộng, có nơi thấy được ánh sáng xuyên qua tường. Phần thân tháp đang bị các côn trùng, thực vật, nấm mốc xâm hại. Phần tiền sảnh đã được gia cố trùng tu nhưng gạch nơi lối đi bị mòn, bong tróc làm cho hai trụ trang trí có nguy cơ ngã đổ, khung cửa nghiêng về mặt Tây Nam, đã bị gãy đôi. Phần mái tháp bị vẹo theo hướng ngược chiều kim đồng hồ, gạch trên đỉnh rơi tạo lỗ thông nơi đỉnh tháp khiến khi mưa gió lòng tháp bị đẫm nước.

Ông Nguyễn Công Khiết, Phó trưởng BQL DSVH Mỹ Sơn cho biết, đầu TK XX đến trước năm 1945, tháp B3 còn tương đối nguyên vẹn, chỉ mất đi phần đỉnh tháp. Giai đoạn từ 1945 đến nay, do tác động của thời gian và chiến tranh, phía Tây tường thân tháp bị bom đánh sập, công trình bị nứt và vỡ nhiều nơi, hư hại phần mái. Bên cạnh đó còn một số nguyên nhân, yếu tố tác động khiến B3 ngày càng xuống cấp nghiêm trọng như do địa tầng dưới tháp không vững và không ổn định; B3 nằm gần suối Khe Thẻ nên dễ nghiêng, mặt Tây và Nam giáp suối, mặt Đông và Bắc giáp tháp B1 và B4 nên lún không đều. Do B3 nằm cách lòng suối 9m, chịu sự tác động của thiên nhiên như lũ lụt, mưa gió hằng năm, độ ẩm cao, sinh vật thực vật gây hại bên trong lõi tường tháp.

Qua kết quả khảo sát những năm trước và mới đây nhất hồi tháng 3.2018 thì tháp B3 đang nằm trong tình trạng rất nguy hiểm, cần phải có biện pháp khẩn cấp chống đỡ, gia cố trùng tu. Ban quản lý cũng đề xuất một số biện pháp chống đỡ cấp thiết bên trong và bên ngoài tháp B3 nhằm tránh nguy cơ sụp đổ và bảo vệ di tích trước khi xây dựng Dự án bảo tồn cấp thiết tháp B3 theo quy định. Cụ thể như có biện pháp gia cố hệ móng công trình, địa tầng, nhất là phía tiếp giáp lòng suối. Gia cường, gia cố, trùng tu phần thân tháp và mái tháp; phần tiền sảnh, bậc cấp vào tháp. Xử lý phần mái giảm ẩm, ướt bên trong lòng tháp, côn trùng, sinh thực vật gây hại. Bên cạnh đó bảo trì các phần đã trùng tu. Có hệ thống thoát nước giảm ẩm ướt công trình.

Được biết, vào năm 1980, Dự án hợp tác trùng tu song phương giữa Việt Nam và Ba Lan do cố kiến trúc sư Kazimierz Kwiatkowski làm trưởng dự án được triển khai, các chuyên gia Ba Lan và Việt Nam đã trùng tu, gia cố tường phía Tây, mái tháp, một số vị trí trên thân tháp B3. Các giải pháp này phần nào giúp công trình đứng vững đến ngày nay, nhưng vẫn chưa ngăn chặn quá trình nghiêng lún và các khối tường tháp tách rời nhau. Năm 2004, trong quá trình thực hiện dự án cải tạo xung quanh vùng di tích Mỹ Sơn do Chính phủ Nhật hỗ trợ đã tiến hành khoan thăm dò địa chất chung quanh nhóm tháp B, C để nghiên cứu và tìm giải pháp cứu nguy cho tháp B3 đang nghiêng dần. Các chuyên gia Nhật phát hiện mạch nước ngầm từ suối Khe Thẻ (nhánh phía Tây) gây thấm và ảnh hưởng đến chân tháp B3.

Gần đây nhất, đợt mưa bão tháng 9.2013 làm cho tháp B3 còn nghiêng lún trầm trọng. Từ ngày 25.9 đến 14.10.2013, Viện Khoa học Công nghệ (Bộ Xây dựng) đã phối hợp với Ban quản lý Mỹ Sơn, Sở VHTTDL Quảng Nam tiến hành khảo sát nhằm lập phương án chống đỡ và xây dựng dự án bảo tồn cấp thiết tháp B3. Cụ thể đã tiến hành các công việc như đào thám sát tại cửa tháp B3, khoan thăm dò khảo sát tại các điểm B3, B5 và khe suối, dựng giàn giáo tại tháp B3 phục vụ cho việc chống đỡ… Bên cạnh đó cũng thực hiện các biện pháp cấp thiết để tạm thời cứu nguy để giữ cho tháp không ngã đổ trong khi chờ đợi một phương án bảo tồn hiệu quả như: Gia cố tháp bằng các vật đỡ, gia cố chân tháp bằng nhiều bao cát nhằm giảm thiểu tối đa chấn động phía chân tháp.

Tháp B3 được xây dựng vào cuối thế kỷ X, công trình có chức năng là nơi thờ thần Ganesha - con trai thần Shiva. Là một trong những công trình kiến trúc hiếm hoi, duy nhất còn giữ được dáng vẻ tiêu biểu cho phong cách Mỹ Sơn A1, chứa đựng giá trị lịch sử, kiến trúc, nghệ thuật rất cao.

KHÁNH CHI

Nguồn Báo Văn hóa: http://baovanhoa.vn/v%C4%83n-h%C3%B3a/c244ng-tr236nh-th225p-b3-t%E1%BA%A1i160m%E1%BB%B9-s%C6%A1nqu%E1%BA%A3ng-nam160%C4%91e-d%E1%BB%8Da-%C4%91%E1%BB%95-s%E1%BA%ADp-b%E1%BA%A5t-c%E1%BB%A9-l250c-n224o