'Công trình xanh' từ dự án đô thị

Dự án Chương trình phát triển các đô thị loại II (các đô thị xanh) – dự án thành phần Thừa Thiên Huế (DA) đã và đang triển khai mang lại một 'bộ mặt' mới cho vùng đô thị, không chỉ từ việc chỉnh trang mà còn tạo không gian xanh, tránh lũ cho cộng đồng. Chủ đầu tư tiếp tục phối hợp hoàn thiện công tác giải phóng mặt bằng (GPMB) nhằm đẩy nhanh tiến độ các công trình còn lại.

Nhà tránh lũ cộng đồng phường Xuân Phú (TP. Huế) giúp cộng đồng ứng phó thiên tai

Hướng đến cộng đồng

DA gồm 52 công trình đã và đang thi công trên địa bàn TP. Huế và các địa phương. Ngoài mục tiêu chỉnh trang đô thị, tại dự án này, có một gói thầu khá “đặc biệt”. Đó là gói thầu số 40, thực hiện các công trình, phi công trình do cộng đồng các địa phương khởi xướng.

Cụ thể, gói thầu bao gồm xây dựng 4 nhà văn hóa, 3 không gian xanh (công viên), 6 đường kiệt bằng bê tông, 1 hệ thống điện chiếu sáng và đào tạo, tập huấn, trang cấp thiết bị phòng, chống thiên tai (PCTT) trên địa bàn 37 phường, xã thuộc địa phận TP. Huế do liên danh Công ty TNHH MTV Xây dựng và Môi trường Đô thị An Nhiên - Công ty cổ phần Xây lắp và Thương mại An Bảo thi công.

Sau một thời gian thi công, đến nay hạng mục công trình nhà tránh bão, tránh lũ kết hợp chức năng sinh hoạt cộng đồng và khu vực không gian xanh (công viên) ở khu vực 7, phường An Đông, TP. Huế với tổng mức đầu tư khoảng 4 tỷ đồng đã hoàn thiện và đưa vào sử dụng.

Nhà tránh bão, lũ với diện tích khuôn viên gần 400m2, trong đó khu vực tầng 1 có diện tích 156m2 dùng để bố trí không gian để xe máy, không gian vui chơi trẻ em và cầu thang. Tầng 2 có tổng diện tích là 172m2, xây dựng không gian cộng đồng và khu vệ sinh. Tại khu vực này bố trí hệ thống điện, thông gió, cấp nước, thoát nước trong nhà và các công trình phụ trợ phía ngoài.

Công viên với diện tích hơn 1.200m2, bao gồm chỗ nghỉ ngơi, đồng thời kết hợp khu vực dành không gian tập thể dục tăng cường sức khỏe, kết hợp bố trí các thiết bị tập thể dục ngoài trời 150m2. Không gian vui chơi trẻ em sân lát đá granite tạo nhám, bố trí các thiết bị xích đu, cầu trượt 138m2 và đường dạo nội bộ lát đá granite tạo nhám kết hợp gạch block có lỗ thoáng trồng cỏ 259m2. Ngoài ra, công viên còn bố trí cây xanh, thảm cỏ, bồn hoa, hệ thống điện chiếu sáng, các thiết bị tập thể dục ngoài trời, thiết bị vui chơi của trẻ.

Ông Ngô Văn Vân, một hộ dân khu vực 7, phường An Đông cho biết, nhiều năm qua, khu vực 7 và nhiều vùng lân cận luôn đối diện với tình trạng ngập lụt ở đô thị do nước lớn từ vùng thượng nguồn đổ về Cống Bạc trên, ra hói Vạn Vạn. Công tác di dời, tránh, trú luôn được chính quyền địa phương quan tâm. Từ khi xây dựng công trình tránh, trú bão lụt đến nay, đã phát huy hiệu quả qua trận lũ từ giữa tháng 11/2023 vừa qua. Công trình bố trí 2 tầng, xây dựng cao ráo là nơi tránh, trú an toàn cho người dân khi có thiên tai. Ngoài ra, tại khu vực nhà cộng đồng này còn được bố trí các phương tiện, thiết bị phục vụ công tác phòng, chống thiên tai và vệ sinh sau lụt bão giúp người dân di chuyển an toàn và khắc phục sau khi thiên tai xảy ra.

Ông Lê Thành Bắc, Phó Giám đốc Ban Quản lý Dự án (QLDA) Chương trình phát triển các đô thị loại II cho biết, hợp phần sáng kiến do cộng đồng khởi xướng trong khuôn khổ DA với mục tiêu hỗ trợ nhằm nâng cao hiệu quả, bền vững và công bằng cho sự phát triển các đô thị loại II ở Việt Nam; nâng cao năng lực cho cộng đồng chống chịu với biến đổi khí hậu nhằm giảm thiểu rủi ro thiên tai và tăng cường khả năng chống chịu của cộng đồng dễ bị tổn thương thông qua các biện pháp xây dựng công trình, phi công trình. Hợp phần được tài trợ với giá trị gần 47,2 tỷ đồng. Đến nay, Ban QLDA đã hoàn thành thủ tục nghiệm thu, bàn giao đưa vào sử dụng tất các hạng mục công trình.

Đẩy nhanh tiến độ

DA đầu tư 52 tiểu dự án trên địa bàn 19 phường thuộc địa phận TP. Huế và 1 tiểu dự án thuộc địa phận xã Phú Sơn, xã Dương Hòa, thị xã Hương Thủy.

Ở một số hạng mục công trình có mặt bằng “sạch”, chủ đầu tư đã xây dựng hoàn thiện, đưa vào sử dụng đảm bảo mục tiêu nhằm cải thiện và mở rộng mạng lưới giao thông, từng bước hoàn thiện đồng bộ cơ sở hạ tầng đô thị, tạo động lực cho phát triển đô thị, thúc đẩy phát triển kinh doanh thương mại dịch vụ và khai thác tiềm năng du lịch, tạo cảnh quan môi trường đô thị.

Dự án ảnh hưởng đến 2.972 hộ gia đình/tổ chức, trong đó 2.140 hộ ảnh hưởng về đất và 832 hộ ảnh hưởng về tài sản. Đến nay công tác GPMB vẫn còn nhiều vướng mắc, khó khăn, làm nhiều gói thầu “đứng hình”. Theo Ban QLDA, các khó khăn, vướng mắc và nguyên nhân chậm thi công chủ yếu do địa bàn GPMB rộng lớn, ảnh hưởng đến 19/36 phường thuộc TP. Huế, số hộ ảnh hưởng lớn với 2.972 hộ gia đình, tổ chức. Hiện tại DA đang triển khai 54 hạng mục công trình xây dựng trên địa bàn TP. Huế, ngoài 19 công trình không vướng GPMB, thì số còn lại đều đang tồn tại nhiều vướng mắc dẫn đến nhà thầu không có mặt bằng “sạch” để thi công.

Ông Võ Văn Việt, Giám đốc Ban QLDA cho biết, từ năm 2022, đơn vị đã đề xuất phương án thành lập tổ công tác thực hiện GPMB cho dự án để đẩy nhanh tiến độ thi công, tiến độ giải ngân, đảm bảo tiến độ thực hiện của dự án và đã được UBND tỉnh chấp thuận. Chủ đầu tư chỉ đạo nhà thầu cần tập trung thi công hoàn thành tất cả các hạng mục công việc đối với các vị trí không vướng mặt bằng, đủ hồ sơ thiết kế thi công và tăng cường máy móc, thiết bị, nhân công để đẩy nhanh tiến độ gói thầu.

Ban QLDA kiến nghị Sở KH&ĐT tham mưu UBND tỉnh chỉ đạo các đơn vị liên quan sớm đẩy nhanh công tác bồi thường, GPMB theo các kiến nghị chi tiết ở các hạng mục, trong đó chú trọng 3 hạng mục hiện tiến độ thực hiện chưa đúng theo các thông báo kết luận của UBND tỉnh, gồm cầu Vỹ Dạ; đường Bùi Thị Xuân, Huyền Trân Công Chúa; nạo vét kè sông Kẻ Vạn, cải tạo sông Lấp... Đối với các hạng mục còn lại của các gói thầu khác, Ban QLDA đề nghị UBND TP. Huế chỉ đạo các đơn vị liên quan đẩy nhanh công tác GPMB để bàn giao cho đơn vị thi công triển khai đáp ứng tiến độ.

Ông Võ Văn Việt cho biết thêm: “Dự án sẽ kết thúc vào tháng 4/2024, nhưng hiện nay có nhiều gói thầu đang vướng, chủ đầu tư tiếp tục kiến nghị UBND TP. Huế chỉ đạo các đơn vị liên quan đẩy nhanh việc GPMB để bàn giao cho đơn vị thi công triển khai đáp ứng tiến độ. Đồng thời, Sở TN&MT cũng đã có văn bản gửi UBND tỉnh về việc rà soát quỹ đất tái định cư phục vụ GPMB cho dự án. Ban QLDA đã kiến nghị và đề xuất UBND tỉnh chỉ đạo các chủ đầu tư hạ tầng các khu đất sớm hoàn thành, bàn giao để thực hiện bố trí tái định cư, di dời GPMB.

Dự án đô thị xanh được UBND tỉnh phê duyệt Dự án đầu tư xây dựng tại Quyết định số 894/QĐ-UBND ngày 29/4/2016 với tổng mức đầu tư hơn 1.617 tỷ đồng, trong đó vốn nước ngoài là hơn 1.353 tỷ đồng, vốn đối ứng của tỉnh gần 264 tỷ đồng. Dự án gồm có 10 gói thầu xây lắp, đến nay, đã hoàn thành công tác lựa chọn nhà thầu 10 gói thầu, trong đó 2 gói thầu đã đưa vào sử dụng, 8 gói thầu đang triển khai thi công cả phía bắc và nam TP. Huế.

Bài, ảnh: HÀ NGUYÊN

Nguồn Thừa Thiên Huế: https://baothuathienhue.vn/kinh-te/nong-nghiep-nong-thon/cong-trinh-xanh-tu-du-an-do-thi-136513.html