Công ty châu Á gia nhập đường đua sản xuất vaccine chống Covid-19

Hai hãng dược ở Ấn Độ và Hàn Quốc chính thức tham gia cuộc chạy đua vaccine đang căng thẳng trên quy mô toàn thế giới.

Trong bối cảnh đại dịch Covid-19 lan rộng toàn cầu với hơn 16 triệu ca nhiễm và đã cướp đi sinh mạng của hơn 650.000 người, hai công ty dược phẩm ở châu Á đã sẵn sàng tiếp nhận vai trò chủ chốt trong cuộc chiến đẩy lùi đại dịch đang diễn biến phức tạp.

Viện nghiên cứu huyết thanh Ấn Độ và SK Bioscience của Hàn Quốc đã đạt thỏa thuận sản xuất vaccine phát triển bởi Đại học Oxford và Tập đoàn dược phẩm AstraZeneca của Anh.

Theo kết quả công bố trên tạp chí y khoa Lancet hôm 20/7, giai đoạn thử nghiệm đầu tiên của loại vaccine này trên 1077 người tham gia đã cho ra kết quả tích cực.

Cuộc chạy đua vaccine Covid-19 đang căng thẳng hơn bao giờ hết khi nhiều nơi đã đạt được những bước tiến đáng ghi nhận. Ảnh: South China Morning Post.

Vaccine được Đại học Oxford và Tập đoàn AstraZeneca phát triển được đánh giá cao trong cuộc chạy đua vaccine đang diễn ra hết sức trôi nổi trên toàn thế giới, cạnh tranh trực tiếp với vaccine phát triển bởi CanSino Biologics của Trung Quốc và vaccine được BioNTech của Đức phối hợp với Pfizer của Mỹ phối hợp điều chế.

Các nhà phát triển đặt mục tiêu sản xuất khoảng 2 tỷ liều mỗi năm trong trường hợp loại vaccine nói trên được chứng minh về mức độ hiệu quả và an toàn. AstraZeneca quyết định hợp tác với Viện nghiên cứu huyết thanh Ấn Độ và SK Bioscience để tăng cường hiệu năng sản xuất và xây dựng chuỗi cung ứng toàn cầu.

“Các cuộc thử nghiệm có kết quả hết sức khả quan, do đó chúng tôi sẽ sản xuất khoảng 60 đến 70 triệu liều/tháng, có thể lên đến 100 triệu liều vào thời gian tới. Tổng cộng, chúng tôi dự kiến sản xuất từ 300 đến 400 triệu liều trong năm nay”, Giám đốc điều hành Viện nghiên cứu huyết thanh là ông Adar Poonawalla chia sẻ với Nikkei Asian Review.

Ông Adar Poonawalla. Ảnh: Viện nghiên cứu huyết thanh Ấn Độ.

Tuy nhiên, ông Poonawalla cũng nói thêm rằng “khả năng tiếp cận và quản lý vaccine trên diện rộng có thể sẽ gặp nhiều khó khăn trong giai đoạn ban đầu”.

Hàng trăm nghìn người đã thiệt mạng vì đại dịch, đi kèm là nền kinh tế toàn cầu đang bị tàn phá khủng khiếp, các hoạt động đều bị đình trệ, do đó cả thế giới đang chờ đợi một loại vaccine có thể đưa mọi thứ trở lại trạng thái bình thường trong thời gian sớm nhất.

Các quốc gia phát triển như Mỹ, Trung Quốc hay Nhật Bản và các nước châu Âu đang chạy đua để đảm bảo người dân có thể tiếp cận nguồn vaccine ngay khi được điều chế thành công.

Tuy nhiên, một điều tối quan trọng không kém là phải thiết lập các cơ sở sản xuất vaccine số lượng lớn để cung cấp cho các quốc gia đang phát triển và không có tiềm lực tài chính mạnh.

“Chúng tôi sẽ hợp tác chặt chẽ với AstraZeneca để đảm bảo phân phối vaccine công bằng cho các quốc gia có thu nhập thấp và trung bình”, ông Poonawalla khẳng định.

Các chuyên gia tại Viện nghiên cứu huyết thanh Ấn Độ. Ảnh: Reuters

Viện nghiên cứu huyết thanh Ấn Độ trong quá khứ cũng từng hợp tác với Đại học Oxford sản xuất vaccine sốt rét.

Chuyên gia khoa học đời sống Utkarsh Palnitkar tin rằng năng lực của đội ngũ tại viện nghiên cứu huyết thanh vốn đã được chứng thực qua nhiều năm sẽ đem lại nhiều lợi thế cho quá trình phát triển và sản xuất loại vaccine lần này.

Tuy nhiên, về phía SK Bioscience, công ty Hàn Quốc này vẫn chưa thảo luận về quy mô sản xuất vaccine mà hãng sẽ đảm nhiệm.

Cổ phiếu của SK Chemicals - công ty sở hữu SK Bioscience - tăng mạnh sau khi thông tin hãng này thỏa thuận sản xuất vaccine Covid-19 được công bố. Giá cổ phiếu của họ tăng hơn 30% chỉ trong vài ngày.

Trong quá khứ, SK Bioscience từng phát triển thành công vaccine cho bệnh viêm dạ dày ở trẻ em, số thương hàn và ung thư cổ tử cung. Việc tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu cho vắc-xin Covid-19 sẽ thúc đẩy sự hiện diện của công ty trên toàn thế giới.

Đại Hoàng
Theo Nikkei Asian Review

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/cong-ty-chau-a-gia-nhap-duong-dua-san-xuat-vaccine-chong-covid-19-post1113028.html