Công ty Điện lực Nghệ An: Thúc đẩy thanh toán điện tử

Trong nội dung thỏa thuận hợp tác với các đơn vị thu hộ tiền điện trên địa bàn Nghệ An quy định, với những khách hàng thường xuyên di chuyển, không thuận tiện giao dịch tại các điểm thu có thể chọn một trong nhiều giải pháp trả tiền điện hàng tháng.

Theo Công ty Điện lực Nghệ An, hình thức phổ biến là liên hệ ngân hàng để đăng ký dịch vụ trích nợ tự động tiền điện hàng tháng. Với hình thức này, khách hàng yên tâm vì được phía ngân hàng chủ động thanh toán đúng hạn và thông báo cho khách hàng sau khi thanh toán.

Phó giám đốc Công ty Điện lực Nghệ An Nguyễn Xuân Lợi phát biểu khai mạc hội nghị

Hiện nay, Công ty đã ký thỏa thuận hợp tác với 6 ngân hàng trên địa bàn là: Ngân hàng BIDV, Agribank, Vietcombank, Vietinbank, Techcombank, HDBank và các tổ chức trung gian thu hộ như ECPAY, Bưu điện Nghệ An, Viettel, Payool và qua trang web chăm sóc khách hàng của Tổng công ty Điện lực miền Bắc, để đa dạng hình thức thanh toán tiền điện không dùng tiền mặt. Khách hàng có thể thanh toán tiền điện dưới nhiều hình thức như: Trích nợ tự động, internet banking, SMS& Mobile banking, ví điện tử, thẻ ATM, ủy nhiệm chi, tiền mặt, hay qua trang web của trung tâm chăm sóc khách hàng...

Tuy nhiên, do việc thanh toán không dùng tiền mặt phải có tài khoản ngân hàng, đây cũng là một thách thức, vì người dân chưa sẵn sàng cho việc này. Bên cạnh đó, việc mở tài khoản cũng chưa thuận lợi, mặc dù một số ngân hàng đã tích cực cải

thiện loại hình này, song những lo ngại rủi ro về tính bảo mật khiến khách hàng e dè hoặc thận trọng trong việc thanh toán điện tử. Ngoài ra, chưa có sự đồng bộ trong việc cung cấp các dịch vụ thanh toán điện tử của từng ngân hàng và đối tác thanh toán trung gian (hạn chế việc liên kết thẻ ngân hàng với ví điện tử, hạn chế điểm nạp tiền cho ví điện tử...) nên nhiều dịch vụ thanh toán chưa tạo ra hiệu ứng tích cực cho việc thanh toán điện tử.

Mặc dù vậy, chúng ta đang bước vào thời kỳ Cách mạng công nghiệp 4.0, sự chuyển đổi số của các doanh nghiệp và đặc biệt ngân hàng cũng số hóa, nên các dịch vụ ngân hàng nói chung cũng dựa trên nền tảng số hóa hiện đại. Việc thanh toán không dùng tiền mặt đem lại nhiều lợi ích cho quốc gia cũng như doanh nghiệp và cá nhân: Giúp tiết kiệm chi phí và thời gian cho khách hàng; minh bạch hóa các giao dịch thanh toán trong nền kinh tế và thu nhập cá nhân trong xã hội; chống thất thu thuế; giúp đồng vốn luân chuyển nhanh hơn; giao dịch an toàn hơn; giảm chi phí quản lý, kiểm đếm, in ấn tiền mặt... Đối với người dân, thanh toán không dùng tiền mặt là một phương thức nhanh chóng, an toàn, tránh được các rủi ro phát sinh như tiền giả, trộm cắp... Đây cũng là động thái nhằm thực hiện Đề án của Chính phủ về phát triển thanh toán không dùng tiền mặt tại Việt Nam.

Song, để đảm bảo an toàn, Tổng công ty Điện lực miền Bắc khuyến cáo, khi phát hiện tổ chức, cá nhân treo biển quảng cáo, hoặc thông qua mạng xã hội như Facebook, zalo… quảng bá thu tiền điện trái với quy định khách hàng có thể gọi điện thông báo cho điện lực trên địa bàn hoặc qua tổng đài chăm sóc khách hàng 19006769 để ngăn chặn kịp thời.

Công ty Điện lực Nghệ An khuyến cáo: Khách hàng khi thực hiện thanh toán tiền điện chỉ thực hiện giao dịch thanh toán trực tiếp với ngân hàng qua tài khoản hoặc nộp tiền mặt tại các ngân hàng, tổ chức trung gian được đơn vị điện lực thông báo; không nộp tiền, chuyển tiền vào các tổ chức, cá nhân mà ngành điện không hợp tác thu hộ.

Hoàng Trinh

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/cong-ty-dien-luc-nghe-an-thuc-day-thanh-toan-dien-tu-129489.html