Công ty bà Tư Hường đã sang tay cho người khác?

Tập đoàn Hoàn Cầu vốn gắn liền với tên tuổi đại gia Tư Hường và cũng là đại bản doanh triển khai các dự án đầu tư trên khắp cả nước đã không còn thuộc về gia đình bà Tư Hường.

Một năm trước khi mất, bà Tư Hường đã giao cho chồng bà toàn bộ số cổ phần của bà nhưng sau khi bà mất thì toàn bộ cổ phần này đã đột nhiên chuyển sang chủ sở hữu khác.

Theo thông tin cung cấp trên thị trường, Hoàn Cầu được thành lập năm 1993, với vốn điều lệ 193 tỉ đồng. Trước đó, vào năm 1992, bà Tư Hường đã xây dựng nên Ngân hàng Nam Á, một bệ đỡ về vốn cho các chiến lược phát triển kinh doanh của Hoàn Cầu.

Cuộc chuyển dịch lớn của Hoàn Cầu vào năm 2010 khi ký kết hợp tác với Tập Đoàn Deawoo – Hàn Quốc, thành lập Công ty TNHH liên doanh phát triển nhà DAEWON-HOÀN CẦU, xây dựng dự án chung cư cao cấp Cantavil Hoàn Cầu.

Đây là một bước tiến quan trọng trong việc phát triển thương hiệu và uy tín của Hoàn Cầu với đối tác trong và ngoài nước.

Theo đăng ký kinh doanh thay đổi lần 21 ngày 22-10-2012, Hoàn Cầu có vốn điều lệ 889 tỉ đồng. Lúc này, Hoàn Cầu có 3 thành viên góp vốn là ông Nguyễn Chấn (51,78%), bà Tư Hường (38,21%) và ông Nguyễn Quốc Toàn (10,1%), con của ông bà Tư Hường. Và ông Phan Đình Tân, một người ngoài gia đình làm Tổng giám đốc Hoàn Cầu, cơ cấu này không thay đổi đến năm 2016.

Trong năm 2016, Hoàn Cầu tăng vốn điều lệ lên 1.170 tỉ đồng, cơ cấu sở hữu biến động lớn. Bà Tư Hường không nắm giữ cổ phần và cổ phần ông Nguyễn Chấn tăng lên 89,99% vốn, số lượng này tương đương với cổ phần bà Tư Hường chuyển cho chồng.

Phần còn lại thuộc về các cá nhân cả trong và ngoài gia đình. Đó là ông Nguyễn Quốc Toàn đã giảm cổ phần từ 10,1% xuống còn 4,01%, nhưng phần giảm đi của ông Toàn đã thấy xuất hiện các tên là ông Nguyễn Quốc Cường, Phan Đình Tân và Nguyễn Thị Thanh Vân, mỗi người sở hữu 2%.

Đến tháng 7-2016, ông Phan Đình Tân không còn làm tổng giám đốc mà vị trí này thuộc về bà Nguyễn Thị Xuân Thủy. Nhưng đến tháng 12-2016, xuất hiện ông Nguyễn Quốc Cường giữ vị trí Chủ tịch Hội đồng thành viên kiêm Tổng giám đốc.

Đến tháng 5-2017, sau khi bà Tư Hường qua đời, Hoàn Cầu có những biến động lớn cả nhân sự và tỉ lệ sở hữu. Ông Phan Đình Tân trở lại giữ vị trí Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc của Hoàn Cầu.

Khi ông Nguyễn Quốc Cường mất các vị trí này vào tay ông Tân, số cổ phần 2% của ông được sang tên cho bà Nguyễn Thị Thanh Vân.

Đến tháng 11-2017, cơ cấu sở hữu đã có sự thay đổi khi toàn bộ cổ phần thuộc về ông Chấn và con trai ông đột nhiên được chuyển nhượng sang cho một cá nhân là ông Dương Tiến Dũng.

Lúc này, Hoàn Cầu chỉ còn 2 thành viên góp vốn là ông Dương Tiến Dũng (98%) và ông Phan Đình Tân (2%). Điều này có nghĩa toàn bộ gia đình bà Tư Hường đã không còn là chủ sở hữu Toàn Cầu.

Nhưng đến tháng 7-2018, phần vốn của ông Dương Tiến Dũng lại được sang tên cho ông Phan Đình Tân, ông Tân trở thành chủ sở hữu lớn nhất tại Hoàn Cầu với tỉ lệ sở hữu 99%. Số còn lại do bà Nguyễn Thị Liệu nắm giữ và sau đó được chuyển sang bà Nguyễn Tôn Nữ Như Hoàng vào tháng 12-2018.

Ông Phan Đình Tân là người gắn bó với bà Tư Hường từ khi thành lập Hoàn Cần lẫn Ngân hàng Nam Á. Ông là người giữ vị trí tổng giám đốc Hoàn Cầu lâu đời nhất và hiện là Phó chủ tịch Ngân hàng Nam Á.

Ông Nguyễn Chấn, chồng bà Tư Hường

Ông Nguyễn Chấn, chồng bà Tư Hường

Ngay sau khi ông Nguyễn Chấn là chồng nữ đại gia Tư Hường (đã qua đời) vừa tiết lộ về việc mất cắp khối tài sản có giá trị "khủng" lên tới 30.000 tỷ đồng, sáng 16-3 lãnh đạo ngân hàng Nam Á đã phát đi thông tin mới.

Tổng giám đốc Nam Á Bank, ông Trần Ngọc Tâm cho biết: Trong thời gian qua, trên các phương tiện truyền thông đại chúng đang có nhiều thông tin liên quan đến các tranh chấp cổ phần, cổ phiếu giữa các cổ đông của Nam Á Bank.

Bằng công văn này, chúng tôi khẳng định các tranh chấp vừa nêu (nếu có) hoàn toàn là các quan hệ dân sự giữa cổ đông, không liên quan đến hoạt động kinh doanh của Nam Á Bank – một công ty đại chúng hoạt động công khai, minh bạch và tuân thủ tuyệt đối các quy định pháp luật hiện hành.

"Quan hệ dân sự này không ảnh hưởng đến hoạt động của Nam Á Bank, lợi ích của khách hàng cũng như tình hình an ninh tiền tệ chung của hệ thống", ông Tâm nhấn mạnh.

Trước đó, ông Nguyễn Chấn (SN 1923, trú tại 141 Võ Văn Tần, phường 6, quận 3, TP.HCM) là chồng đại gia Trần Thị Hường (tên thường gọi là Tư Hường, đã mất năm 2017) khẳng định vợ chồng ông là người sáng lập Ngân hàng Nam Á (Nam Á Bank) và Tập đoàn Hoàn Cầu.

Ông Chấn cho biết: "Vợ chồng tôi có tài sản ước tính khoảng 30.000 tỷ đồng gồm cổ phiếu ngân hàng, cổ phần tại các công ty trong hệ thống Tập đoàn Hoàn Cầu, các khoản đầu tư vào doanh nghiệp dưới hình thức góp vốn, mua cổ phần”.

Tuy nhiên theo ông Chấn, khoảng 10h ngày 25-7-2018, nhiều người đột nhập bất hợp pháp vào nơi cư trú của ông tại 141 Võ Văn Tần, mở tủ két sắt của gia đình do tôi quản lý, lấy đi nhiều hồ sơ pháp lý, giấy tờ chứng minh tài sản của vợ chồng tôi.

"Tôi đã trình báo sự việc bị mất cắp các tài liệu trong két sắt lên Công an phường 6 quận 3, TP Hồ Chí Minh ngay sau đó", ông Chấn cho biết.

Phương Minh

Nguồn PLO: https://plo.vn/tai-chinh-ngan-hang/cong-ty-ba-tu-huong-da-sang-tay-cho-nguoi-khac-822620.html