Công ty TQ, đại gia Anh, lái buôn súng Mỹ vơ vét tài sản Nam Sudan

Điều tra của tổ chức Enough Project cho thấy hàng loạt ngân hàng và tập đoàn đa quốc gia cấu kết với giới cầm quyền Nam Sudan để vơ vét tài nguyên đất nước châu Phi.

Theo Foreign Policy, báo cáo của Sentry - cơ quan điều tra trực thuộc tổ chức phi lợi nhuận Enough Project - cho thấy mạng lưới tham nhũng này bao gồm một nhóm lái buôn vũ khí Mỹ, doanh nghiệp dầu mỏ Trung Quốc và đại gia kinh doanh Anh.

Nhóm đại gia này cấu kết với tầng lớp thống trị ở Nam Sudan để "cướp phá" tài sản nhà nước và tài nguyên quốc gia nghèo nàn này. "Gần như mọi vụ án tham nhũng và tài chính ở Nam Sudan đều có liên quan tới một tập đoàn quốc tế, một ngân hàng đa quốc gia hoặc một doanh nghiệp bất động sản nước ngoài", báo cáo viết.

Nam Sudan là một trong những quốc gia nghèo nhất thế giới. Ảnh: Getty.

Nam Sudan là một trong những quốc gia nghèo nhất thế giới. Ảnh: Getty.

Foreign Policy New York Times đánh giá nghiên cứu dựa trên hàng nghìn trang dữ liệu tài chính của The Sentry đã lột trần quy mô tham nhũng khổng lồ tại Nam Sudan, quốc gia dầu mỏ chìm trong nội chiến suốt 5 năm qua.

Kết quả điều tra cũng cho thấy cách Trung Quốc mở rộng ảnh hưởng chính trị và tài chính tại châu Phi và hợp tác với lực lượng an ninh, quân sự Nam Sudan.

Chìm trong bạo lực và bất ổn

Những năm bạo lực và bất ổn đã khiến Nam Sudan rơi vào một trong những cuộc khủng hoảng nhân đạo tồi tệ nhất thế giới. Năm 2011, Nam Sudan tách khỏi Sudan để trở thành một quốc gia non tuổi nhất thế giới sau nhiều năm xung đột.

Tuy nhiên, năm 2013 Nam Sudan rơi vào nội chiến khi Tổng thống Salva Kiir và Phó tổng thống Riek Machar bất đồng, chia thành hai phe phái đối địch để tranh giành quyền lực.

Tất cả các bên tham gia vào cuộc nội chiến, bao gồm các lực lượng chính phủ và dân quân, đều bị buộc tội giết người hàng loạt, hãm hiếp và phạm các tội ác chiến tranh khác. Ước tính có khoảng 383.000 người đã chết trong cuộc nội chiến và gần 2,5 triệu người tị nạn phải trốn sang các nước láng giềng.

Báo cáo của The Sentry cho biết dù Nam Sudan vẫn là một trong những quốc gia nghèo nhất thế giới, giới cầm quyền nước này đã tích trữ được khối tài sản đáng kể trong và ngoài nước. Ước tính hàng chục triệu USD đã được sang tay thông qua hàng loạt giao dịch ngân hàng.

Tổng thống Nam Sudan Salva Kiir. Ảnh: Reuters.

“Nếu coi Nam Sudan là một máy bay bị các lãnh đạo quân sự và chính trị gia đánh cướp thì các ngân hàng và công ty quốc tế là những kẻ lái xe giúp họ tẩu thoát”, Foreign Policy dẫn lời chuyên gia J.R. Mailey, Giám đốc điều tra của The Sentry.

Tổng thống Kiir được đánh giá là nhân vật trung tâm trong mạng lưới tham nhũng khổng lồ với sự tham gia của các tập đoàn và công ty bình phong. The Sentry lần theo dấu vết của hàng chục công ty ở 13 quốc gia, bao gồm Trung Quốc, Kenya và Australia.

Ở các công ty này, thành viên của gia đình Tổng thống Kiir nắm vai trò cổ đông hoặc có chân trong ban giám đốc.

Ví dụ, hồi năm 2016 ba nhà đầu tư Trung Quốc hợp tác với cô con gái 19 tuổi của Tổng thống Kiir để thành lập một công ty nhằm lấy giấy phép khai thác tài nguyên ở một số khu vực giàu khoáng sản tại Nam Sudan.

Chỉ vài tuần sau khi các nhà đầu tư Trung Quốc có giấy phép, quân đội của chính phủ Nam Sudan mở chiến dịch di dời hàng nghìn người dân tại những vùng đất giàu khoáng sản trên.

Bàn tay của nhà đầu tư Trung Quốc, con buôn Mỹ

Công ty Dầu mỏ Dar, một liên doanh do hai tập đoàn dầu khí nhà nước Trung Quốc và Malaysia điều hành, bị cáo buộc hỗ trợ vật chất cho các nhóm dân quân thân chính phủ Nam Sudan tổ chức các chiến dịch tấn công vào dân thường và các điểm hoạt động của Liên Hợp Quốc.

Dar có lần chi thanh toán hóa đơn khách sạn lên đến 686.000 USD cho cựu Bộ trưởng Dầu mỏ Nam Sudan Ezekiel Lol Gatkuoth. Ông Gatkuoth bị sa thải vào tháng 6/2019 vì tham nhũng.

Các cá nhân nước ngoài cũng lập liên doanh với quan chức chính phủ hoặc thủ lĩnh quân sự ở Nam Sudan. Đầu năm 2018, lái buôn vũ khí Mỹ Ara Dolarian tìm cách bán số vũ khí trị giá hơn 43 triệu USD cho lãnh đạo một nhóm đối lập vũ trang ở Nam Sudan thông qua một công ty có trụ sở tại Kenya.

Theo Bộ Tư pháp Mỹ, thương vụ này đổ bể khi Dolarian bị chính quyền Mỹ bắt giữ hồi tháng 5/2019 và bị buộc tội rửa tiền, môi giới trái phép buôn bán vũ khí và đạn dược quân sự.

Năm 2015, hai doanh nhân người Anh là Abdelkarim Mohamed và Dawd Rife thành lập công ty dầu mỏ với một vị tướng hàng đầu Nam Sudan. Vị tướng này bị buộc tội sử dụng binh lính trẻ em.

Binh lính trẻ em ở Nam Sudan. Ảnh: Reuters.

Cả Mohamed và Rife đều cổ đông lớn của Ngân hàng Tín dụng Quốc gia Nam Sudan. Ngân hàng này mở cửa vào năm 2013. Và cựu Tổng giám đốc IMF Dominique Strauss-Kahn được cho là đã tham dự lễ cắt băng khánh thành tổ chức tài chính này.

The Sentry kêu gọi chính phủ Mỹ, Liên minh châu Âu và các nước mở chiến dịch trấn áp những ngân hàng và nhà đầu tư nhúng tay vào các hoạt động tham nhũng ở Nam Sudan.

Tổ chức này cho rằng cần cấm vận thành viên gia đình các quan chức và lãnh đạo quân đội Nam Sudan, ngăn chặn họ tiếp cận với hàng hóa xa xỉ và bất động sản mà họ sở hữu ở nước ngoài, và thúc đẩy các nỗ lực chống lại việc rửa tiền.

"Lãnh đạo chính trị Nam Sudan không hành động một mình. Họ cần ngân hàng để chuyển tiền ra nước ngoài, cần đối tác kinh doanh. Chúng tôi phát hiện rất nhiều doanh nghiệp nước ngoài sẵn sàng làm điều đó ở Nam Sudan", chuyên gia Mailey nhấn mạnh.

Minh Đức
Theo Foreign Policy

Nguồn Znews: https://news.zing.vn/cong-ty-tq-dai-gia-anh-lai-buon-sung-my-vo-vet-tai-san-nam-sudan-post992516.html