Công trình vệ sinh ở trường học: Vừa thiếu vừa yếu

Hiện đã có 95-97% trường phổ thông và mầm non trong cả nước có nhà vệ sinh. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều trường ở nhiều địa phương thiếu nhà vệ sinh và tỷ lệ nhà vệ sinh chưa đạt chuẩn còn ở mức khá cao.

Theo thống kê, cả nước có 40% công trình vệ sinh ở trường mầm non chưa đạt chuẩn, bậc tiểu học ở mức 42,1%. Nhiều bậc phụ huynh tỏ rõ sự sốt ruột trước thực trạng hệ thống nhà vệ sinh trong các trường học, đặc biệt nhiều trường không có nhà vệ sinh. Ngoài việc phải ngồi học chật chội, nóng nực vào những ngày hè thì học sinh thường xuyên phải nhịn vệ sinh. Nỗi ám ảnh lớn nhất của các học sinh, đặc biệt là học sinh nữ chính là nhà vệ sinh quá bẩn, bốc mùi “khủng khiếp không thể tưởng tượng được. Nhà vệ sinh bẩn, bốc mùi hôi là thực trạng dễ thấy tại nhiều trường học.

Cũng chính vì thế, nhiều học sinh có xu hướng nhịn tiểu đợi đến khi về nhà. Điều này khiến các bậc phụ huynh lo lắng vì trẻ nhịn tiểu lâu sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe. Theo thông tin tại khoa Thận niệu, Bệnh viện Nhi đồng 2, TP.HCM, trung bình mỗi tuần có hàng chục trẻ em đến khám vì nhiễm trùng tiểu, trong đó ít nhất một nửa bệnh nhi phải nhập viện điều trị. Theo các bác sĩ ở đây, nguyên nhân chính khiến trẻ nhịn tiểu là nhà vệ sinh ở trường quá bẩn và tối, lại phải đi chung với nhiều người; giáo viên không cho đi vệ sinh trong giờ học nên các em đành nhịn, đợi đến khi về nhà mới dám đi.

Tại những nơi điều kiện kinh tế khó khăn hoặc vùng sâu vùng xa, ngay cả những cơ sở vật chất cần thiết còn thiếu thốn thì vấn đề này còn trở nên trầm trọng hơn, do việc có nhà vệ sinh hợp chuẩn dường như là một điều xa xỉ. Câu chuyện này không phải chỉ có ở những nơi khó khăn, vùng sâu, vùng xa, mà ngay các tỉnh, thành phố, đặc biệt ngay giữa các thành phố lớn cũng còn khá phổ biến. Theo đó, những khảo sát ngắn chỉ ra rằng tại một số trường ở Hà Nội và các tỉnh lân cận khác, phòng vệ sinh cho hiệu trưởng rất sạch sẽ nhưng nhà vệ sinh của học sinh lại không được quét dọn, bẩn và hôi.

 Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chủ trì phiên họp Chính phủ thường kỳ đã đề nghị các ban ngành quan tâm bảo đảm cơ sở vật chất trường học, ngay từ những việc rất cụ thể như khắc phục tình trạng nhà vệ sinh trường học bẩn thỉu, hôi hám.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chủ trì phiên họp Chính phủ thường kỳ đã đề nghị các ban ngành quan tâm bảo đảm cơ sở vật chất trường học, ngay từ những việc rất cụ thể như khắc phục tình trạng nhà vệ sinh trường học bẩn thỉu, hôi hám.

Thực trạng nhà vệ sinh bẩn, vừa vào cổng đã ngửi thấy mùi bể phốt cũng được nêu rõ. Thế nhưng cho đến nay, học sinh và giáo viên ở nhiều trường trên toàn quốc vẫn chịu cảnh nhà vệ sinh kém chất lượng, không đảm bảo an toàn dù đây là nơi phục vụ nhu cầu căn bản nhất của mỗi người. Dù đã có nhiều chỉ thị của Phó Thủ tướng về việc xây dựng nhà vệ sinh đạt chuẩn cho học sinh ở nội thành và nông thôn, thậm chí có nhiều chương trình đặt mục tiêu quốc gia về nhà vệ sinh và nước sạch cho học sinh, nhưng tình trạng nhà vệ sinh chưa đạt chuẩn để phục vụ học sinh vẫn chưa được cải thiện triệt để.

Có nhiều nguyên nhân dẫn tới nhà vệ sinh chưa đạt chuẩn, nhưng quan trọng là hầu như các công trình này đã làm từ cách đây quá lâu mà chưa được sửa chữa, dẫn đến xuống cấp, không đảm bảo tiêu chuẩn. Hệ thống nhà vệ sinh trường học vừa thiếu vừa bẩn. Ý thức giữ gìn vệ sinh của học sinh gần như không có. Thói quen “phóng uế bừa bãi” có vẻ như rất khó bỏ với nhiều người. Quan niệm về chất lượng giáo dục cần phải thay đổi. Thay vì đổ quá nhiều tiền của vào việc viết sách, cải tiến chương trình vượt quá xa nhu cầu, năng lực thực tế của học sinh thì nên dành sự quan tâm đáng kể cho cơ sở vật chất, cho những thứ sinh hoạt tối thiểu của học sinh ở trường.

Một thực tế có phần nực cười là đã có nhiều cha mẹ cho con “chạy trốn” trường công ngoài việc giảm tải kiến thức thì tiêu chí đầu tiên là nhiều trường ngoài công lập có hệ thống nhà vệ sinh rất sạch sẽ. Ngày 3/5, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chủ trì phiên họp Chính phủ thường kỳ đã đề nghị các ban ngành quan tâm bảo đảm cơ sở vật chất trường học, ngay từ những việc rất cụ thể như khắc phục tình trạng nhà vệ sinh trường học bẩn thỉu, hôi hám. Thủ tướng giao Bộ Giáo dục và Đào tạo trong dịp hè này phải phát động phong trào thi đua yêu nước trong cả nước nhằm huy động tất cả mọi nguồn lực để làm nhà vệ sinh và sửa chữa nhà vệ sinh ở các trường học. Không để tình trạng học sinh không dám uống nước và đi vệ sinh vì nhà vệ sinh quá bẩn.

Chương trình “Hợp sức vì vệ sinh trường học” đã được triển khai với mục tiêu hướng dẫn giữ gìn vệ sinh trường học cho phụ huynh và học sinh bằng cách xây dựng các nhà vệ sinh đạt chuẩn cho các trường tiểu học trên các tỉnh thành cả nước. Chương trình cũng nhằm góp phần tuyên truyền, phòng tránh các bệnh dịch nguy hiểm đang bùng phát, đặc biệt là những bệnh như tiêu chảy cấp, H5N1, tay - chân - miệng đang diễn biến phức tạp, từ đó bảo vệ sức khỏe của các em tốt hơn. Ngoài việc xây dựng các nhà vệ sinh mới đạt chuẩn, chiến dịch còn tập trung vào sửa chữa, cải tạo các nhà vệ sinh đang xuống cấp bằng cách thay bồn cầu, quét sơn, xây lại tường, dán pano, áp phích hướng dẫn người dùng ý thức trong việc làm sao để giữ môi trường vệ sinh toàn diện cả ở trường học.

Việc tổng rà soát, cải tạo và xây dựng toàn bộ nhà vệ sinh ở các trường bảo đảm theo tiêu chuẩn. Một đầu việc tưởng chừng nhỏ - là công trình phụ trong các hạng mục của trường học, nay được coi là nhiệm vụ chính của toàn ngành, với cùng nhận thức, mục tiêu bảo đảm sức khỏe để học sinh được phát triển toàn diện hơn./.

Huyền Thu

Nguồn Công Luận: http://congluan.vn/doi-song-xa-hoi/giao-duc/cong-trinh-ve-sinh-o-truong-hoc-vua-thieu-vua-yeu-36348