Công ty tài chính bị tố cho vay một nơi đòi một nẻo, kiểu xã hội đen

Từng nghe chia sẻ về những trường hợp bị một công ty cho vay tiêu dùng 'khủng bố tinh thần' theo nhiều cách khác nhau, nhưng có những người không thể ngờ đến một lúc nào đó chính mình trở thành nạn nhân.

Đó là trường hợp của chị Nguyễn Thu Trà (Cầu Giấy, Hà Nội), một ngày đầu năm 2020 chị bỗng nhận được cuộc gọi điện thoại từ một người đàn ông tự xưng là “nhân viên Công ty Tài chính TNHH MTV Ngân hàng V".

Sau khi xác nhận đúng là số điện thoại của mình, chị Trà liền nhận được yêu cầu phải trả một khoản tiền lên tới hơn 48 triệu đồng do một người... đồng nghiệp cũ vay.

Thậm chí, chị Trà phải mất vài giây mới nhớ ra người bạn kia là ai bởi đó là một đồng nghiệp cũ nay đã chuyển công tác và không còn liên lạc với nhau. Thậm chí, chị chẳng biết anh ta vay tiền khi nào và cũng không hề liên quan đến khoản vay.

“Trong khoảng một tháng liền họ liên tục gọi điện từ sáng tới tối để yêu cầu tôi bằng mọi giá phải liên lạc được với anh bạn đồng nghiệp cũ, nếu không tôi phải có trách nhiệm thanh toán khoản vay này bởi khi vay anh ấy đã cung cấp cho công ty tài chính F số điện thoại của đồng nghiệp là tôi”(!?).

Công ty tài chính bị tố đòi nợ... đồng nghiệp của người đi vay, đe dọa kiểu xã hội đen

Công ty tài chính bị tố đòi nợ... đồng nghiệp của người đi vay, đe dọa kiểu xã hội đen

"Chỉ chờ mình bật máy là anh ta nói không ai chen được câu nào. Giọng điệu thì cộc cằn, thô lỗ” – chị Nguyễn Thu Trà bức xúc.

Không chỉ gọi điện, người này còn gửi tin nhắn tự xưng là từ “Trung tâm tín dụng F” với những lời lẽ dọa nạt: “Cảnh báo lần cuối trước 16h ngày 10/1/2020 thanh toán gấp số tiền tối thiểu 3.725.000583 VND cho NHNNVN. Tiếp tục trốn tránh, bất hợp tác, mọi rủi ro về uy tín, danh dự, sức khỏe, tinh thần và tài sản, ông/bà tự chịu trách nhiệm”.

Anh N.D.C "tố" công ty F không tra soát kỹ hồ sơ của khách hàng vay vốn dẫn đến việc khách hàng cung cấp một số điện thoại bất kỳ, trong đó có số điện thoại của anh. Anh N.D.C cho biết từ đầu năm 2020 đến nay anh luôn bị những người tự xưng là nhân viên công ty tài chính này gọi điện yêu cầu thanh toán khoản vay của một người xa lạ. Mặc dù tổng đài hứa sẽ khắc phục, nhưng trước khi mọi việc được tạm lắng, anh liên tục bị làm phiền bởi những cuộc gọi từ nhiều số điện thoại khác nhau với những lời lẽ ngang ngược.Thời gian gần đây, trên các diễn đàn mạng xã hội, nhiều người "tố" bỗng dưng bị người tự xưng là của công ty này đòi nợ cho dù họ không hề có quan hệ tín dụng với công ty này.

Để tìm hiểu về phản ứng của công ty cho vay tiêu dùng này trước những phản ánh bức xúc như trên, PV đã liên hệ với đại diện truyền thông công ty tài chính này nhưng phía công ty không phản hồi.

Theo chia sẻ của những người từng mua hàng trả góp thông qua Công ty F, thủ tục vay khá đơn giản nhưng cũng ẩn chứa nhiều rủi ro nếu người vay không đọc kỹ hợp đồng.

Anh Nguyễn Ngọc Tuấn mua laptop trả góp tại Thế giới Di động và được nhân viên Công ty tài chính F làm hợp đồng cho vay 10 triệu đồng để thanh toán trả góp hàng tháng. Hợp đồng có nhiều điều khoản ràng buộc đối với người vay nhưng lại không nhắc đến bất kỳ trách nhiệm nào của người cho vay. Khách hàng cũng không được giao hợp đồng.

“Khi tôi yêu cầu được giữ một bản hợp đồng thì nhân viên tư vấn tỏ vẻ kinh ngạc, dường như bạn nhân viên này chưa từng gặp khách hàng đưa ra yêu cầu tương tự. Phải một lúc lâu sau tôi mới được cung cấp một bản hợp đồng phô tô, không hề có chữ ký đại diện công ty tài chính. Bản hợp đồng "3 bên" nhưng không hiểu vì sao đại diện của F lại không ký vào hợp đồng, chỉ có "Người chứng kiến" là nhân viên bán hàng của Thế giới Di động ký" – anh Nguyễn Ngọc Tuấn nói.

Cũng theo anh Tuấn, hợp đồng đã ký ghi rõ khách hàng phải thanh toán số tiền trả góp vào ngày 15 hàng tháng, nhưng ngay từ ngày mùng 10, nhân viên F.C đã gọi điện nhắc thanh toán với giọng như đi đòi nợ.

Trong bản hợp đồng, phần đại diện của F.C bỏ trống không có người ký.

“Tăng trưởng và lợi nhuận của công ty tài chính phải đi đôi với với tính bền vững, sự tử tế và văn minh” – Luật sư Trương Thanh Đức nói. Để ngăn chặn tình trạng trên, Luật sư Đức cho rằng khách hàng nên cân nhắc trước khi vay và cần mạnh mẽ bày tỏ thái độ khi bị công ty tài chính “chơi xấu”. Bên cạnh đó, các cơ quan chức năng cần phải xử lý nghiêm các công ty tài chính để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người dân.Trao đổi với PV, Luật sư Trương Thanh Đức (Chủ tịch Công ty Luật Basico) cho biết, tình trạng người dân bị “khủng bố tinh thần” đã tồn tại từ nhiều năm nay gây bức xúc trong dư luận. Đó là cách “chơi xấu” của các công ty tài chính khi cho vay bất chấp.

Ngân Giang

Nguồn Infonet: https://infonet.vietnamnet.vn/thi-truong/fe-credit-choi-xau-khach-hang-doi-no-sac-mui-xa-hoi-den-61608.html