Công ty IDH là gì, có vai trò thế nào trong sản xuất smartphone?

Trong ngành công nghiệp sản xuất, các khái niệm như IDH, OEM, ODM... chỉ những đơn vị thực hiện những công đoạn khác nhau để hoàn thành một sản phẩm.

Ngành smartphone, giống như nhiều ngành sản xuất khác, giờ đây được chia thành nhiều công đoạn với các đơn vị phụ trách khác nhau. Một thương hiệu smartphone do đó có thể tự tay thực hiện một phần hoặc toàn bộ các công đoạn, và thuê ngoài các công đoạn còn lại.

Các công đoạn và yêu cầu khi sản xuất smartphone

Về cơ bản, để tạo ra một chiếc smartphone cần các công đoạn như sau:

Nghiên cứu, phát triển, thiết kế điện thoại: Trong quá trình này, nhà sản xuất sẽ phải nghiên cứu sản phẩm, tạo ra thiết kế của chiếc điện thoại, có thể là nghiên cứu cả các linh kiện phụ hợp cho điện thoại.

Sau quá trình nghiên cứu và phát triển, nhà sản xuất mới có thể đưa ra thiết kế hoàn chỉnh cho chiếc điện thoại. Họ có thể đăng ký bản quyền để sở hữu trí tuệ thiết kế này. Ảnh: Patently Apple.

Sau quá trình nghiên cứu và phát triển, nhà sản xuất mới có thể đưa ra thiết kế hoàn chỉnh cho chiếc điện thoại. Họ có thể đăng ký bản quyền để sở hữu trí tuệ thiết kế này. Ảnh: Patently Apple.

Cần lưu ý là quá trình thiết kế bao gồm nhiều bước như thiết kế kiểu dáng, thiết kế công nghiệp, thiết kế điện tử... để tạo thành một bản thiết kế hoàn chỉnh cho điện thoại.

Trong quá trình này, nhà sản xuất phải tính đến các yếu tố như nhu cầu của thị trường, sản phẩm cạnh tranh, các tính năng đặc biệt của điện thoại, độ khả thi của các thiết kế, giới hạn công nghệ... để đưa ra thiết kế hài hòa nhất cho thiết bị.

Sản xuất, lắp ráp điện thoại: Đây là quá trình chuyển đổi thiết kế của điện thoại thành sản phẩm thật sự. Đơn vị phụ trách khâu này sẽ thực hiện các trách nhiệm như tạo ra phần khung máy, gia công bo mạch, lắp ráp các linh kiện, đảm bảo điện thoại sản xuất ra đáp ứng các tiêu chuẩn công nghệ và cấp phép, tạo thành điện thoại hoàn chỉnh.

Một công ty có thể phụ trách một phần, hoặc toàn bộ các bước trong khâu sản xuất. Ví dụ, để chuyển từ một thiết kế bo mạch thành bảng mạch in (PCB) của điện thoại, nhà sản xuất sẽ phải lấy thiết kế, "in" lên các vật liệu đặc biệt, đôi khi bao gồm hơn 10 lớp để tạo thành bảng mạch.

Sau đó, họ sẽ dùng máy hàn bề mặt (SMT) để hàn linh kiện lên bảng mạch. Qua quá trình đó, chúng ta mới có được bản mạch dùng để lắp ráp vào điện thoại.

Công nhân lắp ráp sản phẩm tại nhà máy của Foxconn, đối tác sản xuất của nhiều thương hiệu lớn. Ảnh: Getty.

Phân phối sản phẩm: Sau khi đã có sản phẩm hoàn chỉnh, khâu cuối cùng là phân phối sản phẩm đến tay khách hàng cùng với các dịch vụ sau bán hàng. Tuy đã hết quá trình sản xuất, việc đưa sản phẩm đến tay khách hàng cũng phải trải qua nhiều bước như nghiên cứu thị trường, lựa chọn sản phẩm phù hợp, định giá, xây dựng kênh phân phối, kênh chăm sóc sau bán hàng...

Trong thực tế, quá trình từ phát triển sản phẩm đến khâu bán hàng có thể không thực sự tách biệt như đã nói ở trên. Quá trình thiết kế sẽ liên tục cần tới nhà sản xuất để có sản phẩm mẫu, nhằm cải thiện thiết kế qua nhiều phiên bản. Quyết định kinh doanh cũng phụ thuộc rất nhiều vào công suất, khả năng sản xuất chiếc điện thoại.

Do đó, có rất ít công ty có thể làm đủ các công đoạn nói trên. Đó là lý do sinh ra các khái niệm như IDH, OEM, ODM.

IDH, ODM hay OEM là gì?

Nói một cách đơn giản, đây là các công ty đảm nhiệm một hoặc nhiều công đoạn trong quá trình tạo ra một chiếc điện thoại. Sự xuất hiện của các công ty chuyên biệt này giúp rút ngắn thời gian phát triển và ra mắt điện thoại.

IDH (Independent Design House): Theo website của Phòng Thương mại trực tiếp Trung Quốc (DCCC), IDH hay Nhà thiết kế độc lập là một công ty chuyên phát triển thiết bị cầm tay theo hợp đồng. Các IDH có khả năng thực hiện một phần hoặc toàn bộ quá trình phát triển, từ định nghĩa sản phẩm đến đàm phán về giấy phép, chứng nhận sản phẩm.

Theo DCCC, hầu hết IDH tại Trung Quốc đều được các kỹ sư có nhiều kinh nghiệm trong ngành công nghệ, phát triển và sản xuất thành lập. Một số IDH nhỏ chỉ thực hiện một, hai bước trong quy trình thiết kế như thiết kế kiểu dáng, cơ học, hoặc làm thầu phụ cho các IDH lớn hơn.

Theo mô hình phía trên, IDH sẽ là đơn vị phụ trách khâu nghiên cứu, phát triển, thiết kế điện thoại.

Smartphone là thiết bị rất phức tạp. Để thiết kế được smartphone hoàn chỉnh, các nhà sản xuất phải có nhân sự với kiến thức rất sâu về điện tử, thiết kế công nghiệp. Nếu không tự thiết kế, họ đơn giản có thể thuê một công ty thiết kế độc lập. Ảnh: iFixit.

OEM (Original Equipment Manufacturer): Tạm dịch là Nhà sản xuất thiết bị gốc, khái niệm này được hiểu rất rộng. Nhiều công ty phân tích như Strategy Analytics, Counterpoint Research sử dụng OEM để chỉ các công ty sở hữu thương hiệu điện thoại như Apple, Samsung, Huawei, Xiaomi... Chính Qualcomm cũng sử dụng từ OEM để nói về các đối tác làm ra smartphone sử dụng linh kiện của họ.

Tuy nhiên, trong ngành sản xuất khái niệm OEM cũng thường được sử dụng để chỉ công ty sản xuất ra linh kiện gốc (như chip nhớ, màn hình...) hoặc công ty sản xuất thiết bị dựa trên thiết kế đã có sẵn từ đối tác.

Một khái niệm khác để chỉ các công ty sản xuất theo đơn hàng là EMS (Electronic Manufacturing Services). Đây là công ty có năng lực sản xuất, có sẵn nhà xưởng, nhân công, đối tác cung cấp linh kiện... Việc thuê EMS làm ra sản phẩm giúp các công ty tiết kiệm chi phí và thời gian sản xuất, thay vì phải đầu tư vào các yếu tố trên.

Theo mô hình phía trên, EMS sẽ là đơn vị phụ trách khâu sản xuất, lắp ráp thiết bị.

ODM (Original Design Manufacturer): Tạm dịch là Nhà sản xuất thiết kế gốc, ODM là công ty làm cả vai trò nghiên cứu, thiết kế lẫn sản xuất, lắp ráp một thiết bị.

Các ODM thường sẽ sản xuất các thiết bị phù hợp nhất với nhu cầu của đối tác và cung cấp sản phẩm gần hoàn thiện. Công ty mua hàng từ ODM lúc này có thể thực hiện một số thay đổi cơ bản, nhận diện thương hiệu là có thể bán thiết bị trên thị trường.

Do thực hiện cả khâu thiết kế và sản xuất, thường thì ODM sẽ nắm bản quyền thiết kế, trí tuệ của sản phẩm. Họ có thể lựa chọn bán độc quyền sản phẩm của mình cho một đối tác, hoặc bán cho nhiều đối tác cùng khai thác.

Wingtech Technology là công ty ODM lớn nhất thế giới, nhưng hầu như không được người dùng phổ thông biết đến. Ảnh: Wingtech.

ODM là mô hình hiệu quả, tiết kiệm thời gian nhất để các thương hiệu nhanh chóng đưa sản phẩm ra thị trường. Vì thế mô hình này được khai thác mạnh trong vài năm gần đây.

Tuy nhiên, các công ty ODM thường chỉ được những người trong ngành sản xuất biết đến. Wingtech là công ty ODM lớn, cung cấp sản phẩm cho phần lớn thương hiệu smartphone trên thế giới, nhưng có thể bạn chưa từng nghe đến công ty này.

Ngoài ra, một công ty có thể vừa là nhà sản xuất theo đơn hàng (EMS), vừa cung cấp sản phẩm hoàn chỉnh (ODM).

Samsung, Apple, Xiaomi là IDH hay OEM?

Vậy các thương hiệu smartphone lớn nhất thế giới là IDH, ODM hay OEM? Câu trả lời không đơn giản, tùy thuộc vào từng thương hiệu và dòng sản phẩm.

Apple có thể coi là một dạng IDH khi họ sở hữu toàn bộ thiết kế, bản quyền trí tuệ các công nghệ dùng trên điện thoại của mình. Dòng chữ "Design by Apple in California" trên những chiếc iPhone có thể coi là "chứng nhận" về công nghệ của Apple. Tuy nhiên, khác với các công ty IDH thông thường, Apple chí có một khách hàng duy nhất là chính họ.

Các đối tác sản xuất iPhone (EMS) của Apple đều là những công ty Đài Loan. Foxconn là công ty nổi tiếng và có doanh thu lớn nhất, theo sau là Wistron, Pegatron và Compal.

Galaxy A6s, ra đời tháng 10/2018 là smartphone đầu tiên của Samsung do đối tác ODM Wingtech thực hiện. Ảnh: Samsung.

Samsung gần như tự mình thực hiện đầy đủ các khâu bao gồm nghiên cứu, thiết kế, sản xuất, lắp ráp và phân phối sản phẩm của mình. Tuy nhiên, từ năm 2018 họ bắt đầu sử dụng dịch vụ của các công ty ODM nhiều hơn.

Theo báo cáo về ngành sản xuất smartphone tại Trung Quốc, có 3% thiết bị của Samsung là do đối tác ODM tạo ra. Con số này sẽ tăng lên 8% trong năm 2019, thiết bị đều do Wingtech sản xuất.

Tỷ trọng sử dụng ODM năm 2018 và dự đoán năm 2019 của các thương hiệu smartphone lớn. Nguồn:

Huawei, Xiaomi đều kết hợp mô hình thiết kế gốc, OEM và ODM trong các sản phẩm của mình, nhưng tỷ trọng ODM của họ lớn hơn nhiều so với Samsung. Có 32% thiết bị của Huawei năm 2018 do đối tác ODM sản xuất. Con số này của Xiaomi lên tới 75%.

Vivo là công ty Trung Quốc hiếm hoi không thuê đối tác ODM. Điều đó có thể hiểu là họ tự thực hiện toàn bộ khâu thiết kế gốc để tạo ra một chiếc điện thoại.

Thế giới sẽ ra sao nếu smartphone chưa từng tồn tại? Nếu không có điện thoại thông minh, con người sẽ làm việc hiệu quả hơn, bộ não cũng phát triển hơn. Tuy nhiên, smartphone cũng mang lại nhiều tiện ích trong cuộc sống.

Nhật Minh

Nguồn Znews: https://news.zing.vn/cong-ty-idh-la-gi-co-vai-tro-the-nao-trong-san-xuat-smartphone-post978868.html