Công ty Tuấn Lộc né tránh báo chí sau vụ cao tốc nghìn tỷ vừa làm đã hỏng

'Họ bận nên không nhấc máy' và muốn liên hệ lại thì 'tùy anh thôi' là câu trả lời của nhân viên tổng đài Công ty cổ phần đầu tư xây dựng Tuấn Lộc sau vụ cao tốc Đà Nẵng – Quảng Ngãi bị hỏng tại gói thầu do đơn vị này thực hiện.

Gói thầu trên cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi do công ty Tuấn Lộc vừa làm đã hỏng nham nhở.

Vừa thi công xong đã hỏng, khi được yêu cầu khắc phục thì làm “qua loa” khiến Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể phải ban hành một loạt văn bản phê bình, thanh kiểm tra là thực trạng đang diễn ra ở hai gói thầu trên cao tốc Đà Nẵng – Quảng Ngãi.

Theo ông Nguyễn Tiến Thành, Giám đốc ban Quản lý dự án cao tốc, đoạn Km25+060 - Km28+760 do Công ty CP Đầu tư xây dựng Tuấn Lộc là nhà thầu thực hiện nằm trong Gói thầu 4 (Km21+500 – Km32+600).

Tổng gói thầu này do liên danh Cienco 4 – Tổng công ty Xây dựng Sông Đà – Tổng công ty Xây dựng Thăng Long – Công ty CP Đầu tư xây dựng Tuấn Lộc thực hiện theo Hợp đồng số 24/HĐXD-VEC/2014 ngày 22/4/2014 giữa Tổng công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam và liên danh Tổng công ty Sông Đà - Cienco 4 - Tổng công ty xây dựng Thăng Long - Công ty cổ phần Đầu tư xây dựng Tuấn Lộc.

Giá trị hợp đồng này là hơn 2.000 tỷ đồng với tiến độ thực hiện từ năm 2014-2015. Ngày 17/10, liên hệ qua tổng đài của Công ty Tuấn Lộc, phóng viên Báo Gia đình và Xã hội nhận về những câu trả lời "bất cần" từ đây. Lý do được nhân viên tổng đài đưa ra là bộ phận truyền thông bận không nhấc máy. Khi phóng viên cho biết sẽ liên hệ lại sau thì nhân viên này cho rằng: "Tùy anh thôi".

Liên quan đến vụ lùm xùm này, mới nhất, ngày 16/10, Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể ký ban hành quyết định thanh tra đột xuất việc quản lý, thực hiện, khai thác dự án đường cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi do Tổng Công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam (VEC) làm chủ đầu tư.

Theo Quyết định của Bộ trưởng Bộ GTVT, thời kỳ thanh tra bao gồm các giai đoạn triển khai thực hiện dự án; thời gian thanh tra theo quy định của pháp luật về thanh tra, kể từ ngày công bố quyết định thanh tra.

Thành phần đoàn thành tra gồm: ông Trần Ngọc Bảo - Phó Chánh thanh tra Bộ GTVT làm trưởng đoàn; ông Đoàn Anh Tuấn - Phó trưởng phòng, Thanh tra Bộ GTVT làm phó trưởng đoàn; bà Phan Thị Ninh - thanh tra chính, Thanh tra Bộ GTVT là thành viên; ông Bùi Đức Thăng, thanh tra viên, Thanh tra Bộ GTVT là thành viên; ông Trần Hoàng Hà, chuyên viên, Thanh tra Bộ GTVT là thành viên và một số cán bộ trung lập, thành viên. Đoàn thanh tra thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn và trách nhiệm theo quy định về thanh tra.

Quyết định cũng nêu rõ, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể ủy quyền cho Chánh Thanh tra Bộ GTVT phê duyệt kế hoạch thanh tra; gia hạn thời gian thanh tra và bổ sung, thay đổi thành viên đoàn thanh tra theo đề nghị của trưởng đoàn thanh tra; xử lý những kiến nghị của đoàn thanh tra và giám sát hoạt động của đoàn thanh tra.

Công ty "ông lớn" Tuấn Lộc né tránh báo chí sau vụ cao tốc vừa làm đã hỏng.

Tìm hiểu của phóng viên Báo Gia đình và Xã hội trên trang web cho thấy, Công ty Tuấn Lộc được thành lập vào năm 2005 với ngành nghề kinh doanh chính là xây dựng công trình dân dụng công nghiệp, hệ thống cung cấp nước sạch, bê tông cốt thép…

Từ năm 2015-2016, Tuấn Lộc nổi lên như một "ngôi sao mới" của ngành xây dựng cầu đường, thâu tóm và chi phối nhiều tên tuổi như: Tổng công ty Công trình Giao thông 4 - Cienco 4 (sở hữu 51,5% cổ phần, hiện nay đã thoái vốn), Tổng công ty xây dựng số 1 (sở hữu 38%)... Và mới đây, Tuấn Lộc "nhảy" vào góp vốn tại "ông trùm" thi công hạ tầng phía Nam là Công ty CP Đầu tư Xây dựng Hạ tầng TP.HCM (CII) (sở hữu 12,5% cổ phần).

Tuấn Lộc cũng đang là cổ đông lớn của Cảng Nghệ Tĩnh khi sở hữu 18,1% vốn điều lệ công ty, chỉ đứng sau Tổng công ty Hàng Hải Việt Nam (Vinalines) sở hữu 51%.

Trước khi tham gia thi công dự án Đường cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi, doanh nghiệp này đã tham gia thực hiện nhiều dự án lớn như: Dự án đầu tư khu công nghiệp (KCN) Nhơn Trạch 6 – Đồng Nai; dự án đầu tư xây dựng KCN Tuấn Lộc- khu kinh tế Đông Nam – tỉnh Nghệ An, dự án cầu Sài Gòn 2, dự án BOT Thái Nguyên - Chợ Mới, dự án cầu Cổ Chiên (tổng mức đầu tư 2.308 tỷ đồng), đặc biệt là dự án BOT Trung Lương – Mỹ Thuận giai đoạn 1 với tổng mức đầu tư lên tới 14,6 nghìn tỷ đồng…

Doanh nghiệp hiện cũng đang sở hữu các công trình nước như Nhà máy Xử lý Nước Sông Lam (Nghệ An), Nhà máy Xử lý nước hồ Cầu Mới (Đồng Nai), Nhà máy Xử lý nước thải 6A Nhơn Trạch (Đồng Nai), Nhà máy nước Pleiku…

Minh Anh

Nguồn GĐ&XH: http://giadinh.net.vn/xa-hoi/cong-ty-tuan-loc-ne-tranh-bao-chi-sau-vu-cao-toc-nghin-ty-vua-lam-da-hong-20181017095945056.htm