Công ty 'ma' và trò 'ảo thuật' hoàn thuế

Chiều 26-12, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Hà Tĩnh ra quyết định khởi tố bị can đối với Hoàng Thị Hậu (SN 1971, khối 9, thị trấn Phố Châu, huyện Hương Sơn, tỉnh Hà Tĩnh) và Trần Thị Sâm (SN 1988, số nhà 12, ngõ 11, đường Trần Nguyên Hãn, phường Đông Vĩnh, TP Vinh, tỉnh Nghệ An) về tội 'Mua bán trái phép hóa đơn, chứng từ thu nộp ngân sách nhà nước'.

Trước đó, ngày 2-8, Hoàng Thị Hậu đã bị Công an Hà Tĩnh ra quyết định khởi tố bị can và lệnh bắt tạm giam về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” vì đã thực hiện 23 kỳ hoàn thuế, chiếm đoạt số tiền 59,5 tỷ đồng giá trị gia tăng (GTGT) của Nhà nước.

Cũng hành vi này, năm 2015 Công an Hà Tĩnh đã làm rõ Công ty CP Xuất nhập khẩu SCI lập khống hồ sơ chiếm đoạt 8,3 tỷ đồng. Thực trạng này đã gióng lên hồi chuông cảnh báo và cần một giải pháp toàn diện và dâu dài về công tác hậu kiểm tra hoàn thuế.

Lập hồ sơ khống, chiếm đoạt gần 60 tỷ đồng

Đặt trụ sở tại địa bàn khối 10, thị trấn Phố Châu, huyện Hương Sơn, tỉnh Hà Tĩnh, Công ty TNHH Xuất nhập khẩu Hào Hùng (do Lê Khánh Hào làm giám đốc) chỉ là một ki-ốt nhỏ, số lượng hàng hóa không đáng kể. Nhìn bề ngoài không ai có thể hình dung nổi công ty này xuất cái gì và nhập cái gì.

Thế nhưng, trái ngược với số lượng hàng hóa đìu hiu, trên thực tế là những con số biến hóa và sôi động trên những hồ sơ hoàn thuế. Nếu không có nghiệp vụ, nhìn vào số lượng hồ sơ “khủng”, mọi người sẽ nghĩ đây là công ty làm ăn thuận buồm xuôi gió, nộp số tiền không nhỏ cho ngân sách nhà nước.

Trao đổi với chúng tôi, Thượng tá Nguyễn Duy Đông, Trưởng phòng Cảnh sát kinh tế Công an Hà Tĩnh cho biết: Từ kết quả điều tra vụ án “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” xảy ra vào năm 2015 tại Công ty CP Xuất nhập khẩu SCI với thủ đoạn mượn hàng hóa để làm thủ tục xuất khẩu sang Lào, mua hóa đơn GTGT, lập khống hồ sơ chiếm đoạt 8,3 tỷ đồng tiền hoàn thuế GTGT của Nhà nước, Phòng Cảnh sát kinh tế Công an Hà Tĩnh đã rà soát các doanh nghiệp hoàn thuế trên địa bàn huyện Hương Sơn và phát hiện từ năm 2011 đến năm 2015, Công ty TNHH Xuất nhập khẩu Hào Hùng đã thực hiện 23 kỳ hoàn thuế với số tiền 59,5 tỷ đồng.

Cơ quan Công an đã thu thập hồ sơ, tài liệu và các thông tin có liên quan đến hoạt động xuất nhập khẩu hàng hóa. Qua đó nhận thấy có nhiều biểu hiện bất minh về kinh tế cũng như trong hoạt động kinh doanh buôn bán; đặc biệt là hành vi mua bán hóa đơn VAT có thủ đoạn tương tự như Công ty SCI nhằm chiếm đoạt tiền hoàn thuế GTGT của Nhà nước.

Để thực hiện hành vi của mình, Hoàng Thị Hậu nhờ Lê Khánh Hào đứng tên để thành lập Công ty TNHH Xuất nhập khẩu Hào Hùng và giữ chức vụ giám đốc nhưng thực tế mọi hoạt động của công ty đều do Hậu điều hành. Lợi dụng chính sách về hoàn thuế GTGT cho hoạt động xuất khẩu hàng hóa, Hoàng Thị Hậu đã có các thủ đoạn gian dối như: Mượn hàng của các chủ hàng, chủ xe tại huyện Diễn Châu, tỉnh Nghệ An để làm thủ tục xuất khẩu, mở tờ khai hàng hóa xuất khẩu qua các cửa khẩu hải quan; mua hóa đơn GTGT của nhiều công ty trong cả nước để hợp thức hàng hóa đầu vào; sau đó hoàn thiện hồ sơ hoàn thuế gửi Cục thuế tỉnh Hà Tĩnh để được hoàn thuế GTGT.

Cơ quan Công an khám xét nhà đối tượng trong vụ án.

Cơ quan Công an khám xét nhà đối tượng trong vụ án.

Thượng tá Đông cho biết, đây là vụ việc có dấu hiệu của tội phạm đặc biệt nghiêm trọng xảy ra trong lĩnh vực quản lý thuế. Lợi dụng chính sách của Nhà nước về việc cho phép các doanh nghiệp xuất nhập khẩu hàng hóa theo danh mục, đủ điều kiện theo quy định của Bộ Tài chính và hướng dẫn của Tổng cục Thuế thì được phép lập hồ sơ hoàn thuế nên Hoàng Thị Hậu đã dùng nhiều thủ đoạn gian dối, cấu kết với nhiều đối tượng lập khống hồ sơ chiếm đoạt tiền của Nhà nước hàng chục tỷ đồng.

Từ năm 2013 đến năm 2015, Công ty Hào Hùng đã sử dụng hơn 1.000 hóa đơn GTGT mua hàng của gần 100 công ty ma trên nhiều tỉnh, thành để kê khai, quyết toán và hoàn thuế tại Cục Thuế tỉnh Hà Tĩnh, hàng hóa chủ yếu của số hóa đơn này là vật liệu xây dựng (xi măng, sắt, thép...). Sau đó lập hồ sơ hoàn thuế GTGT và để chiếm đoạt tiền hoàn thuế của Nhà nước.

Để hợp thức hàng hóa xuất khẩu, Hoàng Thị Hậu đã mượn hàng của nhiều chủ hàng tại các tỉnh Nghệ An, Hà Tĩnh (là những đối tượng không được hoàn thuế) để mở tờ khai hàng hóa xuất khẩu, sau đó lập khống hồ sơ hoàn thuế để chiếm đoạt tiền hoàn thuế của Nhà nước.

Mặt dù việc hoàn thuế đã thực hiện trót lọt cách đây 4 đến 5 năm nhưng tất cả “trò ảo thuật” đều không qua được các CBCS Phòng Cảnh sát kinh tế, Công an tỉnh Hà Tĩnh. Những chứng cứ đưa ra một cách đầy thuyết phục, khiến những “mắt xích” trong đường đây “đen” của những tờ hóa đơn đỏ tưởng mình đã “thoát cửa ải” khi việc hoàn thuế đã kết thúc và “hoa hồng” đã có chính chủ.

Chỉ tính từ tháng 10-2013 đến tháng 6-2015, Hoàng Thị Hậu đã thông qua Trần Thị Sâm (SN 1988, ở số nhà 12, ngõ 11, đường Trần Nguyên Hãn, phường Đông Vĩnh, TP Vinh, tỉnh Nghệ An) để mua 242 số hóa đơn GTGT (tổng giá trị tiền hàng ghi trong hóa đơn: 235,5 tỷ đồng, thuế GTGT: 23,55 tỷ đồng) của 9 công ty có trụ sở tại thành phố Hồ Chí Minh gồm: Công ty TNHH Xuất nhập khẩu Thép Việt (98 hóa đơn), Công ty CP Thương mại Xuất nhập khẩu Star VN (40 hóa đơn), Công ty TNHH dịch vụ Giang Hải Hà (16 hóa đơn), Công ty TNHH Thương mại đầu tư xuất nhập khẩu Nam Châu (4 hóa đơn), Công ty Thương mại đầu tư xuất nhập khẩu Vinaphoenix (57 hóa đơn), Công ty TNHH Thương mại dịch vụ Châu Hoàng Kim (5 hóa đơn), Công ty TNHH Thương mại tư vấn thiết kế Anh Dũng (16 hóa đơn), Công ty TNHH Thương mại thực phẩm Thủy Trường Sinh (5 hóa đơn), Công ty TNHH Thương mại vật liệu xây dựng Việt Nhật (1 hóa đơn) với giá tiền 4,71 tỷ đồng (tương ứng 2% giá trị tiền hàng ghi trong hóa đơn).

Trong số 242 số hóa đơn nói trên, có 62 số hóa đơn GTGT với tổng giá trị tiền hàng: 77 tỷ đồng, thuế GTGT 7,7 tỷ đồng, Hoàng Thị Hậu đã dùng để kê khai, khấu trừ thuế trong thời gian từ tháng 3 đến tháng 6-2015, chưa sử dụng để thực hiện hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản và đã đủ yếu tố cấu thành tội “Mua bán trái phép hóa đơn, chứng từ thu nộp ngân sách nhà nước”.

Khi được Hoàng Thị Hậu nhờ mua giúp hóa đơn GTGT các loại mặt hàng sắt, thép, gạch ngói, Trần Thị Sâm đã thông qua một số đối tượng ở TP Hồ Chí Minh để mua hóa đơn và đứng ra thực hiện một số giao dịch nộp tiền, chuyển khoản hợp thức việc mua bán hóa đơn. Trong thời gian từ tháng 10-2013 đến tháng 6-2015, Sâm đã mua cho Hoàng Thị Hậu 242 số hóa đơn GTGT (tổng giá trị tiền hàng ghi trong hóa đơn: 235,5 tỷ đồng, thuế GTGT: 23,55 tỷ đồng) của 9 công ty có trụ sở tại TP Hồ Chí Minh với giá tiền 4,71 tỷ đồng (tương ứng 2% giá trị tiền hàng ghi trong hóa đơn).

Trần Thị Sâm khai nhận trong tổng số tiền thu được từ việc mua bán hóa đơn bất hợp pháp, Sâm được hưởng lợi số tiền 255 triệu đồng, số tiền còn lại 4.455 triệu đồng Sâm chuyển qua tài khoản hoặc đưa tiền mặt cho một đối tượng khác.

Cơ quan Công an tống đạt quyết định khởi tố bị can với đối tượng Hoàng Thị Hậu và Trần Thị Sâm.

Còn lỗ hổng cho doanh nghiệp trục lợi

Mục đích của hoàn thuế GTGT là nhằm tạo điều kiện cho doanh nghiệp (DN) thu hồi được số vốn đã ứng trước. Với số tiền thuế GTGT được hoàn mỗi năm, nhiều DN đã có thêm điều kiện quay vòng vốn, phát triển sản xuất, kinh doanh... Tuy nhiên, lợi dụng chính sách này, không ít đối tượng đội lốt DN liên tục dùng đủ “chiêu” để trục lợi, gây thất thoát ngân sách nhà nước, xáo trộn thị trường, ảnh hưởng môi trường kinh doanh, DN làm ăn chân chính cũng vạ lây...

Nguyên nhân nào khiến việc lợi dụng hoàn thuế để trục lợi ngày càng gia tăng? Trước hết, do việc quản lý thành lập DN rất lỏng lẻo, dễ dàng. Cơ quan cấp chứng nhận đăng ký thành lập DN không kiểm tra chính xác về vốn điều lệ, trụ sở DN, cơ sở hạ tầng... Có người lập DN bằng chứng minh thư nhân dân người khác, địa chỉ “ma”, nâng khống vốn điều lệ... Sau đó tự in hóa đơn, xuất khống hóa đơn GTGT chiếm đoạt tiền hoàn thuế của Nhà nước...

Bên cạnh đó, cơ quan thuế thường gặp khó khăn trong công tác xác minh hóa đơn, giám sát những DN có rủi ro cao về thuế. Lợi dụng điểm yếu này, DN làm ăn phi pháp, chuyên mua bán hóa đơn thường liên tục thay đổi địa điểm, nhằm tránh sự theo dõi, giám sát của cơ quan chức năng. Ngoài ra, phần lớn DN tham gia xuất khẩu qua các khu kinh tế đặc biệt, đều được xếp vào luồng xanh (ưu tiên không kiểm tra), nên việc xác định số lượng hàng xuất khẩu thực tế của DN gặp rất nhiều khó khăn, hầu hết chỉ căn cứ vào giấy tờ...

Ngoài những nguyên nhân trên, việc buông lỏng quản lý, thiếu sự phối hợp đồng bộ giữa các cơ quan chức năng khiến đối tượng núp bóng DN dễ dàng trục lợi từ hoàn thế GTGT. Một DN chuyên xuất khẩu vật liệu xây dựng như Công ty TNHH Xuất nhập khẩu Hào Hùng cơ sở vật chất không đáng kể nhưng, chỉ trong một thời gian ngắn trị giá luân chuyển hàng hóa trên giấy tờ lên đến hàng trăm tỷ đồng mà cơ quan chức năng không hay biết?

Dư luận có quyền đặt câu hỏi, ngoài những yếu tố khách quan có hay không việc tiếp tay, móc nối từ bên trong lực lượng chức năng cho việc lợi dụng hoàn thế GTGT để trục lợi.

Thượng tá Nguyễn Duy Đông cho biết, để thực hiện tốt công tác phòng ngừa đối với tội phạm vi phạm về thuế, trước hết cần hoàn thiện hành lang pháp lý và chính sách về thuế để các quy định của pháp luật và các chính sách về thuế của Nhà nước, đảm bảo khoa học, chặt chẽ và có tính ổn định lâu dài; tránh thay đổi quá nhanh và nhiều làm cho các nhà quản lý thuế và người nộp thuế rơi vào tình trạng lúng túng trong thi hành, gây nên sự hoài nghi của các nhà đầu tư, làm phương hại đến lợi ích của người nộp thuế, tăng trưởng kinh tế và lợi ích của quốc gia.

Thống nhất sử dụng đồng bộ công nghệ thông tin vào việc quản lý thu thuế, nối mạng internet trên toàn quốc nhằm thực hiện tốt việc kiểm tra đối chiếu hóa đơn, chứng từ đầu vào, đầu ra. Đồng thời, hoàn thiện quy trình quản lý thu thuế theo hướng đơn giản, khoa học và hiệu quả trên cơ sở kết quả rà soát lại các sơ hở trong công tác hoàn thuế.

Tập trung triển khai công tác thanh, kiểm tra các DN có rủi ro cao về thuế, đặc biệt là các DN có dấu hiệu chuyển giá, kinh doanh qua mạng, DN giao dịch thanh toán qua ngân hàng có dấu hiệu đáng ngờ; phối hợp chặt chẽ với các ngân hàng thương mại, các tổ chức đại lý thuế... để mở rộng các hình thức nộp thuế hiện đại, cắt giảm thời gian nộp thuế cho doanh nghiệp.

Cùng với đó, cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến kiến thức pháp luật giáo dục - hỗ trợ về thuế cho mọi đối tượng. Bên cạnh việc chú trọng đến hoàn thiện hệ thống pháp luật thuế nhằm tạo một cơ sở pháp lý vững chắc, cũng cần xây dựng nền tảng ý thức xã hội, để các quy định của pháp luật thực sự đi vào cuộc sống; cần bàn tay “sạch” của cơ quan chức năng trong công tác quản lý doanh nghiệp và kiểm tra công tác hoàn thuế.

Hoàng Xuân Lý

Nguồn ANTG: http://antg.cand.com.vn/vu-an-noi-tieng/cong-ty-ma-va-tro-ao-thuat-hoan-thue-576192/