Công ty CP Nước-Môi trường Bình Dương: Biến rác thải thành điện năng, sản phẩm hữu ích

Các chuyên gia về lĩnh vực môi trường đánh giá sản xuất điện từ rác tại khu Liên hợp xử lý chất thải ở Bình Dương là điểm sáng trên cả nước trong việc xử lý rác thải sinh hoạt, rác công nghiệp một cách bài bản, quy mô và hiện đại.

Biến rác thải thành các sản phẩm ống cống thoát nước, các loại phân bón phục vụ cho nông nghiệp, đặc biệt là điện năng... đây là những kết quả nổi bật trong nghiên cứu mang tính ứng dụng cao mà Công ty cổ phần Nước-Môi trường Bình Dương đã và đang nỗ lực thực hiện, góp phần mang lại một môi trường sống thân thiện, trong lành, tiết kiệm cho ngân sách xã hội.

Tạo sự khác biệt trong xử lý rác thải

Là một trong những địa phương thu hút đông đảo các dự án đầu tư nước ngoài nhất cả nước, đặc biệt là sự hình thành của các khu công nghiệp, một mặt góp phần giúp cho tình hình kinh tế, xã hội của địa phương ngày càng phát triển hơn, nhưng mặt khác cũng làm gia tăng lượng rác thải tại đây.

Trên thực tế, để giải quyết tình trạng rác thải gia tăng, nhiều địa phương phải quy hoạch đất để làm bãi chôn lấp rác và việc xử lý mùi hôi, nước rỉ rác là nỗi ám ảnh triền miên của ngành chức năng và cũng gây đau đầu cho những người đứng đầu ở các địa phương trong cả nước.

Thế nhưng, điều đó đối với tỉnh Bình Dương thì ngược lại. Rác thải sinh hoạt tại tỉnh này đã trở thành một nguồn nguyên liệu tốt để chế biến thành phân bón, thành gạch và đặc biệt là rác thành điện năng phục vụ nhu cầu sinh hoạt và sản xuất.

Ông Nguyễn Văn Thiền - Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần Nước-Môi trường Bình Dương (Biwase) cho rằng, chôn lấp phải không gây hại cho người khác, không lãng phí tài nguyên môi trường. Vì vậy, Công ty nghĩ ra cách ủ, không phải chôn, đồng thời giữ phát tán mùi rác, cũng như côn trùng bên trên nên cần phải che đậy lại bãi rác. Quá trình ủ rác như vậy rất tốn kém nên cần có cách thu hồi khí mêtan trong khu ủ đó để phát điện. Đây chính là lý do đã thôi thúc ông Thiền quyết tâm phải làm cho được dự án điện từ rác.

Theo ông Thiền, từ đầu năm 2004, Công ty đã được lãnh đạo tỉnh tin tưởng giao phụ trách nhiệm vụ tổ chức xử lý các loại rác trên địa bàn tỉnh. Tháng 11/2004, công ty đã khởi công xây dựng Khu Liên Hợp xử lý chất thải Bình Dương (tại phường Chánh Phú Hòa, thị xã Bến Cát) nhằm mở cửa tiếp nhận xử lý rác sinh hoạt của 4 huyện thị phía Nam Bình Dương nhằm giải tỏa những khó khăn trước mắt và trong quá trình hoạt động, công ty từng bước hoàn thiện công nghệ tái chế ngày càng cao, khoa học, hiệu quả.

Sau bao nhiêu năm vất vả miệt mài, đến nay Khu Liên hợp xử lý chất thải Bình Dương đã hoàn thành 2 giai đoạn với khối lượng mỗi ngày tiếp nhận 1.200 tấn rác sinh hoạt, 400 tấn rác công nghiệp, 200 tấn rác công nghiệp nguy hại và 3 tấn rác y tế. Thời gian tới khi Khu Liên hợp hoàn thiện đầy đủ theo quy hoạch thì có khả năng tiếp nhận và xử lý mỗi ngày khoảng 3.000 tấn rác sinh hoạt và hơn 1.000 tấn rác công nghiệp các loại.

Với nguồn vốn đầu tư có tổng giá trị tương đương 30,5 triệu USD và giá trị đất 100 ha cho cả 2 giai đoạn thực hiện dự án, Khu Liên hợp xử lý chất thải Bình Dương đã hoàn thành các hạng mục công nghệ tái chế, xử lý rác khá hiện đại. Để đáp ứng tốt hơn yêu cầu, nhiệm vụ được giao, từ năm 2016-2017, Công Biwase đã nỗ lực thực hiện thêm 02 dự án xử lý rác trong Khu liên hợp xử lý chất thải Bình Dương.

Hướng đến lợi ích của xã hội

Hiện nay, Khu liên hợp đó gồm: nhà máy tái chế rác sinh hoạt làm phân compost với công suất 840 tấn/ngày; lò đốt rác công nghiệp và công nghiệp nguy hại với công suất 320 tấn/ngày; lò đốt rác y tế công suất 3 tấn/ngày; hệ thống xử lý nước rỉ rác công suất 1.000 m3/ngày; xử lý nước thải công nghiệp 50m3/ngày; phát điện hơn 2.000 kW; tái chế tro, bùn thải sản xuất gạch tự chèn công suất 2.000 m2/ngày; tái chế bùn thải cấp nước công suất 100 tấn/ngày để sản xuất gạch xây dựng; các lò sấy bùn thải công nghiệp với công suất 100 tấn/ngày.

Đặc biệt, trong Khu Liên hợp xử lý chất thải Bình Dương nhờ áp dụng công nghệ tiến tiến của Phần Lan, khí biogas từ bãi rác đã được tận dụng dẫn qua hệ thống ống sau đó qua lò đốt làm cho máy phát điện chạy với công suất phát 2.000 kW, cung cấp gần 50% điện cho khu xử lý chất thải.

Theo đại diện Biwase, đây là công nghệ mới ở Việt Nam, Công ty phải kết hợp với nhà thầu chính để đào tạo đội ngũ cán bộ có thể vận hành hệ thống. Công ty hiện đã làm chủ công nghệ và hoàn toàn có thể thực hiện dự án phát điện tương tự. Còn về hiệu quả bước đầu cho thấy, qua hơn 6 tháng (từ tháng 1 đến tháng 7/2018) đưa vào sử dụng điện từ rác đã mang lại những kết quả thấy rõ. Đó là đã tiết kiệm chi phí điện năng khoảng 600 triệu đồng/tháng, rác phân hủy trong các bể ủ nhanh hơn.

Các chuyên gia trong về lĩnh vực môi trường đánh giá sản xuất điện từ rác tại khu Liên hợp xử lý chất thải ở Bình Dương là điểm sáng trên cả nước trong việc xử lý rác thải sinh hoạt, rác công nghiệp một cách bài bản, quy mô và hiện đại.

Tuy nhiên, để có được những thành quả như vừa qua, theo ông Thiền, đó là nhờ sự quan tâm, tạo điều kiện giúp đỡ của lãnh đạo tỉnh Bình Dương, sự ủng hộ của nhân dân, đặc biệt là nỗ lực đến từ chính các cán bộ, công nhân viên của nhà máy với tinh thần trách nhiệm cao, sự sáng tạo không đã tìm ra các phương án tái chế, xử lý rác hữu hiệu, tạo ra nhiều sản phẩm có ích cho xã hội, đem lại hiệu quả cao nhất trong xử lý môi trường, làm giảm thiểu ô nhiễm, vừa tạo ra những sản phẩm có ích cho xã hội, vừa tiết kiệm nguồn tài nguyên, góp phần làm cho ngành xử lý môi trường thêm nguồn sinh khí mới với giá thành xử lý khá cạnh tranh, phù hợp với tình hình tài chính của nhiều địa phương. “Công ty sẽ tích cực đổi mới, hiện đại hóa công nghệ hơn nữa để góp phần thực hiện tốt nhiệm vụ xử lý rác thải, đồng thời mang lại những lợi ích thiết thực cộng đồng, xã hội” - Nguyễn Văn Thiền - Chủ tịch Biwase nói.

Hữu Hiệp - Văn Hạ

Nguồn Công Lý: http://congly.vn/kinh-doanh/doanh-nghiep/cong-ty-cp-nuoc-moi-truong-binh-duong-bien-rac-thai-thanh-dien-nang-san-pham-huu-ich-262414.html