Công ty TNHH sản xuất và chế biến lâm sản HTCOM gặp khó do thiếu nguyên liệu sản xuất

Đối mặt với sự thiếu hụt nguyên liệu sản xuất, thị trường bị thu hẹp do ảnh hưởng của dịch Covid-19, Công ty TNHH sản xuất và chế biến lâm sản HTCOM (HTCOM) đã gặp phải nhiều khó khăn, thách thức lớn.

Công ty TNHH sản xuất và chế biến lâm sản HTCOM gặp khó khăn do thiếu nguyên liệu sản xuất.

Để có thể duy trì hoạt động SXKD, việc làm cho lao động, cung cấp sản phẩm theo đơn đặt hàng đã ký kết, Ban lãnh đạo Công ty đồng loạt thực hiện nhiều giải pháp, vừa đảm bảo phòng dịch vừa cải tiến công nghệ, tăng năng suất lao động và giảm giá thành sản phẩm.

Thành lập từ năm 2010, HTCOM gia nhập thị trường với sản phẩm chủ lực là các loại gỗ ván ép cỡ lớn phục vụ thị trường xuất khẩu và các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh.

Năm 2016, công ty đầu tư dây chuyền công nghệ sản xuất hiện đại trị giá hơn 10 tỷ đồng, xây dựng nhà xưởng có tổng diện tích hơn 10.000 m2 tại thôn Cẩm Trạch, xã Đạo Tú, huyện Tam Dương.

Để có thể mở rộng quy mô sản xuất, phát triển bền vững, HTCOM kỳ vọng khai thác tốt vùng nguyên liệu gỗ bóc từ các cánh rừng sản xuất của tỉnh, làm gia tăng giá trị lâm sản và tạo nhiều việc làm cho lao động địa phương, nâng cao hiệu kinh tế cho các hộ trồng rừng.

Năm 2019, công ty tạo việc làm ổn định cho hơn 100 lao động địa phương. Tỷ lệ hàng hóa xuất khẩu chiếm trên 80%.

Sản phẩm của công ty được các thị trường tiềm năng như Hàn Quốc, Trung Đông tin tưởng sử dụng. Mức tăng trưởng bình quân 2 con số mỗi năm, số lượng khách hàng mới, quy mô sản xuất ngày một phát triển.

Tuy nhiên, đầu năm 2020, đại dịch Covid-19 lây lan trên toàn cầu, sự hạn chế di chuyển giữa các quốc gia khiến thị trường xuất khẩu bị thu hẹp, nhiều đơn hàng bị gián đoạn.

Cùng lúc, Vĩnh Phúc là địa phương phát hiện các ca nhiễm Covid-19 đầu tiên trên cả nước, HTCOM buộc phải thay đổi chiến lược kinh doanh phù hợp với tình hình thực tế.

Công ty khẩn trương nghiên cứu thị trường trong nước, tìm kiếm khách hàng mới ngay tại các KCN của tỉnh. Mở rộng các kênh quảng bá, bán hàng thông qua trang web, mạng xã hội. Đồng thời, chủ động thực hiện công tác phòng, chống Covid-19 theo hướng dẫn của Bộ Y tế, của UBND tỉnh, nâng cao nhận thức, ý thức của công nhân, cán bộ quản lý.

Với việc thực hiện các giải pháp đồng bộ, những khó khăn trong năm 2020 dần được khắc phục, kết quả SXKD khả quan. Tuy nhiên, từ đầu năm đến nay, giá thành nguyên liệu gỗ bóc, keo (là nguyên liệu chính trong sản xuất gỗ ván ép) liên tục tăng cao, khiến công ty phải cắt giảm sản lượng khoảng 50% so với cùng kỳ.

Mặc dù Vĩnh Phúc có hơn 14.000 ha đất rừng sản xuất, các loại cây trồng rừng chủ yếu là keo lai, bạch đàn lai, nguyên liệu chính sản xuất gỗ bóc; song việc liên kết sản xuất với các chủ rừng nhưng chưa thực sự hiệu quả.

Nhất là khi nguyên liệu gỗ bóc trên thị trường được các doanh nghiệp Trung Quốc rốt ráo thu mua với giá cao, tận thu; do vậy, các xưởng sản xuất gỗ bóc, chủ rừng liên tục đẩy giá, khiến doanh nghiệp trong nước như HTCOM rơi vào tình trạng khan hiếm nguyên liệu sản xuất.

Hơn nữa các loại keo sử dụng trong công nghệ sản xuất gỗ ván ép được nhập khẩu chủ yếu từ Trung Quốc, trong hơn nửa năm qua đã chứng kiến 5-6 đợt tăng giá từ các nhà cung cấp. Trong khi đó, giá thành sản phẩm không tăng do ảnh hưởng của Covid-19 làm nhu cầu thị trường sụt giảm. Hiện công ty đang rất khó khăn trong việc duy trì hoạt động SXKD./.

Bài, ảnh: Chu Kiều

Nguồn Vĩnh Phúc: http://baovinhphuc.com.vn/kinh-te/64928/cong-ty-tnhh-san-xuat-va-che-bien-lam-san-htcom-gap-kho-do-thieu-nguyen-lieu-san-xuat.html