Công ty Reed Tradex (Thái Lan): Đồng hành cùng ngành công nghiệp Việt Nam

2018 – năm thứ 12 Công ty Reed Tradex hoạt động tại Việt Nam với 3 triển lãm quốc tế: Metalex Vietnam, Nepcon Vietnam và Vietnam Manufacturing Expo, thu hút hàng nghìn nhà công nghiệp, khách tham quan trong và ngoài nước, góp phần thúc đẩy công nghiệp, đặc biệt là công nghiệp hỗ trợ Việt Nam phát triển.

Trước thềm Triển lãm Vietnam Manufacturing Expo 2018, phóng viên Báo Công Thương đã có cuộc trao đổi với ông Suttisak Wilanan - Phó giám đốc điều hành Công ty Reed Tradex – nhằm làm rõ hơn ý nghĩa của sự kiện này.

Thưa ông, 2018 là năm thứ 12 Reed Tradex tổ chức các cuộc triển lãm công nghiệp tại Việt Nam. Ông có thể khái quát kết quả của những cuộc triển lãm thành công trước đó?

Những cuộc triển lãm thành công trước đó đã thu hút hàng nghìn nhà công nghiệp và trên 30.000 khách tham quan trong và ngoài nước tham dự. Tham gia các cuộc triển lãm, không chỉ đơn vị trưng bày mà cả khách tham quan đều có cơ hội khám phá công nghệ, tham dự diễn đàn, hội thảo hữu ích với nội dung phong phú, chuyên sâu trong lĩnh vực khoa học, công nghệ. Qua các cuộc triển lãm do chúng tôi tổ chức tại Việt Nam, các nhà sản xuất linh kiện, kỹ sư, quản lý và nhà công nghiệp… đều đánh giá triển lãm có giá trị thiết thực, nơi cung cấp giải pháp, phụ tùng, đối tác và kiến thức mới để theo kịp hoặc dẫn đầu xu hướng trong tương lai.

Ông đánh giá như thế nào về tiềm năng và cơ hội phát triển các ngành công nghiệp của Việt Nam?

Có thể khẳng định, nền kinh tế Việt Nam là một điểm sáng ở Đông Nam Á nói riêng, châu Á nói chung với mức tăng trưởng ấn tượng. Trong đó, ngành công nghiệp và xây dựng chiếm 33,3% GDP có mức tăng 8% trong năm 2017. Đây là minh chứng rõ ràng về sự ổn định trong môi trường kinh tế, chính trị của Việt Nam, giúp Việt Nam trở thành điểm đến hấp dẫn đối với đầu tư trực tiếp nước ngoài, đặc biệt trong các ngành sản xuất công nghiệp.

Trong thu hút FDI, Việt Nam đang tích cực khuyến khích sự phát triển toàn diện trên cả nước. Chính sách phát triển công nghiệp nội địa đã và đang phát huy tác dụng với những khoản hỗ trợ, đầu tư lớn, giúp các ngành sản xuất công nghiệp tăng cường năng lực sản xuất, cạnh tranh, bắt kịp các tiêu chuẩn quốc tế, thúc đẩy ngành công nghiệp hỗ trợ và công nghiệp phụ tùng đạt trình độ sản xuất cao hơn. Đây là nền tảng quan trọng để công nghiệp Việt Nam phát triển nhanh và toàn diện hơn nữa trong tương lai gần.

Cũng như nhiều nước đang phát triển khác, Việt Nam phải đối mặt với những thách thức và cơ hội trong cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0. Theo ông, Việt Nam cần làm gì để bắt kịp xu thế mới, nhất là trong lĩnh vực công nghiệp?

Cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 đang diễn ra với tốc độ nhanh và có tác động mạnh mẽ đến nền kinh tế thế giới. Nếu năm 2006, chúng ta chỉ biết đến Microsoft như là một công ty công nghệ nằm trong top đầu của thế giới thì nay đã xuất hiện những Apple, Alphabet, Amazon hay Facebook và họ đã tạo dựng được danh tiếng, chiếm được vị trí hàng đầu.

Với Việt Nam, cuộc cách mạng này sẽ mang đến những cơ hội to lớn, mặt khác, cũng tạo thách thức đối với nền kinh tế nói chung và một số ngành không phù hợp hay doanh nghiệp chậm thích nghi.

Do đó, để tận dụng cơ hội, giảm thiểu thách thức đòi hỏi phải có chủ trương đúng đắn của các bộ, ban, ngành và địa phương trong xây dựng, điều hành chiến lược phát triển kinh tế - xã hội, trong đó có ngành công nghiệp. Chính phủ phải đưa ra được giải pháp, kế hoạch hành động cụ thể nếu muốn cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 trở thành cơ hội cho nền kinh tế, có lợi cho ngành công nghiệp, doanh nghiệp.

Theo tôi, một trong những giải pháp quan trọng là dần dần điều chỉnh mô hình tăng trưởng công nghiệp theo nguyên tắc dựa trên năng suất, chất lượng và hiệu quả; thúc đẩy phát triển công nghiệp, sản phẩm công nghiệp với giá trị gia tăng cao, giá trị xuất khẩu lớn, tạo chuỗi liên kết trong sản xuất. Bên cạnh đó, Việt Nam cũng cần tập trung phát triển ngành công nghiệp hỗ trợ bằng cách không chỉ sử dụng công nghệ hiện đại nhất mà còn lựa chọn công nghệ phù hợp vào sản xuất. Điều này sẽ giúp Việt Nam thu hẹp khoảng cách về công nghệ với thế giới.

Trong tiến trình phát triển công nghiệp, nhất là công nghiệp phụ trợ của Việt Nam, Reed Tradex sẽ hỗ trợ những gì, thưa ông?

12 năm có mặt tại Việt Nam, Reed Tradex luôn xác định mục tiêu hỗ trợ tối đa cho các nhà công nghiệp và nhà sản xuất tại Việt Nam trong việc tiếp cận, tận dụng cơ hội kinh doanh mới. Với quan điểm đó, năm 2018, chúng tôi tiếp tục tập trung xây dựng chương trình Triển lãm Vietnam Manufacturing Expo 2018 đa dạng, phong phú hơn, từ việc giới thiệu các loại máy móc, thiết bị hiện đại đến việc phối hợp với những tổ chức và chuyên gia đầu ngành, doanh nghiệp lớn… nhằm chia sẻ kiến thức, chuyển giao công nghệ và trao đổi khả năng áp dụng công nghệ, máy móc vào thực tế.

Chúng tôi cũng đặt mục tiêu tạo dựng triển lãm trở thành “một nền tảng, một điểm đến”, trở thành trung tâm của cộng đồng các nhà công nghiệp, nơi tất cả nhà sản xuất có thể trao đổi, kết nối để đạt được những bước tiến lớn và nhanh chóng đáp ứng với tiêu chuẩn toàn cầu. Cũng tại triển lãm năm nay, chúng tôi sẽ giới thiệu những công nghệ của Cách mạng công nghiệp 4.0 - công nghệ lần đầu tiên xuất hiện ở Việt Nam và châu Á.

Xin cảm ơn ông!

Vietnam Manufacturing Expo 2018 - triển lãm về máy móc và công nghệ cho ngành công nghiệp - sẽ diễn ra tại Hà Nội từ ngày 8 đến 10/8/2018.

Hoa Quỳnh - Hoàng Duân

Nguồn Công Thương: http://baocongthuong.com.vn/cong-ty-reed-tradex-thai-lan-dong-hanh-cung-nganh-cong-nghiep-viet-nam.html