Công ty Vietnam Finance làm ăn thế nào sau 40 năm có mặt tại Hồng Kông?

Kể từ khi thành lập đến nay, hầu hết các năm VFC đều có lãi, vốn chủ sở hữu và tổng tài sản của VFC tăng trưởng đều qua các năm. Tính đến 31/12/2017, tổng tài sản của công ty đạt 997.440.029 HKD, vốn chủ sở hữu của công ty đạt 101.667.858 HKD.

Ban Lãnh đạo Vietcombank cùng Lãnh đạo VFC và nguyên Lãnh đạo Vietcombank qua các thời kỳ chụp ảnh kỷ niệm tại buổi lễ. Ảnh: VCB

Ban Lãnh đạo Vietcombank cùng Lãnh đạo VFC và nguyên Lãnh đạo Vietcombank qua các thời kỳ chụp ảnh kỷ niệm tại buổi lễ. Ảnh: VCB

Theo thông tin từ Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank), Công ty tài chính Việt Nam (Vietnam Finance Company Limited/VFC) tại khu hành chính đặc biệt Hong Kong (Trung Quốc) - công ty 100% vốn trực thuộc Vietcombank mới đây đã tổ chức kỷ niệm 40 năm thành lập (1978 – 2018).

Cũng theo Vietcombank, kể từ khi thành lập đến nay, hầu hết các năm VFC đều có lãi, vốn chủ sở hữu và tổng tài sản của VFC tăng trưởng đều qua các năm. Tính đến 31/12/2017, tổng tài sản của Công ty đạt 997.440.029 HKD, vốn chủ sở hữu của Công ty đạt 101.667.858 HKD. Công ty không có nợ xấu và nợ quá hạn.

VFC là tổ chức tài chính đầu tiên của Việt Nam ở hải ngoại, được thành lập tại Hồng Kông theo Luật Công ty Hồng Kông. Công ty được Cơ quan đăng ký công ty Hồng Kông cấp giấy chứng nhận thành lập công ty ngày 10/02/1978 với số vốn đăng ký ban đầu là 5 triệu HKD.

Cổ đông sáng lập của VFC là 2 công ty của Chính phủ Việt Nam thành lập và hoạt động tại Hồng Kông thời điểm đó là Golden Star Shipping Limited (chuyên doanh về vận tải tàu biển) và Vietnam Import and Export Limited (chuyên doanh về xuất nhập khẩu hàng hóa).

Ngày 7/3/1978, công ty được cơ quan quản lý ngân hàng Hồng Kông cấp giấy chứng nhận đăng ký hoạt động theo Luật Công ty nhận tiền gửi Hồng Kông.

Ngày 17/7/1978, Vietcombank trở thành cổ đông lớn của công ty sau khi nhận phân bổ cổ phiếu phát hành tăng vốn của công ty (Vietcombank sở hữu 60% vốn điều lệ). Ngày 3/4/1998, Vietcombank trở thành cổ đông duy nhất của công ty sau khi nhận chuyển nhượng toàn bộ cổ phiếu từ 2 cổ đông sáng lập.

VFC ra đời trong bối cảnh việc thanh toán bằng ngoại tệ của Việt Nam với các nước đặc biệt khó khăn do Việt Nam chưa có nhiều quan hệ với các ngân hàng quốc tế và chính sách cấm vận gắt gao của Mỹ.

Khi đó, VFC có vai trò như một trung gian tài chính giữa Việt Nam và quốc tế, hỗ trợ cho các hoạt động xuất nhập khẩu hàng hóa, các dịch vụ bảo hiểm, vận tải đường biển và các hoạt động kinh tế đối ngoại khác của Việt Nam.

Ngoài ra, VFC còn là kênh huy động vốn ngoại tệ, nhận chuyển tiền kiều hối, thực hiện cấp tín dụng và tài trợ cho các hoạt động phục vụ cho công cuộc đổi mới và phát triển kinh tế.

VFC hiện có trụ sở chính tại Tầng 16 Tòa nhà Golden Star Building, 20 đường Lockhart Road, quận Wan Chai, Hồng Kông. Công ty có các mảng hoạt động chính là nhận tiền gửi và gửi tiền liên ngân hàng, thanh toán quốc tế và tài trợ thương mại, cấp tín dụng, chuyển tiền kiều hối.

Được biết, trong số các tổ chức tín dụng Việt Nam, hiện chỉ duy nhất Vietcombank có sự hiện diện tại Hồng Kông.

Duy Phan

Nguồn Vietnam Finance: http://vietnamfinance.vn/cong-ty-vietnam-finance-lam-an-the-nao-sau-40-nam-co-mat-tai-hong-kong-20180504224215177.htm